Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tập trung nguồn lực cho vùng dân tộc và miền núi

15/12/2015 10:49:55 Xem cỡ chữ

Thời gian qua, chính sách dân tộc đã được các bộ, ngành và địa phương thực hiện, đạt được những kết quả nhất định. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng dân tộc và miền núi, trong đó trọng tâm là các chính sách ưu đãi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ nhằm xóa đói, giảm nghèo cho các địa phương đặc biệt khó khăn trong cả nước nói chung, tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang nói riêng đã mang lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc.

Qua sáu năm thực hiện Chương trình cho thấy, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang có bước tăng trưởng từng lĩnh vực, trong đó kinh tế rừng và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm là thế mạnh của hai tỉnh, góp phần ổn định cuộc sống cho bà con. Công tác chăm sóc, bảo vệ nguồn lợi từ rừng đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nhận thức của người dân; tập quán du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy của bà con dần được bãi bỏ. Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái Nông Thị Kim Cúc cho biết: “Tỷ lệ giảm nghèo hằng năm của hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đều cao hơn mục tiêu giảm nghèo bình quân 4%/năm của Chương trình 30a. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Trạm Tấu hơn 77%, đến năm 2014 còn hơn 56%, bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo của Trạm Tấu đạt 5,26%/năm. Huyện Mù Cang Chải tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 còn 56,5% (giảm 24% so với năm 2011, bình quân giảm 6%/năm)". Tuy nhiên, chỉ tiêu về tỷ lệ hộ nghèo lại chưa đạt, vẫn còn cao hơn mức bình quân chung của ­­các huyện khác trong tỉnh. Ngoài ra, tỷ lệ lao động qua đào tạo của hai huyện này còn thấp so với chỉ tiêu đề ra, năm 2014 là 26,1%, chưa đạt so với hơn 40% mục tiêu đề ra.

Việc áp dụng thực hiện các chính sách dân tộc tại các địa phương trong tỉnh Yên Bái thông qua nhiều cách làm sáng tạo. Nhiều hộ DTTS nỗ lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, bằng việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, mang lại thu nhập cao, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất của mình. Gia đình chị Lê Thị Thơm, dân tộc Cao Lan ở thôn Khuôn Đát, xã Phúc An, huyện Yên Bình (Yên Bái) là một trong những hộ di dân từ lòng hồ Thác Bà, lúc đầu rất khó khăn về kinh tế, nay được nhận hơn 44 nghìn m2 đất sản xuất. Gia đình chị dành gần 3.000 m2 đất trồng hai vụ lúa nước/năm và gần 2.000 m2 đất đồi rừng trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi. Chị Thơm chia sẻ: “Đến nay, gia đình tôi có thu nhập ổn định, nuôi con ăn học và còn xây được nhà kiên cố và sắm được tiện nghi cho gia đình”. Ngoài ra, còn nhiều hộ làm ăn hiệu quả, tiêu biểu như các hộ ông Lương Minh Các, dân tộc Xa Phó, thôn 7, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên...

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái Hoàng Trung Năng cho rằng: “Muốn xóa đói, giảm nghèo nhanh vùng đồng bào DTTS trong giai đoạn tới, các nguồn lực từ trung ương đến địa phương cần tập trung và sửa đổi theo hướng ưu tiên. Ngoài các chính sách của Nhà nước, Ủy ban Dân tộc cần phối hợp các bộ, ngành rà soát các chính sách dân tộc giai đoạn 2011- 2015 và chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn 2016 - 2020 hiệu quả hơn…”.

Chúng tôi ngược lên tỉnh Tuyên Quang, về xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa gặp ông Ma Văn Tân, Trưởng thôn Đon Tá. Ông Tân cho biết, thôn Đon Tá có hơn 70 hộ gia đình đều là người dân tộc Tày, tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 chiếm 76%. Từ khi triển khai Chương trình 135, 134, 30a… của Chính phủ, bà con trong thôn nhận được nhiều sự đầu tư cả về cơ sở vật chất và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nay cuộc sống của bà con đã dần ổn định, bắt đầu có "của ăn của để". Nếu trước đây, ruộng chỉ cấy một vụ, thì nay nhờ có hệ thống mương thủy lợi được quy hoạch, cán bộ khuyến nông xã, huyện về hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi… Nghe theo cán bộ, bà con học và làm theo, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Việc chăn nuôi của bà con chuyển theo hướng tập trung như nuôi gà nhốt, nuôi lợn hướng nạc cho năng suất cao. Cùng với việc phát triển sản xuất nông nghiệp, để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tuyên Quang còn hỗ trợ xi-măng, sắt thép, bà con Đon Tá cùng góp công, góp sức làm đường bê-tông. Đồng bào các dân tộc nơi đây mừng lắm. Không mừng sao được, bởi ngày trước, cứ mưa là con đường bị chia cắt thì nay người dân các xã có thể dễ dàng đến trung tâm huyện, việc trao đổi hàng hóa cũng thuận lợi hơn rất nhiều...

Mặc dù các địa phương trong khu vực Tây Bắc có nhiều nỗ lực xóa đói, giảm nghèo nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong khu vực vẫn còn cao. Bí thư Thành ủy Tuyên Quang Trần Văn Thân chia sẻ, Chính phủ cần tập trung các nguồn lực đầu tư, huy động mọi nguồn lực từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các nguồn viện trợ khác…, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các tỉnh Tây Bắc với đồng bằng. Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục rà soát, nắm chắc các vấn đề phát sinh để kịp thời giải quyết các vướng mắc cho bà con nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững vùng dân tộc và miền núi, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng trên cả nước...
Theo báo Nhân dân