Đưa chúng tôi đi thăm một số hộ đồng bào Mông nghèo ở thôn Tà Xùa, xã Bản Công được tham gia TDA từ năm 2011, chị Hảng Thị Dông - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Công, phụ trách mảng sinh kế - Ban phát triển xã Bản Công phấn khởi nói: “Trước đây trong xã rất ít hộ nuôi lợn nái, có một vài hộ nuôi cũng chủ yếu để lại lợn con giống nuôi lợn thịt, khi nào có việc gì thì mổ, ít khi bán ra thị trường. Lợn nuôi chủ yếu thả rông, không chăm sóc, không phòng bệnh cho lợn mẹ và lợn con, vì thế, có hộ lợn đẻ được từ 7 đến 9 con/lứa nhưng lại chết mất một nửa, cũng tiếc nhưng không biết làm thế nào”.
Từ năm 2011 đến nay, nhiều hộ người Mông nghèo trong xã được TDA nuôi lợn nái sinh sản, mỗi hộ được hỗ trợ tiền mua con giống, tấm lợp phibrô ximăng, thuốc phòng bệnh, được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi lợn nái sinh sản…, lợn đẻ ra không bị chết nhiều như trước. Ghé vào thăm hộ gia đình chị Giàng Thị Tồng ở thôn Tà Xùa - một hộ đồng bào Mông nghèo của xã được TDA hỗ trợ nuôi lợn nái sinh sản. Tháng 7/2012, khi nhận con lợn nái về, gia đình chị Tồng đã dành khu đất đồi rộng khoảng 70m2 rào vào và làm chuồng nuôi.
- Lợn nái của gia đình chị đẻ mấy lứa rồi, được nhiều lợn con không? Tôi hỏi.
- Nó đẻ được 2 lứa rồi. Lứa đầu được 5 con, lứa thứ hai được 8 con, bị chết 2, còn 6 con. Chị Tồng trả lời.
- Thế chị để nuôi lợn thịt hay bán giống?
- Lứa thứ hai mình bán đi 5 con, mua thêm 1 lợn nái nữa về nuôi, nó cũng đẻ được một lứa được 9 con, chết 1 còn 8.
- Chị dự định sẽ mua thêm lợn nái nữa về nuôi không?
- Mình nuôi 2 con thôi để còn chăm sóc nó, nuôi nhiều không chăm sóc được, lợn con nó chết thì tiếc lắm!
Năm 2011, xã Bản Công được thực hiện một TDA sinh kế nuôi lợn nái sinh sản hỗ trợ 10 con giống cho 10 hộ hưởng lợi. Tổng số vốn đầu tư 75.638.240 đồng, trong đó, vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) 38.720.000 đồng, vốn đối ứng 218.240 đồng, dân đóng góp 36.700.000 đồng. Đến nay, cả 10 con lợn nái giống của 10 hộ đã sinh sản lứa thứ 3 và có một số con sinh sản lứa thứ 4, với tổng số gần 200 con lợn con. Số lợn con sinh ra đa số được các hộ trong nhóm đem bán lấy tiền trang trải cuộc sống gia đình, số còn lại các hộ nuôi để tăng đàn hoặc cho anh em họ hàng.
Từ những kết quả đạt được trong thực hiện TDA nuôi lợn nái sinh sản ở xã Bản Công; năm 2012, huyện Trạm Tấu tiếp tục triển khai 16 TDA sinh kế nuôi lợn nái sinh sản ở 9 xã: Xà Hồ, Pá Lau, Bản Công Túc Đán, Tà Xi Láng Làng Nhì… với 173 con giống cho 173 hộ hưởng lợi. Lợn giống được mua tại địa phương nên sinh trưởng và phát triển tốt. Đến tháng 4/2013, số lợn nái đã sinh sản lứa đầu tiên được 786 lợn con và đến nay, đa số lợn nái giống đã sinh sản lứa thứ 2.
Chị Thào Thị Mỷ, ở thôn Đầu Cầu, xã Xà Hồ chia sẻ niềm vui khi được TDA hỗ trợ nuôi lợn nái sinh sản: “Nhà mình nghèo lắm, ruộng chỉ có 5 sào, làm 2 vụ lúa không đủ cho 7 người ăn, năm nào cũng thiếu gạo mấy tháng. Tháng 8/2012, gia đình được Ban phát triển xã mua cho 1 con lợn nái, cho thuốc tiêm phòng và cho 10 tấm phibrô ximăng về làm chuồng nuôi. Lợn đẻ lứa đầu được 7 con, mình bán đi 5 con để mua gạo, còn 2 con để nuôi. Lứa thứ 2 mình sẽ để lại nuôi lợn thịt, bán được nhiều tiền hơn để dành tiền cuối năm nay sửa cái nhà ở cho đỡ khổ”.
Năm 2013, huyện Trạm Tấu tiếp tục triển khai 29 TDA sinh kế nuôi lợn nái sinh sản tại 9 xã. Đến trung tuần tháng 8, Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện đã chỉ đạo Ban phát triển 7 xã cấp tấm lợp và triển khai mua lợn giống hoàn thành 24 TDA cấp cho các hộ dân chăm sóc, chăn nuôi. Đồng thời triển khai 4 TDA theo kế hoạch tại hai xã Bản Công và Pá Lau trong tháng 8 để các hộ nhận lợn về nuôi.
Qua gần 3 năm thực hiện TDA sinh kế nuôi lợn nái sinh sản ở 9 xã, nhiều hộ nghèo ở huyện vùng cao Trạm Tấu đã và đang có cơ hội xóa đói giảm nghèo bằng chính giống lợn địa phương. Nhiều hộ được hưởng lợi từ TDA tích cực chăm sóc, chăn nuôi đã xóa được cái đói và từng bước xóa nghèo.
Song vẫn còn một số hộ chăm sóc chưa tốt để lợn nái giống, lợn con đẻ ra chết. Để các chu kỳ tiếp theo của các TDA hiệu quả hơn, Ban phát triển các xã cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ được hỗ trợ nuôi lợn nái vệ sinh, che chắn chuồng trại chăn nuôi, chăm sóc, tiêm phòng bệnh tốt cho lợn nái và lợn con… Như vậy, các TDA nuôi lợn nái sinh sản ở Trạm Tấu mới trở thành chiếc “cần câu” cho các hộ nghèo trong huyện xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững.