Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tạo điều kiện cho người nhiễm HIV có được việc làm ổn định

07/09/2017 09:16:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Hiện nay nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho người nhiễm HIV có được việc làm ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều rào cản ngăn trở người nhiễm HIV hòa nhập với cộng đồng.

Hiện nay nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho người nhiễm HIV có được việc làm ổn định

Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) quy định: Người sử dụng lao động không được có các hành vi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV; ép buộc người lao động còn đủ sức khỏe chuyển công việc mà họ đang đảm nhiệm vì lý do người lao động nhiễm HIV; từ chối nâng lương, đề bạt hoặc không bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV; yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với người dự tuyển lao động, từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển lao động nhiễm HIV…

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát ở 1.500 người thuộc 4 nhóm yếu thế tại 7 tỉnh, thành phố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, đa số người nhiễm HIV/AIDS không có việc làm ổn định. Họ làm việc tự do hoặc làm việc theo thời vụ, thu nhập bấp bênh, thường chỉ từ 1-3 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, thực tế cho thấy, hiện có rất ít các doanh nghiệp dám nhận những lao động nhiễm HIV vì những đối tượng này không đáp ứng được các yêu cầu về sức khỏe, trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp rất sợ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín khi có người nhiễm HIV làm việc. Trong khi đó, những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp nhận người nhiễm HIV/AIDS vào làm việc còn hạn chế. Điều này khiến những người nhiễm HIV gặp nhiều trở ngại khi tìm kiếm việc làm.

Nhằm tạo điều kiện cho người mắc bệnh HIV ổn định cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 29/2014/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương.

Theo đó, từ ngày 15/6/2015, hộ gia đình và người nhiễm HIV sẽ được vay vốn để sản xuất. Cụ thể, người vay có thể vay vốn nhiều lần với mức vay tối đa đối với cá nhân là 20 triệu đồng/người và mức vay tối đa đối với hộ gia đình là 30 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015 - 2016 mới chỉ được thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh/thành phố và từ năm 2017 sẽ triển khai rộng trên phạm vi toàn quốc.

Trong khi đó, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2009 - 2020 cũng chỉ rõ: Mọi lao động nông thôn có cơ hội được học nghề để tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống mà không phân biệt giữa người nhiễm HIV hay không nhiễm.

Những chính sách trên đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với các đối tượng chưa có việc làm hoặc việc làm chưa ổn định. Đây cũng là cơ hội để người nhiễm HIV được học nghề và kiếm việc làm. Tuy nhiên, để những chính sách trên phát huy hiệu quả không phải đơn giản, nhất là trong bối cảnh hiện nay, ở nhiều địa phương vẫn coi người nhiễm HIV là gánh nặng của xã hội.

Bên cạnh đó, vẫn chưa có nhiều chính sách đặc thù, riêng biệt cho người nhiễm HIV nên việc tiếp cận chính sách đối với người nhiễm HIV gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, để giúp người nhiễm HIV có việc làm ổn định Nhà nước cần có những chính sách cụ thể, đặc thù riêng để khuyến khích và hỗ trợ việc làm cho người có HIV và ảnh hưởng của HIV/AIDS.   

Ban Biên tập