Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững

30/08/2024 08:24:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Công tác đưa người lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Các cấp, ngành, địa phương đã vào cuộc và phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện công tác xuất khẩu lao động.

Giai đoạn 2019 - 2023, tỉnh Yên Bái đã đưa 2.212 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Hiện nay, tỉnh Yên Bái đang thực hiện các chính sách hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài do trung ương ban hành đối với các nhóm đối tượng. Người lao động cư trú trên địa bàn các huyện nghèo, gồm: lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (thực hiện theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025).

Người lao động là người dân tộc thiểu số (thực hiện theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025).

Thân nhân người có công với cách mạng (thực hiện theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP.

Lao động bị thu hồi đất (thực hiện theo Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất).

Chính sách hỗ trợ cho vay vốn đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài: thực hiện theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP; Quyết định số 16/2023/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện hỗ trợ cho vay để ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc.

Các chính sách hỗ trợ của nhà nước đã hỗ trợ cho người lao động gồm: Hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề; hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ; hỗ trợ tiền ăn, ở, sinh hoạt phí, đi lại trong thời gian đào tạo; hỗ trợ chi phí làm các thủ tục đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, người lao động còn được vay vốn khi đi làm việc ở nước ngoài từ Quỹ Quốc gia về việc làm hoặc nguồn vốn vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác xuất khẩu lao động được đẩy mạnh, triển khai tuyên truyền kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng các thông tin, gồm: Nhu cầu thị trường lao động ngoài nước; danh sách, địa chỉ các doanh nghiệp đang tuyển chọn lao động xuất khẩu tại các địa phương, số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn; điều kiện lao động; các khoản phí phải nộp, thu nhập, quyền lợi và trách nhiệm của người lao động khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài để các cấp, ngành, địa phương và nhân dân biết và triển khai thực hiện.

Các ngành, địa phương đã giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có uy tín, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép đến tư vấn, tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh đi xuất khẩu lao động. Các doanh ngiệp xuất khẩu lao động đã tích cực kết nối với các địa phương để tuyển dụng, tư vấn cho người lao động tham gia xuất khẩu.

Công tác tư vấn, giới thiệu xuất khẩu lao động được chú trọng thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú (như: Tổ chức các Ngày hội việc làm, các phiên giao dịch việc làm có sự tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, in ấn tờ rơi, tờ gấp, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở…) qua đó giúp nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, giúp người lao động tiếp cận kịp thời những thông tin tuyển dụng mới nhất của các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Công tác cho vay vốn xuất khẩu lao động được các Ngân hàng quan tâm triển khai thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho người lao động có nhu cầu vay vốn tiếp cận nguồn vốn tham gia xuất khẩu lao động.

Giai đoạn 2019 - 2023, tỉnh Yên Bái đã đưa 2.212 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (bình quân 440 người/năm) tại các thị trường, trong đó: Nhật Bản 617 lao động; Hàn Quốc 159 lao động; Đài Loan 534 lao động; Nga, Đức, Trung Đông 272 lao động; Lào, Thái Lan, Malaysia 177 lao động; thị trường khác 453 lao động. Ngành nghề làm việc của lao động tập trung chủ yếu như: Sản xuất chế tạo, may mặc, điện tử, giúp việc gia đình, hộ lý, xây dựng…

Thu nhập của lao động đi làm việc ở nước ngoài cao hơn từ 2 đến 3 lần thu nhập trong nước cùng ngành nghề, trình độ. Sau khi trừ chi phí sinh hoạt, thu nhập tiết kiệm của lao động từ 35-50 triệu đồng/tháng (đối với thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc và Nhật Bản); từ 13-15 triệu đồng/tháng (đối với thị trường có thu nhập trung bình như UAE, Đài Loan); từ 8-10 triệu đồng/tháng (đối với thị trường lao động giản đơn như Malaysia, Lybia). Xem xét theo 4 thị trường có lao động của tỉnh Yên Bái tham gia xuất khẩu lao động về mức tiền tiết kiệm từ cao đến thấp, thì nhóm lao động trở về từ: Hàn Quốc có mức tiết kiệm bình quân đầu người cao nhất là 670 triệu đồng/người; Nhật Bản là 520 triệu đồng/người; Đài Loan là 350 triệu đồng/người; Malaysia với 120 triệu đồng/người là thấp nhất.

Kết quả công tác xuất khẩu lao động đã đóng góp quan trọng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần giảm nghèo bền vững tại các địa phương.

Nguyễn Hiên