Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 -2012

06/05/2014 08:28:09 Xem cỡ chữ

Sáng ngày 25/03/2014, Đoàn giám sát của Ủy Ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp thứ ba để nghe Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo lần thứ hai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đọan 2005 - 2012. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chỉ đạo phiên họp. Cùng dự có các đồng chí trong Đoàn giám sát: Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Trương Thị Mai; Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng cùng đại diện một số Lãnh đạo Bộ, ngành hữu quan.

Báo cáo mở đầu phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TBXH) Phạm Thị Hải Chuyền thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình, làm rõ hơn về những nguyên nhân, yếu tố tồn tại cản trở hiệu quả thực hiện các chính sách và mục tiêu giảm nghèo như: Sự chồng chéo, dàn trải..của chính sách; Việc nâng chuẩn nghèo ở địa phương còn tồn tại một số bất cập như chưa quy định cụ thể khi nâng chuẩn, vẫn quy định theo mặt bằng chính sách chung của cả nước, chưa cân đối với chính sách xã hội khác, chưa huy động được nhiều nguồn lực từ nguồn hỗ trợ cộng đồng; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số và di dân đô thị còn gặp nhiều hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân chủ yếu là  do đặc thù về địa lý, điều kiện kinh tế xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tiếp cận thông tin về các chính sách cũng như công tác quản lý nhà nước về chỉ đạo thực hiện các chính sách, hướng dẫn lập quy hoạch còn hạn chế, ngoài ra, hiện nay, vẫn chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội và nghèo đói, vì vậy tình trạng di cư từ nông thôn ra thành thị trong công tác quản lý chưa làm được. Thêm vào đó, do tác động của một số chương trình, dự án lớn như thủy điện, khai thác khoáng sản..v..v...trong đó, việc quy hoạch các khu tái định cư chưa phù hợp với văn hóa truyền thống và phong tục tập quán, chưa đảm bảo đất đai canh tác, đất sản xuất cho người dân khi triển khai dự án cũng là những bất cập ảnh hưởng đến kết quả giảm nghèo.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Phạm Thị Hải Chuyền báo cáo tại phiên họp

Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đưa ra nhiều hướng giải quyết cụ thể nhằm đảm bảo việc triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo trong thời gian tới đó là nhấn mạnh đến việc định hướng bố trí nguồn lực cho việc thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, điều chỉnh chuẩn nghèo và chính sách giảm nghèo giai đoạn sau năm 2015. Cần đổi mới tổ chức, bộ máy và cơ chế điều hành chính sách giảm nghèo để nâng cao hiệu quả, lồng ghép chính sách theo hướng có bộ máy chuyên trách làm công tác giảm nghèo nhưng không tăng biên chế được giao ở các cấp....

Trong khuôn khổ trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng lần lượt trả lời câu hỏi của các thành viên Đoàn giám sát như Bộ LĐ-TBXH đã tham mưu cho Chính phủ để ban hành các chính sách phù hợp khuyến khích, hỗ trợ cho các hộ đăng ký thoát nghèo, các đối tượng nghèo đô thị, bao gồm người di cư, người lao động trong các khu công nghiệp chế xuất... Ngoài ra, Bộ cũng đã chuẩn bị nội dung quy định về chuẩn nghèo chung cho giai đoạn năm 2015-2020, đồng thời đang triển khai rà soát, đánh giá chuẩn nghèo theo hướng mởi phù hợp với yêu cầu của người nghèo để làm cơ sở hỗ trợ.

Cũng trong nội dung chất vấn của các thành viên Đoàn giám sát, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... đã báo cáo khái quát tình hình thực hiện các chính sách giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, đồng thời lần lượt trả lời các vấn đề của đại diện Đoàn giám sát yêu cầu như vấn đề nhà ở, các phương án giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất; vấn đề đào tạo nghề, đào tạo cử tuyển; tác động của các chương trình, dự án thủy điện..v.v..

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Tòng Thị Phóng, đồng chí Trương Thị Mai đều đánh giá cao tinh thần làm việc chủ động, nghiêm túc, trách nhiệm cao của Lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH, cũng như tinh thần phối hợp của các Bộ, ngành liên quan, đồng thời nhận định chính sách giảm nghèo cho tới nay đã có tác động tích cực đến đời sống của người nghèo, thu hẹp đối tượng người nghèo, phát huy được tinh thần chủ động thoát nghèo của người dân......Theo đó, để công tác xóa đói giảm nghèo đạt hiệu quả hơn nữa, đồng chí Tòng Thị Phóng đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong công tác xóa đói giảm nghèo trong các giai đoạn tiếp theo. Các Bộ, ngành cũng cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách thận trọng các tác động của chính sách đến đời sống, tâm lý xã hội. Ngoài việc quy định chặt chẽ hơn nữa vai trò quản lý của các Bộ, ngành, cần làm rõ trách nhiệm của địa phương trong quá trình triển khai; khích lệ tinh thần xóa đói giảm nghèo của toàn toàn dân cũng như sự tham gia giám sát các tổ chức chính trị trong thực thi chính sách.

Theo Bộ LĐTB&XH