Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

An Lạc trăn trở thoát nghèo

26/08/2013 16:18:54 Xem cỡ chữ

Xã An Lạc, huyện Lục Yên (Yên Bái) dân không đông: trên 600 hộ, 2.500 nhân khẩu. Ruộng cấy lúa trên 70ha. Rừng khoanh nuôi bảo vệ 30ha (đã giao), rừng trồng hiện có trên 120ha, manh mún, khối lượng sản phẩm nhỏ, giá trị thấp. Lao động trong độ tuổi khoảng 1.500 người, trong đó 700 người lao động thực tế nhưng thường xuyên thiếu việc làm.

Trồng rừng là hướng phát triển kinh tế chủ lực ở An Lạc.

Kể ra để thấy những điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động nông thôn ở đây khá khó khăn và An Lạc vẫn là một trong những xã nghèo của Lục Yên.

Điều kiện như vậy nhưng những năm qua, nhất là trong nửa nhiệm kỳ 2010 - 2015, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, An Lạc đã có những chuyển biến khá. Trong phát triển kinh tế, ruộng cấy lúa hai vụ năng suất đã đạt 52,6 tạ/ha/vụ, sản lượng 647 tấn; diện tích ngô 135,5ha, sản lượng 474 tấn; đàn trâu, bò trên 600 con, dê trên 260 con, lợn trên 2.360 con, gia cầm, thủy cầm trên 16.160 con; 30ha rừng khoanh nuôi bảo vệ ổn định, trồng mới 120ha rừng (6 tháng đầu năm nay trồng mới gần 70ha).

Đáng phấn khởi là nhiều chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã vượt tiến độ hàng năm và đạt kế hoạch 5 năm như: diện tích, năng suất lúa, sản lượng lương thực; thu nhập bình quân đầu người; điện nông thôn... An Lạc cũng đã đạt 5/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Theo Bí thư Đảng ủy Lương Đức Cảnh, đó là những nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc. Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân dù khó khăn nhưng vẫn tích cực đóng góp, tham gia bê tông hóa 2,7/11km đường liên thôn; tự sửa chữa các tuyến đường, đoạn đường hư hỏng. Trong 6 tháng đầu năm nay, bà con tham gia, đóng góp làm đường giao thông thôn 1 và thôn 2, tuyến đường đã khởi công và đang trong giai đoạn hoàn thành...

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, nổi bật là sự nghiệp giáo dục đã có nhiều kết quả tốt. 100% trẻ 5 tuổi được ra lớp mẫu giáo và học 2 buổi/ngày; tỷ lệ huy động đến lớp bậc tiểu học đạt 100%, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi tăng 1,2% so với năm học trước; bậc trung học cơ sở, tỷ lệ lên lớp đạt 97,8%. Các lĩnh vực y tế, xã hội, lao động việc làm... đều có bước phát triển khá; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội không có vấn đề nổi cộm.

Mừng là so với chính mình nhưng để thoát nghèo bền vững vẫn là trăn trở lớn của lãnh đạo và nhân dân trong xã. Phân tích, có thể thấy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu nội ngành sản xuất của xã còn chậm và thiếu bền vững. Diện tích ruộng cấy rất ít, giả sử 100% đất sản xuất nông nghiệp nếu có quay vòng đến 3 lần/năm nhưng chỉ trồng mấy chục héc-ta lúa, ngô như hiện nay rất khó để có đột phá về giá trị kinh tế.

Chăn nuôi là thế mạnh nhưng chưa được đầu tư, phát huy, An Lạc chưa có mô hình hộ chăn nuôi quy mô. Hộ nuôi lợn nhiều cũng chỉ trên dưới mươi con, trâu chỉ 1 - 2 con/hộ mà cũng đếm trên lòng bàn tay. Khoảng trên 5 tỷ đồng vốn tín dụng các loại đã rót về An Lạc nhưng xem ra mới chỉ giúp nông dân bớt khó khăn, ổn định cuộc sống chứ chưa hình thành được những mô hình kinh tế nông - lâm tổng hợp hoặc chuyên canh hiệu quả có tác dụng thúc đẩy cho dù xã có quốc lộ 70 đi qua, gần thị trường Lào Cai hơn.

Đất rừng không nhiều nhưng nếu biết khai thác, sử dụng thì đây sẽ là con đường giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên khấm khá nhưng tiềm năng này chưa được khai thác hiệu quả. Ngoài 30ha rừng tự nhiên bảo vệ đã giao, bình quân mỗi hộ dân ở xã có khoảng 1,5 - 2ha rừng trồng, gỗ khai thác chỉ trên 1.300m3/năm, trong đó trên 300m3 là xoan và gỗ tạp. Đất trồng rừng có hạn, có chuyện thiếu vốn nhưng vấn đề chính là cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống chuyển dịch chậm. Việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, cơ cấu lao động nông nghiệp vì thế cũng khó khăn.

Không quá ngạc nhiên khi cả xã có 1.500 lao động trong độ tuổi nhưng hầu hết thiếu việc làm, phải đi làm thuê tại địa phương (tỷ lệ lao động làm việc ngoại tỉnh chỉ có 67 người; 4 người đi xuất khẩu lao động). Hàng năm, An Lạc vẫn nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước: năm 2012 nhận 2.450kg gạo hỗ trợ tết và giáp hạt cho 225 khẩu; chi trả tiền cho 250 hộ nghèo với 1.007 khẩu.

Để vươn lên thoát nghèo bền vững, cùng với ý chí tự thân, tự lực, lãnh đạo xã đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư cho giáo dục - đào tạo, cụ thể là đầu tư cơ sở vật chất để con em đồng bào có điều kiện học tốt hơn, học lên cao hơn. Trăn trở hiện nay là các phòng học kiên cố rất ít, trang thiết bị dạy và học thiếu; điểm trường mầm non Km64 (quốc lộ 70) mới thành lập còn quá sơ sài; nông dân thiếu việc làm cũng do thiếu tay nghề, ít được đào tạo, bồi dưỡng.

Xã cũng đề nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ, kích cầu để cải thiện, nâng cấp mạng lưới giao thông; đẩy nhanh tiến độ khảo sát, triển khai thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2012 - 2015, trong đó ưu tiên cho nông dân để người dân có điều kiện phát triển kinh tế từ đất rừng. An Lạc giáp ranh huyện Bảo Yên (Lào Cai), so với xã kề bên của tỉnh bạn, An Lạc còn thua kém rất nhiều. Tự thân vươn lên nhưng An Lạc cũng cần có sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, tỉnh, huyện.

(Theo Báo Yên Bái)