Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn

02/10/2019 14:55:00 Xem cỡ chữ
Thời gian qua, để người dân có việc làm, thu nhập ổn định, tỉnh đã quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động bằng nhiều giải pháp tích cực, cụ thể, trong đó có triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn.

Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 88%

Năm 2018, từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động dạy nghề của các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, hoạt động truyền nghề, tự học nghề... toàn tỉnh có 16.825 người tham gia học nghề, trong đó có 13.300 lao động nông thôn (chiếm 79%). Riêng thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, toàn tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề cho 5.539 lao động nông thôn trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp là 3.845 người, chiếm 69,4%, lĩnh vực phi nông nghiệp là 1.694 người, chiếm 30,6%.

Qua tổng hợp, đánh giá hiệu quả sau đào tạo, trong tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề thì số có việc làm sau đào tạo đạt 88%. Trong đó lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp là đạt 90% (bao gồm những người sau khi học nghề tiếp tục làm việc với năng suất và thu nhập cao hơn trước); lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề ở lĩnh vực phi nông nghiệp đạt 83,5% (bao gồm những người được tạo việc làm mới).

Kết quả hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng lao động nông thôn cũng như chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh cuối  năm 2018 đạt 54%. Đào tạo nghề đã có đóng góp quan trọng trong việc tạo việc làm cho trên 17.000 lao động mỗi năm của tỉnh, góp phần chung vào công tác giảm nghèo tại tỉnh Yên Bái. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao năng suất, tạo việc làm, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở từng địa phương và của tỉnh theo hướng hiệu quả, bền vững.