Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Làng Ca tìm hướng thoát nghèo

03/10/2014 15:15:01 Xem cỡ chữ

Cách trung tâm xã Cát Thịnh huyện Văn Chấn (Yên Bái) hơn 5km thế nhưng để đến được Làng Ca phải mất hơn 1 giờ đồng hồ leo núi và cũng có thể đi xe máy song không nhanh hơn so với đi bộ bao nhiêu. Làng Ca tuy chưa phải là thôn xa nhất của xã Cát Thịnh nhưng lại là một trong những thôn người Mông khó khăn nhất.

Phát triển chăn nuôi đại gia súc là một thế mạnh cần khai thác ở Làng Ca.

Hơn 15 năm về trước, những hộ dân đầu tiên rời Khe Cạn đến định cư ở Làng Ca. Theo những người già ở đây, Khe Cạn còn cách Làng Ca hiện tại 10km đường rừng. “Nếu còn ở đó thì không biết con cháu chúng tôi bây giờ sẽ ra sao? Chắc chắn không được ăn, học đầy đủ như hiện tại”- già Ninh, một trong những người đầu tiên đến khai hoang định cư ở Làng Ca chia sẻ.

Từ vẻn vẹn hơn chục hộ ban đầu, đến nay, toàn bộ người dân đã rời Khe Cạn xuống định cư ở Làng Ca với 68 hộ, 450 nhân khẩu. Làng Ca đã thành lập được Chi bộ Đảng. Từ khi Chi bộ được thành lập đã phát huy vai trò lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế một cách khá hiệu quả. Chi bộ Làng Ca có 9 đảng viên, hàng tháng sinh hoạt định kỳ. Trong các buổi sinh hoạt, các vấn đề chỉ đạo sản xuất luôn chiếm đa phần thời gian.

Đặc biệt, trong giai đoạn chỉ đạo sản xuất lúa mùa, từ lịch thời vụ, gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đều được Chi bộ đưa ra bàn bạc, sau đó vận động nhân dân thực hiện. Theo Bí thư Chi bộ thôn Làng Ca Sùng Giống Phay, địa phương có nhiều cái khó nhưng khó nhất là giao thông. Cách trung tâm xã không xa nhưng giao thông rất khó khăn, chẳng mấy khi có người ngoài ra vào và mua bán.

Đặc biệt, chi phí vận chuyển vật liệu xây dựng thường vượt cao hơn 1,5 lần hoặc giá bán hàng nông sản, thực phẩm cũng cao hơn rất nhiều. Tiếp đến là đất sản xuất, với 30ha ruộng thì hầu như hộ nào cũng có ruộng nhưng không nhiều lại chỉ canh tác một vụ nên thường xuyên thiếu đói. Gần 600ha rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên, 20ha đất nương rẫy canh tác cũng không mang lại hiệu quả cao. Những cái khó trên là nguyên nhân chính dẫn đến Làng Ca hiện nay vẫn còn 56 hộ nghèo.

Làng Ca có nhiều cái khó thế nhưng cũng không phải không có lợi thế. Theo Trưởng thôn Sùng A Tua, cần phải giải quyết khó khăn trước mắt đó là đất sản xuất. Đất ruộng có 30ha nhưng lại tập trung nhiều ở một vài hộ khai hoang đầu tiên, có hộ có tới 1 - 2ha. Do vậy, nhiều hộ còn lại thiếu đất sản xuất, đặc biệt là những thanh niên mới lập gia đình. “Mình mong muốn sẽ vận động được những người có nhiều đất san sẻ cho người thiếu đất để họ có đất canh tác” - Trưởng thôn Tua tâm sự.

Cũng theo Trưởng thôn Sùng A Tua, nếu có sự đầu tư thì hiện nay vẫn còn nhiều khu vực có thể khai hoang được ruộng nước, mở rộng đất sản xuất. Ngoài ra, Làng Ca cũng có thể phát triển mạnh về chăn nuôi đại gia súc, chăn nuôi lợn. Trong làng, hầu như nhà nào cũng có 5 - 10 con lợn nhưng do thiếu kỹ thuật nên khó phát triển mạnh. Cây quế cũng khá phù hợp với đất đai ở đây, hiện nay, có vài hộ trong làng đã có quế vỏ cho khai thác, đem lại hiệu quả kinh tế khá.

Nhận thức được cái khó của mình, Làng Ca đang tập trung mạnh cho phát triển chăn nuôi và sản xuất lúa nước. Thiếu cây, con giống, thiếu đất sản xuất, thiếu khoa học kỹ thuật… là những cản trở nhất định đối với Làng Ca. Khi được hỏi mong muốn lớn nhất hiện tại của người dân Làng Ca thì Trưởng thôn Sùng A Tua sau một hồi trầm ngâm khẳng định là cải thiện đường giao thông. Mong mỏi lớn nhất của người dân là có một tuyến đường thuận lợi để thúc đẩy giao thương hàng hóa, để người ngoài đến Làng Ca được dễ dàng hơn và ngược lại. Đề án phát triển giao thông nông thôn của tỉnh đang được triển khai mạnh mẽ tại các địa phương, tin rằng, tương lai không xa, những mong mỏi của người dân Làng Ca sẽ được đáp ứng.

 

(Theo Báo Yên Bái)