Trao đổi với phóng viên, ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Sơn cho biết, từ một tỉnh thuộc diện nghèo, đến nay Hà Tĩnh đã trở thành tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo bậc trung bình của cả nước. Trong giai đoạn năm 2010 - 2015 cùng với tăng trưởng kinh tế ở mức khá tốt, thì tỷ lệ giảm nghèo cũng khá ngoạn mục, từ mức 24% năm 2010 nhưng đến nay còn dưới 5%. Để đạt được tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh như vậy, có nhiều nguyên nhân, từ vai trò của lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương thì có vai trò của ngành Ngân hàng nói chung, trong đó có NHCSXH. Theo tôi, những đóng góp của NHCSXH tương đối rõ nét, thực sự là “bà đỡ” cho người nghèo, để họ vượt qua khó khăn, có vốn làm ăn. Ban đại điện HĐQT NHCSXH từ tỉnh đến huyện cũng tham gia rất tích cực, thường xuyên họp giao ban và đôn đốc kiểm tra.
Qua công tác giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, chúng tôi được biết, tổng dư nợ cho vay hiện nay của NHCSXH trên địa bàn đạt 3.375 tỷ đồng, với nhiều chương trình cho vay, trong đó cho vay hộ nghèo chiếm tỷ trọng dư nợ cao nhất. Tại Hà Tĩnh, gần như 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn đều được đáp ứng.
Phóng viên: Ông có thể đánh giá về công tác cho vay ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể của NHCSXH ở địa phương?
ĐBQH Nguyễn Văn Sơn: Nguồn vốn ưu đãi cho vay ủy thác qua Hội Phụ nữ tỉnh chiếm tỷ lệ khoảng 35%/ tổng dư nợ, Hội Nông dân chiếm 30% còn lại là Hội CCB và Đoàn Thanh niên. Toàn tỉnh hiện có khoảng trên 400 Tổ tiết kiệm và vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của NHCSXH trong việc chuyển tải nguồn vốn đến với người dân.
Đặc biệt, bên cạnh làm tốt công tác ủy thác vốn vay, các tổ chức hội, đoàn thể còn hướng dẫn các hộ vay vốn cách sử dụng vốn vay, cách làm ăn hiệu quả. Với sự vào cuộc quyết liệt như vậy nên tỷ lệ nợ quá hạn luôn ở mức thấp, chỉ khoảng 0,08%/tổng dư nợ. Nói chung chất lượng tín dụng ưu đãi của NHCSXH tốt. Quan trọng là nguồn vốn đó đáp ứng nhu cầu sản xuất. Chúng tôi ghi nhận NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh là một trong những đơn vị góp phần tích cực cho hoạt động giảm nghèo, phát triển sản xuất, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Phóng viên: Sự chỉ đạo, kiểm tra giám sát của cấp ủy, chính quyền các cấp được thực hiện như thế nào, thưa ông?
ĐBQH Nguyễn Văn Sơn: Địa phương chúng tôi luôn xác định NHCSXH là ngân hàng của Chính phủ, của chính quyền để cho vay trong dân thì hệ thống cũng phải được quản lý rất đồng bộ, nên cấp ủy, chính quyền đều vào cuộc, kể cả Bí thư chi bộ thôn, xóm. Đặc biệt, các thành viện trong Ban đại diện HĐQT NHCSXH rất tích cực và luôn có những chỉ đạo, kiểm tra tra đánh giá, xử lý kịp thời những vướng mắc trong công tác cho vay.
Phóng viên: Những chương trình cho vay mới như cho vay hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được người dân đón nhận thế nào, thưa ông?
ĐBQH Nguyễn Văn Sơn: Các chương trình này rất có ý nghĩa nên đã được Hà Tĩnh triển khai nhanh. Đối với chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, tôi cho rằng chương trình này rất hợp lòng dân, bởi sau khi họ vay vốn thoát nghèo rồi, nay lại được tiếp thêm sức mạnh của nguồn vốn mới thoát nghèo chắc chắn sẽ hiệu quả hơn, giúp hộ vay vốn thoát nghèo bền vững.
Ngoài nguồn vốn NHCSXH TW chuyển về thì hàng năm UBND tỉnh cũng chuyển 4 - 5 tỷ đồng sang cho NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh để bổ sung nguồn vốn cho vay như giải quyết việc làm, hộ nghèo… Bên cạnh vốn vay, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm tới lồng ghép KHKT để hỗ trợ bà con SXKD hiệu quả. Với các chương trình khuyến công, khuyến nông thì Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có nhiều chương trình nhất để giải quyết những chính sách trong tái cơ cấu nông nghiệp. Đó là các chương trình thực hiện đề án về nông thôn, lồng ghép các nguồn từ nước ngoài, từ các tổ chức phi Chính phủ, các nguồn vốn trong khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, lồng ghép để nguồn vốn tín dụng chính sách mang lại hiệu quả tốt nhất.