Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Mục đích và ý nghĩa của công tác an toàn vệ sinh lao động

21/05/2020 14:06:00 Xem cỡ chữ
Mục tiêu của công tác an toàn vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) là thông qua các biện pháp về khoa học kỹ thuật, pháp luật, tổ chức, hành chính, kinh tế - xã hội để loại trừ các yếu tố nguy hiểm và có hại phát sinh trong sản xuất, tạo nên một điều kiện lao động tiện nghi, thuận lợi và môi trường lao động ngày càng được cải thiện tốt hơn để ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp (TNLĐ và BNN), hạn chế ốm đau và giảm sút sức khoẻ cũng như những thiệt hại khác đối với người lao động (NLĐ), nhằm bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng NLĐ, trực tiếp góp phần bảo vệ và phát triển lực lượng sản xuất, tăng năng suất lao động và bảo vệ môi trường.

Bảo hộ lao động an toàn cho cuộc sống (ảnh minh họa)

Công tác an toàn vệ sinh lao động bao gồm 3 tính chất đó là: tính chất khoa học kỹ thuật, tính luật pháp và tính quần chúng rộng rãi.

Về nội dung của công tác an toàn vệ sinh lao động có 3 nội dung đó là: Nội dung về khoa học kỹ thuật; nội dung về xây dựng và thực hiện các luật pháp, chế độ chính sách, tiêu chuẩn, qui định về AT-VSLĐ và tổ chức quản lý nhà nước về AT-VSLĐ; Những nội dung về giáo dục, huấn luyện về AT-VSLĐ và vận động quần chúng làm tốt công tác AT-VSLĐ.

Về điều kiện lao động là tổng thể các yếu tố tự nhiên, xã hội, kỹ thuật, kinh tế, tổ chức thể hiện qua quy trình công nghệ, công cụ lao động, đối tượng lao động, môi trường lao động, con người lao động và sự tác động qua lại giữa chúng tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động của con người trong quá trình sản xuất.

Điều kiện lao động có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người. Những công cụ và phương tiện có tiện nghi, thuận lợi hay ngược lại gây khó khăn nguy hiểm cho người lao động, đối tượng lao động. Đối với quá trình công nghệ, trình độ cao hay thấp, thô sơ, lạc hậu hay hiện đại có tác động rất lớn đến người lao động. Môi trường lao động đa dạng có nhiều yếu tố tiện nghi, thuận lợi hay ngược lại khắc nghiệt, độc hại đều tác động rất lớn đến sức khỏe người lao động.

Yếu tố nguy hiểm có hại trong điều kiện lao động cụ thể, bao giờ cũng xuất hiện các yếu tố vật chất có ảnh hưởng xấu, nguy hiểm, có nguy cơ gây tai nạn hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Cụ thể là: Các yếu tố vật lý như nhiệt độ, tiếng ồn, các bức xạ có hại,bụi....; Các yếu tố hóa học như chất độc, các loại hơi, khí, bụi, bụi độc, các chất phóng xạ,...; Các yếu tố sinh vật, vi sinh vật như các loại vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng, côn trùng, rắn,....; Các yếu tố bất lợi về tư thế lao động, không tiện nghi do không gian chỗ làm việc, nhà xưởng chật hẹp, mất vệ sinh… và các yếu tố tâm lý không thuận lợi.

Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong, xảy ra trong quá trình lao động, gắng liền với việc thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ lao động. Nhiễm độc đột ngột cũng là tai nạn lao động.

Tai nạn lao động ra: Chấn thương, nhiễm độc nghề nghiệp và bệnh nghề nghiệp.

Trong đó chấn thương là tai nạn mà kết quả gây nên những vết thương hay hủy hoại một phần cơ thể người lao động,làm tổn thương tạm thời hay mất khả năng lao động vĩnh viễn hay thậm chí gây tử vong. Chấn thương có tác động đột ngột.

Bệnh nghề nghiệp: Là bệnh phát sinh do tác động của điều kiện lao động có hại, bất lợi (tiếng ồn,rung,...) đối với người lao động. Bệnh nghề nghiệp làm suy yếu dần sức khỏe hay làm ảnh hưởng đến khả năng làm việc và sinh hoạt của người lao động. Bệnh nghề nghiệp làm suy yếu sức khỏe người lao động một cách dần dần và lâu dài.

Nhiễm độc nghề nghiệp: Là sự hủy hoại sức khỏe do các tác dụng của chất độc xâm nhập vào cơ thể người lao động trong điều kiện sản xuất.

Công tác bảo hộ lao động nhằm mục đích để loại trừ  các yếu tố nguy hiểm và có hại phát sinh trong quá trình sản xuất; Cải thiện điều kiện lao động hoặc tạo điều kiện an toàn trong lao động; Phòng tránh tai nạn lao động, ngăn ngừa bệnh nghề nghiệp, hạn chế ốm đau bảo vệ sức khoẻ, an toàn về tính mạng cho người lao động; Phòng tránh những thiệt hại về người và của cải cơ sở vật chất. Góp phần bảo vệ và phát triển lực lượng sản xuất, tăng năng suất lao động.

Công tác bảo hộ lao động mang lại những lợi ích về kinh tế, chính trị, xã hội và có ý nghĩa nhân đạo lớn lao. Lao động là động lực chính của sự tiến bộ loài người, do vậy BHLĐ là nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu trong các dự án, thiết kế, điều hành và triển khai sản xuất.

Những quy định và nội dung BHLĐ được thể chế hoá trong luật pháp của Nhà nước. Mọi người, mọi cơ sở kinh tế đều phải có trách nhiệm tham gia và thực hiện.

Mọi hoạt động của BHLĐ nhằm loại trừ yếu tố nguy hiểm, có hại, phòng và chống tai nạn, các bệnh nghề nghiệp...đều xuất phát từ cơ sở của khoa học kỹ thuật. Các hoạt động điều tra khảo sát, phân tích điều kiện lao động. Đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố độc hại đến con người để đề ra các giải pháp chống ô nhiễm, giải pháp đảm bảo điều kiện an toàn đều là những hoạt động khoa học kỹ thuật.

Bảo hộ lao động là hoạt động hướng về cơ sở sản xuất và con người, trước hết là người trực tiếp lao động. Đối tượng BHLĐ là tất cả mọi người, từ người sử dụng lao động đến người lao động, là những chủ thể tham gia công tác BHLĐ để bảo vệ mình và bảo vệ người khác. BHLĐ liên quan tới quần chúng lao động, bảo vệ quyền lợi và hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà, cho toàn xã hội.

Ban Biên tập