Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tìm hướng giảm nghèo nhanh, bền vững cho 6 tỉnh vùng Tây Bắc

15/12/2015 11:01:02 Xem cỡ chữ

Sáng 10/12/2015, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ LĐTB&XH và NHNN Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị “Bàn biện pháp giảm nghèo nhanh và bền vững 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc”. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã đến dự và chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên BCH TW Đảng - Thống đốc NHNN; đồng chí Huỳnh Văn Tí, Uỷ viên BCH TW Đảng - Thứ trưởng Thường trực Bộ LĐTB&XH; bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng Lãnh đạo các Bộ, ngành TW, NHCSXH và các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.

Giảm nghèo nhanh

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho thấy bằng nhiều nguồn lực và các chương trình mục tiêu quốc gia, cơ sở vật chất và hạ tầng từ tỉnh đến cơ sở, vùng Tây Bắc nói chung và 6 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nói riêng đã có bước phát triển mới; đời sống vật chất, tinh thần của người dân có bước cải thiện đáng kể. Đồng bào đã biết sản xuất hàng hóa, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng Tây Bắc đã giảm từ 34,41% vào thời điểm cuối năm 2009 xuống còn 18,26% vào cuối năm 2014, bình quân giảm 3,91%/năm, cao gần gấp đôi so với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn quốc trong cùng giai đoạn.

Bên cạnh các chính sách đồng bộ của Đảng và Nhà nước, nguồn vốn tín dụng của ngành Ngân hàng góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững vùng Tây Bắc. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết ngành Ngân hàng đã triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng thương mại tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng cánh đồng lớn; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu, trong đó có sự tham gia tích cực của một số doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo Thống đốc NHNN, ước tính đến 31/12/2015, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn 12 tỉnh Tây Bắc đạt 128.109 tỷ đồng, tăng 16,38% so với 31/12/2014, chiếm 2,5% tổng nguồn vốn huy động toàn nền kinh tế. Trong đó, tổng nguồn vốn huy động tại 6 tỉnh có hộ nghèo cao đạt 47.006 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36,7%/tổng nguồn vốn khu vực Tây Bắc, tăng 14,13% so với 31/12/2014.

Tổng dư nợ cho vay tại vùng Tây Bắc ước tính đến cuối tháng 12/2015 đạt 175.047 tỷ đồng, tăng 17,85% so với 31/12/2014, chiếm tỷ trọng 3,9% so với tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Trong đó, tổng dư nợ ước tính đến cuối tháng 12/2015 tại 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao đạt 67.959 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38,8%/tổng dư nợ tín dụng khu vực Tây Bắc, tăng 14,16% so với 31/12/2014.

Cũng theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, cùng với nguồn vốn cho vay thương mại, nguồn vốn cho vay ưu đãi với lãi suất thấp thông qua NHCSXH với thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp tài sản là một giải pháp quan trọng giúp người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, bảo đảm an ninh chính trị và xây dựng nông thôn mới trong vùng.

Đóng vai trò là ngân hàng chủ lực trong cho vay xóa đói, giảm nghèo, trong 5 năm qua, NHCSXH đã cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng Tây Bắc với doanh số cho vay đạt 50.658 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 31.905 tỷ đồng. Đến 30/11/2015, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Bắc đạt 29.286 tỷ đồng, với 1.227 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, trong đó hộ vay vốn là đồng bào DTTS chiếm tới 68%; chiếm 20,8% tổng dư nợ toàn quốc, bình quân mỗi năm tăng trưởng gần 15%, cao hơn mức bình quân chung toàn quốc (toàn quốc 13,5%).

Đối với 06 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 20% là Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, NHCSXH luôn ưu tiên tập trung nguồn vốn để đầu tư cho vay hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc khó khăn và các đối tượng chính sách xã hội. Dư nợ tại 6 tỉnh này đến 30/11/2015 đạt 11.272 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng dư nợ tín dụng chính sách trong cả Vùng, với 480 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, dư nợ bình quân hộ nghèo đạt 30 triệu đồng/hộ vay.

Tỷ lệ nghèo còn cao và chưa bền vững

Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng do còn nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, đất sản xuất, hạ tầng cơ sở còn thấp, trình độ dân trí chưa cao nên tỉ lệ hộ nghèo vùng Tây Bắc vẫn cao gấp 2,7 lần bình quân cả nước và có nguy cơ khoảng cách này ngày càng gia tăng. Trong đó, tỉ lệ hộ nghèo tại 6 tỉnh nói trên đều cao. Cụ thể, Hà Giang là 23,21%, Cao Bằng 20,55%, Yên Bái 20,57%, Sơn La 23,94%, Điện Biên 32,57% và Lai Châu tỉ lệ hộ nghèo còn 23,48%.

Theo Phó Thủ tướng, nếu xét tiêu chí mới về chuẩn nghèo đa chiều tại Quyết định 59/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/11/2015, áp dụng cho giai đoạn 2016 -2020, bao gồm cả y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin thì tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn nhiều và sự nghiệp giảm nghèo sẽ còn khó khăn hơn.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Huỳnh Văn Tí cũng nhận định kết quả giảm nghèo chưa mang tính bền vững, tốc độ giảm nghèo giữa các vùng, miền không đồng đều, thiếu tính bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ ở các huyện nghèo còn lúng túng, chậm tiến hành giao đất, giao rừng cho nhân dân, việc triển các chính sách hỗ trợ hộ nghèo gặp khó khăn. Chính sách hỗ trợ đất sản xuất đã được triển khai từ giai đoạn 2006 - 2010 nhưng kết quả thực hiện được rất hạn chế, do quỹ đất không còn. Nhiều tỉnh gặp khó khăn trong việc tạo quỹ đất. Một số địa phương còn thụ động trong thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Công tác lồng ghép nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt hiệu quả cao.

Giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững

Nhiều giải pháp giúp giảm nghèo nhanh tại 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc đã được các đại biểu đưa ra. Trong đó, cần chuyển một số chính sách cho không, cấp không sang chính sách cho vay ưu đãi theo nguyên tắc hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn để gắn trách nhiệm và tính tự giác của hộ nghèo; để người dân có ý thức bảo toàn vốn, tránh tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, ban hành chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ có khả năng tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn các huyện nghèo, để giúp các huyện nghèo giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn.

Nhấn mạnh cần coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là đối với các địa phương trong vùng Tây Bắc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động để nhân dân tự vươn lên thoát nghèo, chống tư tưởng ỷ lại, an phận trong một bộ phận nhân dân. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì và phối hợp với Bộ LĐTB&XH xây dựng chương trình phát triển bền vững vùng Tây Bắc; tập trung nguồn lực hơn cho vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng lõi nghèo của Tây Bắc.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTB&XH cùng các Bộ, ngành khác tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo hiện nay, xây dựng đồng bộ chương trình, mục tiêu quốc gia về giảm nghèo (trong đó có 6 tỉnh nghèo nhất Tây Bắc). Cấp ủy và chính quyền địa phương cần giải quyết đất ở, đất sản xuất, đất rừng cho người dân, đồng thời địa phương xây dựng nghị quyết chuyên đề về vấn đề này với chương trình hành động cụ thể, có sự giám sát, đánh giá của HĐND.

Tại Hội nghị, ngành Ngân hàng đã trao tặng 6 tỉnh nghèo nhất vùng Tây Bắc, mỗi tỉnh 5 tỷ đồng, tương đương 100 căn nhà.

 

Giai đoạn 2009 - 2015, NHCSXH đã tập trung nguồn vốn tín dụng ưu tiên đầu tư cho những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, góp phần quan trọng thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo. Từng bước tạo sự chuyển biến về đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đồng bào DTTS thuộc khu vực Tây Bắc, đã giúp trên 2,6 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn để đầu tư phát triển SXKD, phục vụ đời sống, góp phần giúp trên 360.000 hộ thoát nghèo, trên 122.000 lao động có việc làm, xây dựng trên 663.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 152.000 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách..

 

Theo Ngân hàng CSXH