Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo dục nghề nghiệp

10/11/2023 16:37:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Xác định, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp không chỉ bảo đảm nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động, mà còn giúp cơ sở đào tạo nâng cao vị thế, thu hút học viên. Thời gian qua, Yên Bái chú trọng triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Giới thiệu, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh Yên Bái.

Tỉnh Yên Bái có nguồn nhân lực dồi dào (trên 85 vạn dân với 63% dân số trong độ tuổi lao động); chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 66,1%.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn của một tỉnh miền núi có số lượng lao động lớn, phần lớn lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, Yên Bái đã xác định “phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh”.

Yên Bái cũng đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, đề án, chính sách về phát triển nguồn nhân lực; chú trọng phát triển thị trường lao động, tạo việc làm trong nước và nước ngoài. Đồng thời, triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG về hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 3 trường Cao đẳng, 3 trường Trung cấp, 6 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 2 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục. Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư để đến năm 2025, trở thành một trong 70 trường chất lượng cao của cả nước có các nghề đào tạo đạt chuẩn quốc tế, ASEAN và chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo được đầu tư theo danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu và nội dung chương trình đào tạo. Một số ngành, nghề trọng điểm được đầu tư thiết bị đồng bộ, hiện đại, tiên tiến phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Chương trình, giáo trình đào tạo thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế; đưa nội dung kỹ năng làm việc trong doanh nghiệp; an toàn, vệ sinh lao động vào chương trình đào tạo, chú trọng phát triển phẩm chất, giáo dục nhân cách. Thời gian qua, các trường nghề của tỉnh Yên Bái đã tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp lớn trong đào tạo nguồn nhân lực, tiêu biểu như hoạt động hợp tác giữa trường Cao đẳng nghề Yên Bái và Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng.

Với cơ sở giáo dục ngày càng được nâng cao về chất lượng, mỗi năm, toàn tỉnh đào tạo nghề cho trên 20.000 lao động có thể cung ứng đủ nhu cầu về lao động cho các doanh nghiệp (có dự án đầu tư tại tỉnh) như: dệt, may, da giầy, lắp ráp ô tô, xe máy, lắp ráp linh kiện điện tử..; giải quyết việc làm cho 20.000 - 22.000 lao động; chuyển dịch từ 5.000-7.000 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, trong đó đã chú trọng nhiều kênh giải quyết việc làm, đặc biệt là giải quyết việc làm ngoài tỉnh và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bà Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Phát triển nguồn nhân lực được tỉnh xác định là một trong 3 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Hiện nay cơ bản mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được rà soát, sắp xếp lại phù hợp với thực tiễn, sau khi sắp xếp lại, các cơ sở hoạt động ổn định. Cùng với đó, đội ngũ nhà giáo GDNN từng bước được đào tạo, bồi dưỡng tiến tới đạt chuẩn về trình độ đào tạo, kỹ năng nghề, năng lực sư phạm; chất lượng cán bộ quản lý GDNN cũng từng bước được nâng cao."

Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh Yên Bái đã ban hành kế hoạch thực hiện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu với nhiệm vụ mới. Phấn đấu đến năm 2025, Yên Bái đạt mục tiêu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông đạt 60%, vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 30%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 45%, vào học đại học đạt 27%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40% trở lên. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động qua đào tạo đạt 45%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo theo các lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp thủy sản 52%; công nghiệp - xây dựng 22%; thương mại - dịch vụ 26%.

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Yên Bái sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về tầm quan trọng của việc học nghề; Đa dạng hoá các hoạt động truyền thông và hình thức triển khai, đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp với từng nhóm đối tượng các thông tin, hình ảnh, vị thế và thông điệp quốc gia của giáo dục nghề nghiệp tới toàn xã hội.

Cùng với đó tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đảm bảo theo hướng  tinh gọn, hiệu quả, phân tầng chất lượng, chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Chú trọng phát triển trường chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm cấp quốc tế, Asean, quốc gia; các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo có thế mạnh đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của tỉnh và yêu cầu của thị trường lao động.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành liên quan trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, định kỳ đánh giá, xếp loại chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông thu hút vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động, cùng với đó nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp”.

Ban Biên tập