Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tháng 7 - Tri ân những liệt sỹ Vị Xuyên

31/07/2017 14:58:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT – Một ngày nắng tháng 7, tôi cùng Đoàn đại biểu của tỉnh Yên Bái đến Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang để thắp nén nhang thơm bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc đến các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ biên giới của Tổ quốc nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sỹ.

Những ngày này, từ các vùng miền của đất nước đã có rất đông cựu chiến binh đến với Vị Xuyên - nơi máu xương của các anh hùng liệt sỹ đã hòa với đất đá, bom mìn suốt 30 năm qua. Họ là những liệt sỹ đã hy sinh trong trận đánh chống quân Trung Quốc xâm lược ngày 12/7/1984.

Trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược tại biên giới phía Bắc 17/2/1979, với sức mạnh đoàn kết dân tộc, tinh thần chiến đấu quả cảm và anh dũng của quân và dân ta, quân xâm lược đã tổn thất nặng nề và rút chạy về bên kia biên giới. Tuy nhiên kẻ thù thâm độc và xảo quyệt đã chọn Hà Giang làm nơi đọ đầu lịch sử bởi núi đá cao, vách đứng, địa hình chia cắt và con đường chi viện độc đạo nhỏ bé dọc sông Lô về Hà Nội. Trong một thời gian ngắn, chúng đã đánh chiếm các cao điểm 1509, 1030, 772, 685, binh độ 300 – 400, 226, 223 của huyện Vị Xuyên và điểm cao 1250 Núi Bạc, huyện Yên Minh, kiểm soát và khống chế toàn thị xã, các hoạt động lưu thông, các mục tiêu quốc phòng quan trọng.

Với tinh thần cả nước vì Hà Tuyên, Hà Tuyên vì cả nước, chiến dịch MB84 và Bộ Tư lệnh mặt trận được thành lập, hàng chục sư đoàn và đơn vị độc lập được điều động tham gia chiến đấu. Rạng sáng ngày 12/7/2984, Sư đoàn 356 được lệnh tấn công tổng lực để giành lấy các cao điểm 685, 772, 1030, 1509. Trong thế trận địch đóng ở trên núi, ta ở dưới các chân núi, trận chiến đã diễn ra rất khốc liệt. Trong trận đánh kinh hoàng ấy, Sư đoàn chủ lực 356 gần như bị xóa sổ. Mặc dù ra đã giành lại được các điểm cao 685 và 773 nhưng đã hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại mảnh đất này.

Hơn 30 năm đã qua đi nhưng những người cựu chiến binh vẫn không thể nào quên các địa danh ác liệt ở mặt trận Vị Xuyên như "ngã ba cửa tử", "thung lũng gọi hồn", "cối xay thịt"…Nhiều người lính còn rất trẻ. Họ đã ngã xuống, tuổi xanh gửi lại Vị Xuyên. Đến nay vẫn còn rất nhiều liệt sỹ nằm lại ở các cao điểm. Vì vậy, mỗi lần đến đây thắp nhang cho đồng đội, những người cựu chiến binh lại mang trong lòng những nỗi niềm riêng. Kính cẩn thắp nhang lên phần mộ các liệt sỹ, nhiều cựu chiến binh không kìm được xúc động. Có người còn dang rộng vòng tay ôm lấy phần mộ đồng đội mình trong sự nghẹn ngào, tiếc thương, dẫu cho ngôi mộ đó còn chưa được gắn tên liệt sĩ. Chứng kiến những hình ảnh đầy cảm động đó, không ai có thể cầm được nước mắt.

Để tưởng nhớ, tri ân những người có công với đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách ưu đãi về cả vật chất lẫn tinh thần đối với người có công cũng như gia đình và con em của họ. Nhưng tưởng nhớ, tri ân với người có công với nước không chỉ một ngày, một đợt, một lễ kỷ niệm mà cần hơn là những việc làm thiết thực, thường xuyên để giúp gia đình con em những người đã hi sinh, mang thương tật vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.

Rời Nghĩa trang Vị Xuyên nhưng trong lòng tôi không khỏi xúc động, bồi hồi trước sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ để bảo vệ chủ quyền của đất nước. Thế hệ trẻ chúng tôi sẽ mãi nhớ ơn công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, những người có công với cách mạng. Đồng thời nguyện ra sức học tập, rèn luyện góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong thời đại mới.

Thu Nga