Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Giảm nghèo bền vững ở vùng cao Yên Bái

23/08/2016 10:48:27 Xem cỡ chữ

CTTĐT - Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm tới công tác xóa đói, giảm nghèo đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái đã từng bước được cải thiện cả về vật chất và tinh thần.

Nhận bò giống từ Dự án Giảm nghèo giai đoạn II, gia đình ông Giàng A Sa ở xã bản Mù (Trạm Tấu)

Tính đến nay toàn tỉnh Yên Bái đã có 92,3% số xã có đường ô tô đến trung tâm các xã; trên 80% hệ thống các trường, lớp học được kiên cố; 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 100% xã có điện lưới quốc gia. Với việc tăng cường cơ sở hạ tầng đã thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày một nâng cao. 

Về phát triển kinh tế ở vùng cao, Yên Bái đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, bước đầu tạo được thương hiệu nông sản hàng hoá như: vùng lúa, vùng chè, vùng cây ăn quả... Trong đó, đáng lưu ý nhất là tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc chuyển đổi từ trồng lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi, không chỉ đơn thuần là giải quyết lương thực cho người dân mà đã từng bước chuyển thành vùng ngô hàng hóa tại 3 huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Cùng với đó vùng cây sơn tra ở 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải; vùng chè ở Suối Giàng, Phình Hồ, Púng Luông... đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân. 

Ông Giàng A Câu - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái cho biết: Để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh, bền vững đối với vùng cao, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách Đảng, Nhà nước, tỉnh Yên Bái còn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đối với đồng bào. Đó là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội áp dụng đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015; Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020… bằng các nguồn lực như: ngân sách địa phương, các doanh nghiệp và nhân dân đóng góp chung tay xóa nghèo cho đồng bào. Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước phát triển mạnh, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm từ 4 - 5% (riêng hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm 6%/năm). 

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Yên Bái đã giảm xuống còn dưới 20%, tuy tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở vùng cao vẫn chiếm một tỷ lệ rất lớn trong tổng số hộ nghèo của tỉnh. Nguyên nhân là do kinh tế - xã hội ở một số xã và một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm phát triển; tập quán canh tác sản xuất còn lạc hậu, năng suất lao động thấp; thu nhập thấp, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; nguồn lực hỗ trợ cho đầu tư phát triển tuy có tăng nhưng so với yêu cầu còn thấp; cơ sở hạ tầng còn thiếu, giao thông đi lại khó khăn, việc tiếp cận khoa học kỹ thuật và dịch vụ còn hạn chế; một bộ phận nhân dân còn thiếu đất sản xuất; chưa chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm... 

Để vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những bước phát triển nhanh, bền vững tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các ngành, cấp ủy đảng và chính quyền địa phương các tổ chức đoàn thể xã hội tiếp tục đẩy mạnh việc chăm lo đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển sản xuất, ổn định dân cư, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo theo hướng giảm cho không, cho vay ưu đãi; chuyển giao kiến thức khoa học, kỹ thuật cho đồng bào để đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trong công tác vận động, tuyên truyền đến đồng bào vùng cao; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.