Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Muốn giảm nghèo bền vững phải phát triển sản xuất

27/09/2016 15:04:42 Xem cỡ chữ

CTTĐT - Ngày 15/4, tại Yên Bái, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp OXFAM, FAO, Đại sứ quán Ailen, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức hội thảo Định hướng phát triển sản xuất dựa vào cộng đồng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đến dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là 1 trong những chương trình trọng tâm giai đoạn 2016-2020. Để chương trình giai đoạn tới hoạt động hiệu quả hơn, cần có những kiểm điểm rút ra những bất cập hạn chế để làm bài học cho giai đoạn tới. Trước khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cần rà soát lại hệ thống chính sách, thay đổi một số chính sách. Một trong những thay đổi chính sách chính là quan tâm nhiều đến sản xuất, bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng. Giai đoạn trước đánh giá hợp phần sản xuất chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi muốn giảm nghèo bền vững căn cơ thì phải phát triển sản xuất. Làm thế nào để thúc đẩy được sản xuất. Ngoài bố trí thêm nhiều nguồn lực làm theo cách cũ như hiện nay có thể vẫn không đạt kết quả.

Hiện nay đang hỗ trợ sản xuất cho người nghèo theo 4 phương thức: Một là tập trung hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình tiền, hiện vật (cây con giống, đất, chuồng trại, phát triển các mô hình liên kết…). Hai là hỗ trợ tín dụng, đây là phương thức chủ yếu, thông qua ngân hàng CSXH. Hỗ trợ theo phương thức thứ 3 là các chính sách khuyến khích phát triển. Phương thức thứ 4 là hỗ trợ thông qua các mô hình kinh tế để nhân rộng. “Tới đây không bỏ các chính sách nhưng làm thế nào để thay đổi chính sách. Chuyển đổi phương thức hỗ trợ: Từ cho không chuyển sang hỗ trợ cho vay, cho mượn" - Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.

Thời gian qua hỗ trợ người nghèo sản xuất kết quả không được như mong muốn. Hỗ trợ hiện vật cho bà con đã tạo ra sức ỳ, không phát huy được sự tham gia của người nghèo. Người nghèo không được bàn bạc, huyện mua gà, dắt dê phát cho từng nhà… từ tính thụ động như vậy, lại làm thay người nghèo nên ý thức quan tâm của chính người nghèo về những hiện vật được hỗ trợ không cao, làm chăng hay chớ. Làm xong chu kỳ ấy lại bay biến đi, không xoay vòng. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: “Chính chúng ta làm thay họ nhưng nhiều khi chúng ta không hiểu phong tục tập quán, thiên nhiên khí hậu, địa hình….đưa vào không trúng, không hiệu quả. Các mô hình chúng ta đưa xuống: mô hình năm nào, ở đâu, giải ngân xong là xong, thiếu theo dõi, quản lý để nhân rộng mô hình đó ra. Chưa có 1 chính sách nào tuyên bố bỏ, dừng mà chỉ nâng mức hỗ trợ lên. Vừa rồi mới chỉ có chính sách hỗ trợ nhà ở bỏ được: vay ưu đãi, hỗ trợ, huy động cộng đồng thì nay chỉ cho vay và huy động cộng đồng. Sản xuất là hợp phần quan trọng. Trong sản xuất có nhiều vấn đề cần thay đổi nhất”.

Theo ông Nguyễn Văn Anh, đại diện nhóm tư vấn dự án Hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011- 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2016, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo suốt 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, giảm nghèo giai đoạn qua gặp nhiều khó khăn và thách thức: Vấn đề phân cấp trao quyền cho chính địa phương, cơ sở; sự tham gia của cộng đồng người dân trong công tác giảm nghèo; vấn đề hỗ trợ nhỏ lẻ, nặng về bao cấp làm giảm hiệu quả của công tác giảm nghèo, hạn chế tính tự chủ và sáng tạo, làm tăng tính ỷ lại của người dân; chồng chéo trong chính sách, thiếu cơ chế cụ thể để lồng ghép các nguồn lực; vấn đề ngân sách hỗ trợ và ngân sách đối ứng.

 Từ những khó khăn thách thức đó đòi hỏi trong giai đoạn 2016-2020 cần phải thay đổi cách tiếp cận giảm nghèo theo tư duy mới. Theo đó, dự án đề xuất nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ sản xuất dựa vào cộng đồng giai đoạn 2016-2020  theo nguyên tắc: Hỗ trợ sản xuất cần dựa trên cơ sở quy hoạch sản xuất của địa phương, hạn chế tính tự phát, phong trào. Hỗ trợ cho hộ gia đình thông qua dự án do cộng đồng đề xuất, quyết định; cộng đồng là nhóm hộ do các tổ chức đoàn thể làm đại diện, hoặc hình thành theo từng thôn, bản, được UBND cấp xã quyết định công nhận, có quy chế hoạt động cụ thể. Đối tượng tham gia dự án trước hết ưu tiên cho hộ gia đình cam kết thực hiện các quy định đề ra, không hỗ trợ cào bằng để hạn chế tính ỷ lại vào chính sách. Hỗ trợ sản xuất phải thông qua dự án, thời gian thực hiện từ 2-3 năm. Nội dung hỗ trợ tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của từng dự án, bao gồm hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, hướng dẫn chăm sóc, bảo quản, chế biến, phòng trừ dịch bệnh gắn với tiếp cận thị trường.

Về cơ chế vốn, giao vốn trung hạn 5 năm. Nguồn vốn hình thành một phần từ ngân sách nhà nước, vốn vay ưu đãi, từ vốn lồng ghép thực hiện các chính sách, vốn đối ứng của các gia đình. Hộ gia đình được hỗ trợ ngân sách có trách nhiệm hoàn trả vốn cho cộng đồng để luân chuyển vốn cho các hộ khác.

Cơ chế phân quyền cho cấp xã và cộng đồng: cấp xã là chủ đầu tư các dự án hỗ trợ sản xuất thực hiện trong địa bàn xã. UBND xã hướng dẫn cộng đồng xây dựng dự án, phê duyệt dự án, chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá, báo cáo kết quả. Cộng đồng đề xuất, xây dựng dự án, trình UBND cấp xã phê duyệt, trực tiếp triển khai thực hiện, đánh giá kết quả và báo cáo theo quy định.

 

Thu Hương