Là xã vùng cao của huyện Lục Yên, dân tộc Dao đỏ chiếm trên 90%, trình độ dân trí hạn chế, cơ sở hạ tầng yếu kém nên đời sống kinh tế của người dân Tân Phượng còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Năm 2013, Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo giai đoạn II huyện Lục Yên đã nghiên cứu và hỗ trợ cho xã trồng trên 19ha cây dong riềng với 207 hộ tham gia. Cán bộ Ban Quản lý Dự án phối hợp với xã tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích và ý nghĩa của Dự án; thông qua các buổi họp thôn, sinh hoạt đoàn thể, cử cán bộ kỹ thuật tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ tham gia. Ban cũng đã nhanh chóng cấp gần 79 tấn giống cho nhân dân. Ngay sau khi được tập huấn kỹ thuật và nhận giống, phân bón, các hộ đã khẩn trương làm đất, trồng đạt 100% diện tích.
Để cây dong riềng sinh trưởng và phát triển tốt, xã tăng cường vận động nhân dân thường xuyên thăm và kiểm tra quá trình phát triển; thực hiện rào xung quanh diện tích trồng tránh trâu, bò phá hại; những ngày nắng nóng chú trọng tưới nước kết hợp làm sạch cỏ và kiểm tra, phát hiện, diệt trừ kịp thời các loại sâu bệnh phát sinh gây hại.
Ông Triệu Tiến Tiên - Chủ tịch UBND xã Tân Phượng cho biết: "Tuy chưa đánh giá được chính xác năng suất và giá trị từ cây dong riềng nhưng qua kiểm tra, cây dong riềng sinh trưởng và phát triển rất tốt, hứa hẹn sẽ cho thu hoạch. Đưa cây dong riềng vào trồng sẽ góp phần xóa bỏ tập tục canh tác cũ, người dân sẽ được tiếp cận phương pháp canh tác sản xuất mới hiệu quả hơn".
Mường Lai cũng là xã nằm trong vùng thực hiện Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2. Đưa cây dong riềng cũng như các nhóm cây trồng, vật nuôi khác cho người dân phát triển sản xuất là hết sức cần thiết, đến nay, có trên 435 hộ dân triển khai trồng với diện tích gần 30ha. Ngoài ra, nhân dân còn chuyển đổi diện tích trồng thêm hàng chục héc ta tự phát. Mường Lai đã cử thêm cán bộ nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Dự án huyện triển khai từng bước như lập phương án đề xuất, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá tiến độ Dự án để điều chỉnh cho phù hợp.
Ông Lý Trung Nam - Phó ban Phát triển xã Mường Lai cho biết: "Trước đây, bà con trong xã cũng trồng dong riềng nhưng là giống bản địa, tập quán canh tác lạc hậu nên năng suất thấp. Đến nay, Dự án giảm nghèo giai đoạn 2 đầu tư cây giống, tập huấn kỹ thuật nên nhân dân đồng tình hưởng ứng, cây dong riềng hiện phát triển tốt. Một số bà con chưa đăng ký trồng nay cũng đã có mong muốn được trồng cây này trong thời gian tới".
Điển hình như gia đình ông Triệu Quốc Trị ở thôn 5, Nà Quành trước đây chỉ quen trồng cây đao riềng giống địa phương. Khi thu hoạch sản phẩm, gia đình ông chế biến thành miến sợi, sau hạch toán, trừ hết chi phí, ông thu về chẳng đáng là bao bởi giống cây năng suất thấp, hàm lượng tinh bột không cao.
Nắm bắt nhu cầu việc làm và đề xuất từ phía người dân, Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện đã giúp gia đình ông Triệu Quốc Trị đưa giống dong riềng đỏ cao sản vào gieo trồng; hướng dẫn kỹ thuật cải tạo vườn tạp, trồng cây tập trung, đầu tư phân bón, chăm sóc đúng quy trình. Chỉ sau một tháng, cây dong riềng của gia đình đã phát triển cao trên 2 mét, đẻ nhánh rất nhanh, trong khóm gốc đã hình thành và phát triển nhiều nhánh củ khá lớn.
Ông Triệu Quốc Trị phấn khởi: "Tôi thấy trồng cây dong riềng rất đơn giản, không mất nhiều công chăm bón, không tốn thuốc bảo vệ thực vật, có thể tận dụng được đất vườn tạp để trồng, tận dụng tối đa diện tích đất của gia đình. Tin rằng, cây dong riềng sẽ cho thu nhập cao, mở hướng thoát nghèo cho người dân nông thôn".
Theo dự tính của Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện Lục Yên, nếu thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, cây sinh trưởng và phát triển tốt, sau 11 tháng thu hoạch năng suất ước đạt trên 60 tấn/ha, sản lượng dự kiến đạt trên 1.780 tấn, giá trị tương đương trên 2 tỷ đồng.
Cùng với việc đưa các cây, con giống cho người dân trong vùng Dự án phát triển vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa, Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện ký kết hợp đồng với các đơn vị liên doanh, liên kết chế biến nguyên liệu, bao tiêu toàn bộ sản phẩm lâu dài cho nông dân theo giá cả thỏa thuận. Nếu sản phẩm bột đao và miến đao khi nông dân làm ra giá thị trường xuống thấp các đơn vị liên doanh vẫn phải mua theo mức giá quy định, giúp cho các hộ dân yên tâm, gắn bó với cây dong riềng, chế biến tinh bột và phát triển nghề làm miến sợi.
Bà Hoàng Thị Ảnh - Phó trưởng Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện Lục Yên cho biết: "Căn cứ vào nguyện vọng của người dân đồng thời nhận định địa phương có những điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với cây dong riềng, Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 huyện đã gửi đề xuất về CPO, Ngân hàng Thế giới và được chấp thuận. Ban đã tiến hành tập huấn kỹ thuật, giao giống và đôn đốc nhân dân khẩn trương gieo trồng đúng khung thời vụ. Đến nay, cây sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn mở ra hướng thoát nghèo".