Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái nỗ lực tạo việc làm cho người lao động

25/04/2022 10:08:00 Xem cỡ chữ
Thời gian qua, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên các hoạt động về lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, vượt lên khó khăn, công tác giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các ngành, các cấp quan tâm, qua đó góp phần duy trì ổn định kinh tế - xã hội địa phương.

Sau khi tham gia lớp học nghề, phụ nữ xã Gia Hội, huyện Văn Chấn đã tham gia Tổ hợp tác Mây tre đan của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.

Ngày 1/11/2021, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Chương trình hành động số 56-CTr/TU về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022. Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) được giao thực hiện 5 nhiệm vụ trong năm. Một trong những nhiệm vụ của Sở LĐ-TB&XH là giải quyết việc làm cho 19.500 người lao động.

Trong đó, 10.038 người lao động được giải quyết việc làm theo chương trình phát triển kinh tế - xã hội, trên 1.500 người lao động có việc làm thông qua vay vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm; ngoài ra, đưa 710 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) và cung ứng 6.850 người đi tỉnh ngoài lao động… Để hoàn thành kế hoạch giao, ngoài sự nỗ lực của Sở LĐ-TB&XH, cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương.  

Năm 2021, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, huyện Văn Chấn đã vượt kế hoạch giải quyết việc làm cho người lao động. Theo đó, năm qua, toàn huyện giải quyết việc làm mới cho trên 2.000 lao động. 

Năm 2022, huyện phấn đấu giải quyết việc làm mới cho trên 2.500 lao động và đưa 210 người đi XKLĐ. Để đạt mục tiêu trên, Phòng LĐ-TB&XH huyện Văn Chấn đã đưa ra các giải pháp; trong đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho lao động nông thôn. 

Bên cạnh đó, nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, huyện sẽ tiếp tục kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi về mặt, hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc cho lao động… Không chỉ huyện Văn Chấn mà các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng lên kế hoạch và đưa ra các giải pháp cụ thể để hoàn thành kế hoạch giải quyết việc làm cho lao động địa phương. 

Năm 2022, dự kiến, còn nhiều khó khăn trong công tác giải quyết việc làm và XKLĐ do dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Để hoàn thành kế hoạch giao, ngành LĐ-TB&XH cùng các địa phương tập trung phát triển kinh tế - xã hội gắn với tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho người lao động. 

Gắn tạo việc làm với xây dựng nông thôn mới và phát triển các làng nghề truyền thống cùng với chuyển dịch cơ cấu lao động, đặc biệt là lao động thuộc các xã nghèo. Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa các ngành nghề nhằm tạo thêm việc làm mới. 

Bên cạnh việc tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giải quyết việc làm và XKLĐ; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ XKLĐ của trung ương và địa phương, cũng như lồng ghép có hiệu quả các chính sách hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề; khuyến khích người lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tham gia giải quyết việc làm và XKLĐ. 

Đổi mới hoạt động của các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm, nâng tần suất phiên giao dịch việc làm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm nhằm kết nối cung - cầu lao động giữa người lao động với doanh nghiệp.

Theo Báo Yên Bái