Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm chủ trì Họp đề xuất hướng sửa đổi cơ chế, chính sách giảm nghèo

06/05/2014 08:22:41 Xem cỡ chữ

Thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững, ngày 20/03/2014, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TBXH) đã tổ chức lấy ý kiến, đề xuất hướng sửa đổi cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững thời gian tới. Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Trọng Đàm chủ trì buổi họp cùng với các đại diện các Bộ, ngành hữu quan.

Theo thống kê, hiện nay có khoảng trên 70 văn bản chính sách trực tiếp trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo. Hầu hết, các chuyên gia đều cho rằng, hệ thống văn bản như vậy là tương đối đầy đủ nhưng quá nhiều. Mặc dù, xét ở mức độ tổng thể, nhiều chính sách khi triển khai sâu rộng đã mang lại hiệu quả, tác động tích cực đến các đối tượng thụ hưởng, nhất là nhóm chính sách về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng...

Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên họp, liên quan đến các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, đa số các đại biểu đều thống nhất, cần đề xuất sửa đổi Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách, theo đó đưa tất cả các đối tượng được ưu đãi vào Nghị định này, bao gồm cả đối tượng cận nghèo và thoát nghèo; tích hợp các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo; gom gọn các đối tượng, nội dung hỗ trợ; xây dựng hạn mức lãi suất chung cho vay đối với hộ gia đình, quy định mục đích và nội dung vay vốn để hộ gia đình lựa chọn các nhu cầu ưu tiên để vay vốn phù hợp. 

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, các chính sách giảm nghèo hiện nay chủ yếu mang tính ngắn hạn, giải quyết tình thế. Do vậy, việc giao chủ trì, soạn thảo văn bản chính sách cũng cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành sao cho hợp lý, phù hợp với đối tượng quản lý. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất tích hợp các chính sách giảm nghèo hiện hành thành văn bản chính sách mang tính hệ thống, dựa trên nhu cầu tối thiểu thiết yếu mà đối tượng người nghèo cần phải có để tiếp cận được dịch vụ giáo dục – đào tạo, trước mắt, đề nghị tích hợp các văn bản chính sách hỗ trợ đối với học sinh dân tộc thiểu số học bán trú.

Về chính sách hỗ trợ sản xuất, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bổ sung thêm đối tượng người nghèo nằm ngoài Nghị quyết 30A hưởng chính sách ưu đãi đối với các hộ nghèo.....

Đối với các chính sách còn lại như đào tạo, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ chuyển giao khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ đất cho hộ nghèo dân tộc thiểu số vv.vv.., đa số các đại biểu đều thống nhất  nên sửa đổi cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp các nhóm chính sách tương đồng vào cùng một văn bản quy phạm.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đề nghị các Bộ, ngành là thành viên Ban chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ được giao đề xuất hướng sửa đổi cơ chế, chính sách giảm nghèo gửi về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp, tiếp tục bổ sung để hoàn thiện báo cáo chính thức trình Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững trước ngày 25/03/2014.

Theo Bộ LĐTB&XH