Hỗ trợ hoạt động sinh kế thông qua các nhóm Đồng sở thích Chiến lược và cách tiếp cận trong hỗ trợ phát triển sinh kế của Dự án được xây dựng dựa trên kết quả phân tích hiện trạng các hoạt động sinh kế của người dân trong vùng. Yếu tố cốt lõi của chiến lược và cách tiếp cận hỗ trợ sinh kế của dự án là kết hợp, liên kết các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ thành các nhóm đồng sở thích (gọi tắt là CIG) để cùng thực hiện các hoạt động sinh kế chung. Điều này sẽ giúp các thành viên CIG dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn lực đầu vào, các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi như dịch vụ thú y, khuyến nông, tiếp cận thị trường mua giống, vật tư đầu vào và thị trường bán sản phẩm; đồng thời giúp cải thiện giá trị gia tăng từ các hoạt động sản xuất và qua đó cải thiện hiệu quả sản xuất.
Mục tiêu của tiểu hợp phần hỗ trợ kinh tế và dịch vụ sản xuất là cải thiện và đa dạng cơ hội sinh kế của các hộ gia đình thông qua phát triển bền vững các dịch vụ khuyến nông, khuyến công, công nghệ chế biến, thú y, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, phù hợp với nhu cầu địa phương.
Điểm nhấn quan trọng trong thiết kế Dự án là tăng cường các hoạt động sinh kế bền vững cho người dân nghèo. Bằng cách làm chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả hoạt động sinh kế đã khẳng định ngay trong thời gian ngắn.
Điển hình như nhóm 10 hộ chăn nuôi lợn ở xã Mường Lai, huyện Lục Yên được hỗ trợ lợn nái đã sinh sản từ 1 đến 2 lứa hoặc đến tuổi phối giống. Là giống lợn địa phương nên rất thích ứng với điều kiện chăn nuôi của các hộ nghèo. Các thành viên trong nhóm này còn được hỗ trợ cả lợn đực giống. Bởi vậy, nhiều hộ từ chỗ không có tiền mua con giống, thì nay, đã có lợn giống để chăn nuôi thương phẩm.
Tại xã Tân Lập, huyện Lục Yên có tới 30 hộ được hỗ trợ sinh kế. Trong số đó, chị Triệu Thị Dự, dân tộc Dao ở bản Chang - Trưởng nhóm Cây Đa cùng sở thích chăn nuôi gà bày tỏ: “Trước khi chưa có hỗ trợ của Dự án gia đình tôi chăn nuôi nhỏ lẻ, gà hay bị bệnh. Nay nhờ được hỗ trợ làm chuồng trại, kỹ thuật, con giống nên gà không bị bệnh nữa. Năm 2012, tôi được hỗ trợ 10 triệu đồng mua 100 con gà, đến nay, đàn gà của gia đình có đến 300 con. Mỗi năm, tiền bán gà cũng được 40 triệu đồng. Số tiền đó để trang trải cuộc sống và nuôi 2 con học đại học”.
Trước đây, gia đình anh Phàng A Dê - thôn Tà Sùa, xã Bản Công (huyện Trạm Tấu) là một trong những hộ nghèo nhất của xã. Nhưng từ khi được DAGN giai đoạn 2 của tỉnh hỗ trợ vốn, anh đầu tư nuôi gà, cuộc sống đã dần khá hơn. Ban đầu, anh Dê nuôi với số lượng ít, sau được tập huấn kỹ thuật và thấy hiệu quả, anh đã mạnh dạn tăng dần số lượng. Đến nay, giađình anh Dê đã bớt khó khăn hơn và có ít vốn tích luỹ để tiếp tục mở rộng sản xuất, anh cho biết: “Gia đình mình được DAGN hỗ trợ về con giống và kỹ thuật chăm sóc, đến nay đàn gà đang phát triển tốt, cho thu nhập ổn định, cuộc sống cũng bớt khó khăn hơn. Thời gian tới, mình sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nuôi gà”.
Trạm Tấu là một trong 5 huyện được DAGN giai đoạn 2 của tỉnh đầu tư, hỗ trợ cho người dân ở 9 xã khó khăn gồm: Bản Công, Xà Hồ, Pá Lau, Túc Đán, Bản Mù, Phình Hồ, Trạm Tấu, Tà Xi Láng, Làng Nhì. Với hơn 600 tiểu dự án được triển khai thực hiện tại các xã như: Cải thiện cơsở hạ tầng thôn, bản, hỗ trợ sinh kế, phục vụ sản xuất, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho phụ nữ... Đến nay, các tiểu dự án này đã thực sự mang lại hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào vùng cao. Bằng cách làm chặt chẽ, thiết thực hiệu quả, huyện Trạm Tấu đã hình thành được các nhóm hộ có cùng sở thích chăn nuôi như: chăn nuôi lợn, gà, bò... đồng thời, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá tập trung, mở rộng quy mô, tích luỹ thêm kinh nghiệm trong chỉ đạo phát triển kinh tế của địa phương.
Hộ gia đình anh Cầm Văn Chinh và Chị Ngô Thị Thuỷ ở thôn 3 (Khe Tăng), xã Quang Minh, huyện Văn Yên, trước đây là hộnghèo, từ năm 2012 được tham gia tiểu dự án sinh kế nuôi gà ta thả vườn với 100 con giống. Anh Chinh và chị Thuỷ được cán bộ khuyến nông hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, cán bộ quản lý DAGN huyện thường xuyên kiểm tra nên đã thành công và cho thu nhập ổn định. Sau khi kết thúc chu kỳ sản xuất gia đình tiếp tục táiđàn và phát triển chăn nuôi gà hiệu quả. Hiện nay, gia đình đã vươn lên thoát nghèo.
Vợ chồng chị Trần Thị Hiền ở xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn có 2 con đang học đại học nhưng cả nhà chỉ trông vào hơn 3 sào ruộng, vất vả quanh năm vẫn không đủ ăn. Năm 2012, chị Hiền được hỗ trợ bò, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Sau hơn 3 năm cần cù lao động vợ chồng chị Hiền có con bò sinh sản, bò đực kéo cày.
DAGN giai đoạn II (2010 - 2015) tại huyện Văn Yên được triển khai thực hiện trên địa bàn 7 xã khó khăn nhất gồm: Xuân Tầm, Nà Hẩu, Quang Minh, Châu Quế Thượng, Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Viễn Sơn. Tổng mức đầu tư giai đoạn này là trên 100 tỷ đồng, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là hơn 89 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng và người dân đóng góp. Với 805 hoạt động lớn nhỏ được phê duyệt, trong đó 778/805 hoạt động được giao cho cấp xã làm chủ đầu tư; 261 công trình tiểu dự án về các hoạt động cải thiện cơ sở hạ tầng và 431 hoạt động sinh kếkhác nhau, trong đó hoạt động chăn nuôi chiếm 87,5%. Đến nay, sau 5 năm triển khai thu nhập bình quân đầu người của các xã trong vùng Dự án ở huyện Văn Yên tăng bình quân chung 156,7% và tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4% mỗi năm.
Trên địa bàn toàn tỉnh, DAGN giai đoạn 2được triển khai tại 351 thôn, bản của 40 xã khó khăn và vùng đồng bào DTTS thuộc 5 huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, với tổng số trên 28.800 hộ tham gia, trong đó có gần 16 nghìn hộ nghèo chiếm 60%. Dự án gồm 4 hợp phần với tổng kinh phí đầu tư là gần 590 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn WB là trên 511 tỷ đồng, vốn đối ứng trên 78 tỷ đồng. Qua 5 năm triển khai đã giúp cuộc sống của người dân nghèo trong vùng Dự án có nhiều thay đổi tích cực, đã tạo cơ hội việc làm, cải thiện điều kiện sản xuất, tăng cường và phát triển các cơ hội sinh kế cho các hộ nghèo, vùng đồng bào DTTS. Kết quả sau 5 năm thực hiện Dự án đã góp phần giảm tỷ lệ nghèo chung của vùng Dự án từ 51,46% năm 2010 xuống còn 47,15% năm 2015.