Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Thoát nghèo từ mô hình nuôi thủy sản

02/11/2016 11:12:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Anh Trần Ngọc Phương, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên là một tấm gương điển hình về thoát nghèo từ mô hình nuôi thủy sản. Tuy không sinh ra và lớn lên tại đây, song anh đã lựa chọn xã Vân Hội làm quê hương thứ hai để lập nghiệp.

Dự tính tổng thu nhập từ nuôi thủy sản trong năm 2016 cua anh Phương vào khoảng 800 triệu đồng.

Anh Phương sinh ra, lớn lên ở thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn. Từ khi lập gia đình, vợ chồng anh đều làm nghề tự do, cuộc sống bấp bênh không ổn định. Năm 2009 anh Phương bàn với vợ ra thôn 6 xã Vân Hội mượn đất của người thân để phát triển kinh tế.

Mượn được hơn 2 ha đất ruộng kém hiệu quả, anh Phươngxây dựng một trang trại nuôi thủy sản. Anh  đầu tư xây 5 ao nuôi. Năm đầu tiên, anh Phương thả 3.000 con cá rô phi đơn tính. Đến khi thu hoạch được 3 tấn, với giá 50.000 đồng/kg đã mang về cho gia đình anh 150 triệu đồng. Tuy nhiên, sang năm 2010, anh thả 3 vạn cá các loại thì bị ngập toàn bộ do ảnh hưởng của bão lũ khiến anh mất trắng gần 200 triệu đồng.

Không nản lòng, anh tập trung dọn dẹp, khử trùng ao nuôi và đầu tư xây hàng rào chống lũ bằng 2 lớp lưới để bảo vệ cá. Các ao được xây dựng như những ô bàn cờ có hệ thống đường nước sạch ra vào được lấy từ Ao Xanh. Tất cả các ao được lắp hệ thống máy sục khí, máy cho cá ăn tự động. Cả hệ thống anh đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng. Anh cũng đầu tư xây thêm 4 ao nuôi ba ba và 1 ao nuôi cá nheo hết hơn 100 triệu đồng. Ngay khi xây dựng xong, anh thả 200 con ba ba bố mẹ. Năm 2012, anh thu được 10 tấn cá các loại cho thu nhập 450 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 200 triệu đồng. 2 năm tiếp theo, anh tập trung nuôi cá rô phi đơn tính, mỗi năm cho thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng. Hiện nay, hầu hết số cá được đầu tư nuôi từ cuối năm 2015 đang chuẩn bị cho thu hoạch. Dự tính tổng thu nhập trong năm 2016 vào khoảng 800 triệu đồng.

Anh Phương tâm sự: “Trải qua bao nhiêu nghề, nhưng nghề nuôi thủy sản này khiến tôi đam mê và đầu tư nhất. Từ khi làm nghề này, cũng gặp phải nhiều thất bại, nhưng tôi không bỏ cuộc và giờ đây nó đã giúp gia đình tôi không chỉ thoát nghèo mà còn trở lên khá giả” .

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình, vừa chỉ dẫn cụ thể, anh vừa nói: “Nuôi thủy sản quan trọng nhất là phải chịu khó học hỏi các mô hình, rút kinh nghiệm để áp dụng phù hợp với thực tế. Tiếp đến phải nghiên cứu tài liệu để đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật bảo đảm môi trường sống an toàn cho cá. Thường xuyên kiểm tra môi trường nước, theo dõi các bệnh phát sinh. Đặc biệt, sau mỗi lần thu hoạch phải khử trùng ao nuôi để chuẩn bị cho lứa cá tiếp theo”.

Anh Phương là người hiền lành, cởi mở, nên được rất nhiều thanh niên và người dân tìm đến học hỏi kinh nghiệm đều được anh nhiệt tình hướng dẫn chứ không giấu nghề bởi anh quan niệm, giúp người và giúp mình thoát nghèo thì quê hương mới giàu đẹp, cuộc sống mới no ấm, bình đẳng thực sự./.

Thanh Hoa