Giàng A Vàng, bản Dế Xu Phình A, xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải học hết cấp hai đã tạm gác lại con đường học hành do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Sau khi xây dựng gia đình cái nghèo vẫn luôn đeo bám, với nghị lực của sức trẻ và ý trí vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương, anh đã trăn trở, chọn lựa mô hình nuôi ong lấy mật từ năm 2011 sau khi nghiên cứu và thăm quan thực tế một số mô hình trên địa bàn.
Từ chỗ chỉ có 5 đàn ong giống, sau hơn 3 năm Vàng hiện có 70 tổ tạo nguồn thu đáng kể. Theo tính toán, mỗi tổ ong vào đúng vụ trung bình cho thu hoạch 2kg mật ong/lần, mỗi tháng cho thu hoạch từ 2 - 3 lần. Với 70 tổ ong hiện có cho gia đình thu nhập từ 70 - 90 triệu đồng, đó là chưa tính đến việc bán sáp ong kết hợp với nuôi 50 con gà đen.
Mô hình nuôi ba ba của nhà nông trẻ Đoàn Thanh Sơn, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn cũng là một điển hình. Khởi nghiệp với 40 cặp ba ba gai, đến nay trang trại nuôi ba ba của Sơn đã tăng lên hơn 100 cặp sinh sản, mỗi năm cung cấp cho thị trường khu vực phía bắc khoảng 5.000 con giống. Ngoài ra, trang trại của anh lúc nào cũng nuôi hàng trăm con ba ba thương phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ của các nhà hàng, khách sạn lớn tại Yên Bái và các tỉnh quanh vùng.
Theo tính toán của ông chủ trẻ, tiềm năng của trang trại vẫn còn rất lớn. Ba ba non chưa chào đời đã có người đặt tiền. Ba ba gai thương phẩm thì dễ bán, giá cao và không sợ thiếu đầu ra. Thế nên, Sơn đang tích lũy vốn đầu tư, nâng quy mô trang trại lên đến 500 cặp sinh sản, mở rộng đàn ba ba gai đáp ứng nhu cầu con giống, thực phẩm cho thị trường. Hiện tại, Sơn đang trực tiếp tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp con giống giúp 4 thanh niên trong xã gây dựng mô hình nuôi ba ba thương phẩm.
Năm 2013, câu lạc bộ (CLB) nuôi cá nước ngọt xã Quy Mông ra đời với 12 thành viên là những thanh niên có cùng sở thích và đang là chủ nhân của gần chục héc-ta mặt nước ao, đầm trên địa bàn. Đến nay, CLB đã và đang cho hiệu quả tích cực. Qua mô hình này còn gây dựng phong trào và đoàn kết, tập hợp thanh niên, đồng hành với thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương. Cùng với đó, CLB còn phối hợp với các hội, đoàn thể mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên và nhân dân địa phương; tổ chức cho hội viên đi thăm quan những mô hình kinh tế tiêu biểu ở các nơi khác để học tập kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi.
Đối với loại hình sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp, cơ khí ở thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ là nơi tập trung nhiều nhất. Nghề mới này đã thu hút một lượng lớn lao động tham gia, trong đó lao động ở độ tuổi thanh niên chiếm đa số. Anh Đào Tiến Mạnh - tổ dân phố 5, thị xã Nghĩa Lộ sở hữu hai cửa hàng sửa chữa xe máy, ô tô và cơ khí, mỗi năm trừ chi phí, đem lại thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng. Cửa hàng của gia đình anh còn tạo việc làm ổn định cho 4 lao động với mức lương trung bình 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Những tấm gương điển hình nêu trên, chỉ là đại diện cho 607 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ ở nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác nhau trên địa bàn tỉnh. Có những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao với tổng giá trị sản lượng hàng hóa, dịch vụ từ 300 - 600 triệu/năm, lợi nhuận từ 100 - 200 triệu đồng/năm. Đặc biệt, có một số mô hình doanh thu hàng tỷ đồng, lợi nhuận 400 - 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm ổn định và mang lại thu nhập khá cao cho gần 2.000 lao động thường xuyên và trên 3.000 lao động thời vụ.
Tuy nhiên, các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ hiện nay còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết giữa các mô hình, chưa có sự định hướng sâu trong sản xuất, kinh doanh nên chưa mang lại giá trị cao theo hướng sản xuất hàng hóa. Mặt khác, sự hỗ trợ của tổ chức Hội còn hạn chế, nhiều mô hình thiếu vốn sản xuất, thiếu kỹ thuật; các mô hình mới còn lúng túng trong cách làm và rất khó vay được vốn ưu đãi từ nguồn ngân hàng chính sách và quỹ quốc gia giải quyết việc làm…
Từ những hạn chế đó, dựa trên kết quả đã đạt được, đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhiệm kỳ tới, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh sẽ triển khai cuộc vận động “Thanh niên giúp nhau làm kinh tế” với mong muốn tăng cường mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp. Qua đó, cổ vũ thanh niên lập nghiệp và vươn lên làm giàu chính đáng; động viên, khuyến khích thanh niên phát huy sức trẻ, lao động sáng tạo, tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, chủ động đi đầu trong công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm xây dựng quê hương Yên Bái trở thành tỉnh phát triển toàn diện./.