CTTĐT – Chiều 22/4 Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trong 02 năm (2011-2012) và phương hướng nhiệm vụ năm 2013, định hướng đến năm 2015. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh- Trưởng ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững Trung ương chủ trì Hội nghị.
Cổng thông tin điện tử tỉnh – Chiều 22/4 Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trong 02 năm (2011-2012) và phương hướng nhiệm vụ năm 2013, định hướng đến năm 2015. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh- Trưởng ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững Trung ương chủ trì Hội nghị.
Tại điểm cầu Yên Bái, đồng chí Ngô Thị Chinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo của tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành thành viên Ban chỉ đạo tỉnh tham dự Hội nghị.
Trong 2 năm 2011-2012 các tỉnh, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp, xây dựng kế hoạch giảm nghèo trên địa bàn, ban hành các chính sách cụ thể của các địa phương để hỗ trợ đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo phù hợp với đặc điểm thực tế, ban hành các chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo...
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị (Tại điểm cầu Hà Nội)
Theo báo cáo tại Hội nghị, cùng với tổng số vốn được bố trí cho chương trình giảm nghèo là 10.735,2 tỷ đồng trong 02 năm 2011 - 2012, toàn quốc đã đầu tư 22.303 tỷ đồng hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho 29 triệu lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số; trên 04 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ điều kiện học tập và trợ cấp tiền ăn; hơn 1.087 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn, trong đó lao động thuộc hộ nghèo chiếm 10,7%, lao động thuộc hộ cận nghèo chiếm 5,2% và lao động người dân tộc thiểu số chiếm 20,5% và trên 500 ngàn hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ…
Nhờ những biện pháp tích cực nên tỉ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 11,76% (năm 2010) và 9,6% (năm 2012), bình quân giảm 2,3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo tại 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đã giảm từ 58,33% (năm 2010) xuống còn 50,97% (năm 2011) và 43, 89% (năm 2012), bình quân giảm trên 7%/năm.
Tuy nhiên kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Nhiều nơi tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 50%, tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo của cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.
Đối với tỉnh Yên Bái với việc triển khai đồng bộ các chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo, trong năm 2012, toàn tỉnh đã có 4.650 hộ thoát nghèo, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 32,53% cuối năm 2011 xuống còn 29,23% vào cuối năm 2012.
Tại hội nghị các địa phương, các ngành đã tập trung thảo luận về những khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai các chính sách giảm nghèo, đồng thời kiến nghị những biện pháp nhằm đưa công tác giảm nghèo đảm bảo bền vững. Theo đó cần vận dụng hợp lý các chính sách giảm nghèo của Chính phủ vào điều kiện của từng địa phương nhằm phát huy tỉnh chủ động, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân với công tác giảm nghèo. Phối kết hợp giữa giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới để chương trình giảm nghèo mang lại hiệu quả cao hơn. Các địa phương cũng nêu ý kiến cần tăng mức đầu tư hỗ trợ cho các xã thuộc diện 30a, tăng cường dự án cải thiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, cần giảm dần các chính sách hỗ trợ mang tính trợ cấp, không gắn với điều kiện nhằm khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo.
Phát biểu tại Hội nghị Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng trong việc hỗ trợ giảm nghèo cần đặc biệt quan tâm tạo việc làm, gắn với sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm làm cho người dân hiểu và xác định được giảm nghèo là nhiệm vụ chính của bản thân mình, làm sao để người dân tự giác, chủ động trong thực hiện. Tiếp tục nghiên cứu để ban hành các chính sách hỗ trợ mới theo hướng mở rộng thêm đối tượng hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo để góp phần giải quyết giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Làm tốt công tác nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến để cùng thi đua, tạo điều kiện cho các địa phương học tập lẫn nhau, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện.
Đến năm 2013 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước đạt 2%/năm (từ 9,6% xuống còn 7,6%). Riêng tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm.
Đến cuối năm 2015, tỷ lệ nghèo cả nước giảm còn dưới 5% theo chuẩn nghèo hiện hành, tỷ lệ nghèo của các huyện nghèo còn dưới 30%.
Đối với tỉnh Yên Bái, năm 2013 phấn đấu giảm 3,5% hộ nghèo, tương ứng với 5.609 hộ thoát nghèo, phấn đấu tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 29,23% xuống còn 25,73% (cuối năm 2013). Huy động nguồn lực giảm nghèo đạt 2.600 tỷ đồng. Trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho 21.080 đối tượng bảo trợ xã hội.