Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Điều tra thực tế việc hỗ trợ các hộ nghèo tại Mù Cang Chải

07/10/2016 09:27:00 Xem cỡ chữ

CTTĐT - Chúng tôi theo chân Đoàn kiểm toán thuộc Kiểm toán nhà nước Khu vực VII tới bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải trong cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông miền núi để điều tra thực tế về các khoản hỗ trợ từ Chương trình 30a, Chính sách 167 của Chính phủ dành cho người nghèo.

Hỗ trợ gạo cho đồng bào vùng cao

Tiếp Đoàn cán bộ Kiểm toán Nhà nước trong căn nhà nhỏ 3 gian tuyềnh toàng, anh Thào A Khua, dân tộc Mông thuộc bản Hua Khắt cho biết, năm nay nhà anh đã được nhà nước phát miễn phí giống ngô năng suất cao, được giao chăm sóc rừng để thêm thu nhập, nhận tiền điện hỗ trợ. Nhờ những khoản tiền này, gia đình anh không còn cảnh đói ăn như trước. Tết này nhà anh đã có đủ gạo, đủ ngô để ăn, không đói ăn như năm ngoái nữa. Nhưng khi hỏi về chính sách đào tạo nghề và đưa lao động ở huyện nghèo đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, anh Khua cười hiền: "Cán bộ đã giới thiệu nhưng mình chẳng quan tâm, bản mình chẳng có ai thích đi. Mình cũng không muốn đi vì chẳng có ai trông bố mẹ già và chăm sóc con nhỏ." 

Đoàn chúng tôi tới nhà chị Thào Súa Phổng, dân tộc Mông cũng nằm trong bản Hua Khắt. Tiếp chúng tôi, chị Thào Súa Phổng cho biết: "Từ khi gia đình được cấp giống ngô, tiền hỗ trợ trồng rừng… nhà mình và hầu hết các hộ nghèo trong bản đã vượt qua đói nghèo, con cái được cắp sách tới trường". Điều khác với trước đây, những ngày giáp hạt, các thành viên trong gia đình chị đã có đủ gạo ăn. Chúng tôi đã ghi lại cuộc đối thoại giữa Kiểm toán viên Nhà nước với người dân - đối tượng trực tiếp được thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội tại bản được đánh giá là nghèo nhất, nhì của xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải:

- Bản mình có nhiều nhà được hỗ trợ xóa nhà tạm không?
- Mình không nhớ hết nhưng cũng được hỗ trợ khá nhiều.
- Bản có họp bình xét công khai để bình bầu nhà nào thuộc diện nghèo được hỗ trợ và nhà nào không được hỗ trợ không?

- Có chứ, Trưởng bản mời họp và các nhà trong bản đều đi họp đông đủ, cùng bình bầu hộ nghèo. Nhà nào còn đói, còn nghèo thì được ưu tiên trước.
- Hình thức bình xét ở đây biểu quyết bằng giơ tay hay bỏ phiếu hay bằng hình thức nào khác.

- Giơ tay thôi

- Chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo của bản mình thấy có công bằng không?
- Rất công bằng. Những hộ nghèo trước đây bây giờ cũng đã không bị đói rồi.

Thực tế, thời gian qua, hàng loạt các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ ở tất cả các địa phương, vùng miền trong cả nước, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi cao, hải đảo và những khu vực tập trung đông người nghèo. Đặc biệt, các Chương trình 30a, Chính sách 167… đã tập trung đầu tư vào khu vực “lõi nghèo” của cả nước. Những nỗ lực này đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ nghèo đói của cả nước từ trên 20% (năm 2005) xuống còn 10% năm 2012 theo chuẩn mới và đến nay ngày càng giảm. Bộ mặt các xã nghèo đã có sự thay đổi đáng kể: hệ thống hạ tầng cơ sở đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao lưu của nhân dân; hệ thống trường học, trạm y tế xã được xây dựng khang trang góp phần đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; cơ bản xóa được tình trạng nhà ở tạm bợ, dột nát; chất lượng cuộc sống của người dân ở các xã nghèo từng bước được nâng cao một cách thiết thực.

Ông Giàng A Tông bí thư huyện ủy Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái nêu thực tế từ địa phương: "Việc Xóa đói giảm nghèo đối với Mù Cang Chải được Đảng Nhà nước và tỉnh rất quan tâm. Quan điểm của Lãnh đạo huyện là quyết tâm thực hiện xóa đói, giảm nghèo ở Mù Cang Chải trên cơ sở phát huy nội lực, tận dụng những nguồn lực từ bên ngoài. Được Chương trình 30a của Đảng, Nhà nước hỗ trợ, chúng tôi cũng có chương trình, kế hoạch của từng nhiệm kỳ, trên cơ sở đó cũng giao cho các ban ngành chức năng có kế hoạch chi tiết. Ví dụ trong 1 năm là phải giảm nghèo bao nhiêu phần trăm và giao cho mỗi xã là phải thoát nghèo bao nhiêu hộ. Gắn với đó là tăng vụ, thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đào tạo nghề, dạy nghề và bồi dưỡng cán bộ, để làm sao tạo thành thể thống nhất giữa người dân với cán bộ trong thực hiện Chương trình này."
 
Theo ông Hoàng Quang Hàm - Kiểm toán KTNN Khu vực VII, muốn chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững đạt kết quả như mong đợi, đòi hỏi phải có sự cố gắng lớn từ địa phương, cụ thể là cấp huyện, cấp xã. "Cán bộ huyện, xã phải thực sự gần dân, tăng cường năng lực cho người dân và cộng đồng để cùng giám sát, phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, từng bước phát huy lợi thế về địa lý, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bước đầu phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô nhỏ và vừa, người dân tiếp cận được các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm một cách thuận lợi." - ông Hàm nhấn mạnh.

Một mục tiêu lớn hơn trong tương lai gần của "công cuộc" xóa đói giảm nghèo đối với 62 huyện nghèo trên cả nước là phải giải quyết cơ bản vấn đề sản xuất, việc làm, thu nhập để nâng cao đời sống của dân cư ở các huyện nghèo gấp 5 – 6 lần so với hiện nay; số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; bảo đảm giao thông thông suốt 4 mùa tới hầu hết các xã và cơ bản có đường ô tô tới các thôn, bản đã được quy hoạch; cung cấp điện sinh hoạt cho hầu hết dân cư; bảo đảm cơ bản điều kiện học tập; chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

 

 

Thu Hương