Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Chú trọng, thúc đẩy việc xuất khẩu lao động sang thị trường chất lượng

09/09/2019 08:52:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Theo ước tính, Việt Nam hiện có hơn 500.000 lao động đang làm việc trong 30 ngành công nghiệp khác nhau ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân mỗi năm gửi về nước khoảng 2,5 tỷ USD.

XKLĐ tiếp tục được xác định là kênh giải quyết việc làm hiệu quả (ảnh minh họa)

Số liệu thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB và XH), năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.860 người, vượt 30% so với kế hoạch năm (kế hoạch năm 2018 là 110.000 người), tăng 6% so với năm 2017. Trong đó, thị trường đứng đầu về lượng tiếp nhận có thể kể đến: Nhật Bản: 68.737 lao động, Đài Loan (Trung Quốc): 60.369 lao động, Hàn Quốc: 6.538 lao động...

Theo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề XKLĐ giai đoạn 2010-2017 và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam giai đoạn 2013-2017 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, bức tranh XKLĐ có nhiều chuyển biến.

Theo đó, từ năm 2014 đến nay, bình quân mỗi năm lao động đi làm việc nước ngoài đạt hơn 102.000 người/năm, chiếm 7% số người được giải quyết việc làm mới của cả nước, có xu hướng tăng rõ rệt. Cũng theo kết quả giám sát, nhìn chung, giai đoạn 2010 - 2017, lao động ra nước ngoài làm việc thường có thu nhập cao và ổn định hơn so với làm việc trong nước cùng ngành nghề, trình độ. Bình quân thu nhập (kể cả làm thêm) của người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 400 - 600 USD/tháng ở thị trường Trung Đông, 700 - 800 USD/tháng ở thị trường Đài Loan (Trung Quốc), 1000 - 1.200 USD/ tháng ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. “Sự gia tăng số lượng lao động làm việc ở các thị trường có thu nhập cao đưa Việt Nam trở thành một trong số những nước có lượng kiều hối lớn”, cơ quan giám sát nhận định.

Cụ thể, hằng năm, lượng tiền người lao động gửi về nước khoảng 2 - 2,5 tỷ USD, với mức tăng trung bình trong giai đoạn từ 2010-2017 là 6-7%/năm.

Hiện nay ngoài các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thì chính sách cho vay ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được đánh giá là đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Thống kê cho thấy, người lao động là đối tượng thuộc các chính sách hỗ trợ để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hiện chiếm khoảng 10%. Thông qua những chương trình cho vay vốn để đi xuất khẩu lao động tại Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã tạo việc làm cho khoảng 115.000 lao động. Mặc dù vậy, các thị trường có thu nhập trung bình như Malaysia, một số nước Trung Đông, Bắc Phi không còn thu hút lao động, thay vào đó lao động Việt Nam hiện chủ yếu làm việc ở các thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, châu Âu.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, nguồn thu nhập từ hoạt động XKLĐ của người lao động đã góp phần cải thiện đời sống gia đình và thân nhân họ, giúp nhiều gia đình trở nên khá giả, nhiều lao động sau khi về nước đã trở thành các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho một bộ phận lao động khác, đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế - xã hội.

Năm 2019, XKLĐ tiếp tục được xác định là kênh giải quyết việc làm hiệu quả, không chỉ mang lại lợi ích to lớn về kinh tế, mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững. Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ LĐ-TB và XH sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, hoàn thiện hồ sơ xây dựng và chuẩn bị trình nội dung về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Cùng với việc ổn định và mở thêm những thị trường mới, cần tiếp tục quan tâm mở rộng những ngành nghề mới, đặc biệt là những ngành nghề có nhu cầu lao động chuyên môn kỹ thuật. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thường xuyên cập nhật thông tin về các chính sách, quy định mới của Việt Nam cũng như các nước tiếp nhận, các thông tin giới thiệu về các chương trình tuyển dụng mới và nhu cầu của các thị trường.

Ban biên tập (tổng hợp)