Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái gắn mô hình đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

31/10/2017 10:02:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT – Những năm qua cùng với việc triển khai thực hiện các giải pháp đào tạo nghề nhằm giải quyết việc làm tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, tỉnh Yên Bái quan tâm đến việc xây dựng các mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Theo đó đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 108 mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn triển khai tại các huyện với số người được học nghề là 3.545 người. Tỷ lệ người có việc làm sau khi học nghề ở mỗi mô hình đều đạt trên 85%.

Mô hình trồng dâu nuôi tằm tại Trấn Yên

Trong đó, các mô hình dạy nghề điển hình có tỷ lệ tạo việc làm cao đã và đang được duy trì có hiệu quả như: Sản xuất rau an toàn tại xã Tuy Lộc, xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái); Trồng và sơ chế măng tre Bát độ ở Kiên Thành, Nuôi tằm và sơ chế kén tằm tại Việt Thành, Tân Đồng, Báo Đáp, May công nghiệp (huyện Trấn Yên); Chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất gạch theo công nghệ lò nung Tuynel (huyện Văn Yên); xây dựng, chăn nuôi lợn (huyện Lục Yên); Chạm khắc đá (huyện Văn Chấn), Kỹ thuật nuôi ong mật tại tại Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải), Du lịch cộng đồng Homestay (tại thị xã Nghĩa Lộ)...

Một số lớp dạy nghề phát huy hiệu quả tích cực với nhiều lao động nông thôn sau khi học nghề đã áp dụng có hiệu quả vào sản xuất và tạo việc làm tại một số địa phương. Cụ thể: Lớp đào tạo nghề “Sản xuất rau an toàn” tại các xã Tuy Lộc và Âu Lâu đã giúp nhiều hộ sản xuất nông nghiệp mạnh dạn mở rộng sản xuất, thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, tăng diện tích trồng rau, củ, quả, làm nhà lưới, vòm che thấp, sản phẩm sau khi thu hoạch có chất lượng tốt, sản lượng thu hoạch cao có thương hiệu, lao động tham gia sản xuất có thu nhập ổn định (trung bình từ 4,5 triệu/ người/ tháng trở lên). Mô hình “Nuôi cá nước ngọt” tại xã Vĩnh Kiên, kỹ thuật thâm canh cây bưởi tại xã Đại Minh (huyện Yên Bình), chế biến gỗ tại thị trấn Yên Bình, góp phần giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất; sau khi được học nghề người lao động đã có công việc ổn định cho người lao động với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Trấn Yên với quy mô lớn sau đào tạo nghề như: mô hình Trồng và sơ chế măng tre Bát Độ tại xã Kiên Thành (tổ hợp tác xã với 25 hội viên) với tổng diện tích 1.268 ha cho sản lượng 23.000 tấn, thu nhập 16 tỷ đồng/năm; Mô hình Trồng dâu nuôi tằm, Trồng cây ăn quả có múi và Chăn nuôi thú y. Huyện Văn Yên với các mô hình có hiệu quả cao như mô hình xưởng chế biến gỗ rừng trồng tại xã Lâm Giang, mô hình sản xuất gạch theo công nghệ lò nung Tuynel tại xã Đông Cuông, số công nhân được duy trì trên 30 người và có mức thu nhập tốt (trung bình trên 5 triệu đồng/ người/ tháng).

Nhiều hộ gia đình tại xã Nghĩa An và Xã Nghĩa Lợi đã phát triển mô hình du lịch tại gia đình (Homestay), sau khi được đào tạo, đã góp phần giúp các hộ gia đình nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch (bao gồm cả khách trong nước và khách nước ngoài), góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho lao động địa phương và quảng bá tốt hình ảnh về du lịch của tỉnh Yên Bái.

Để có được kết quả trên, tỉnh Yên Bái xác định khi xây dựng các mô hình cần phải phù hợp với định hướng phát triển ngành nghề, đặc biệt là những ngành nghề có thế mạnh, ngành nghề ưu tiên phát triển của địa phương, ngành nghề gắn với vùng nguyên liệu của địa phương để sau khi học nghề, lao động nông thôn có thể áp dụng hiệu quả vào phát triển sản xuất, tạo việc làm. Đồng thời phát huy trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ người lao động sau khi học nghề về vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm; gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong việc đào tạo các lớp phi nông nghiệp gắn với địa chỉ việc làm đầu ra; các mô hình cần có sự gắn kết với doanh nghiệp trong việc hỗ trợ bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân sau khi được đào tạo nghề.

Ban Biên tập