Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Nông dân Yên Bái giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững

20/05/2015 14:54:07 Xem cỡ chữ

CTTĐT – Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được xác định là 1 trong 3 phong trào trọng tâm của công tác Hội và phong trào nông dân, được cụ thể hóa trong Chương trình công tác toàn khóa và chương trình công tác hàng năm của Ban chấp hành Hội Nông dân các cấp trong tỉnh. Trong giai đoạn 2009 - 2014 phong trào tiếp tục phát triển tăng về số lượng, quy mô và hiệu quả kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Nông dân huyện Yên Bình tăng gia sản xuất, làm giàu chính đáng.

Sau 5 năm tiếp tục triển khai thực hiện phong trào, số lượng hộ đăng ký và đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi có bước phát triển mạnh. Trong giai đoạn 2009-2013 đã có hơn 272 lượt hộ hội viên nông dân đăng ký thi đua, hàng năm bình quân có gần 60% số hộ hội viên nông dân đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Năm 2013 có 60.113 hộ đăng ký tăng 29,1% (13.540 hộ), năm 2013 có 40.105 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi, tăng 15.818 hộ (39,44%) so với năm 2009. 5 năm qua có 157.106 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Trong đó, cấp xã, phường, thị trấn: 125.138 hộ, chiếm 79,6%/tổng số hộ sản xuất giỏi. Một số đơn vị có tỷ lệ hội viên nông dân đăng ký thi đua và đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cao như HND huyện Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình, Trấn Yên.

Qua thực tế cho thấy lĩnh vực phát triển kinh tế của các hộ sản xuất kinh doanh giỏi được mở rộng, chất lượng và hiệu quả kinh tế của các mô hình được nâng cao.

Cụ thể, mô hình sản xuất kinh doanh giỏi ở Yên Bái khá đa dạng, chủ yếu trên các lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh tổng hợp, thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản… các hộ sản xuất kinh doanh giỏi trong những năm gần đây đã có xu hướng chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ở lĩnh vực trồng trọt, tăng tỷ trọng ở các lĩnh vực chăn nuôi, công nghiệp thương mại, dịch vụ.

Hầu hết các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã đầu tư thêm về vốn, mở rộng diện tích sản xuất, tăng đàn, xây dựng nhà xưởng và dây chuyền chế biến sản phẩm nông – lâm nghiệp, tích cực ứng dụng tiến bộ KH-KT và kinh nghiệm vào sản xuất góp phần quan trọng trong việc hình thành vùng kinh tế hàng hóa của tỉnh như: vùng lúa, ngô ở Văn Chấn, măng Bát Độ, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, chế biến sản phẩm nông – lâm nghiệp ở các huyện như Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn... từng bước xây dựng thương hiệu khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Cùng với việc mở rộng quy mô sản xuất, bổ xung thêm vốn, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã chủ động tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm và kiến thức về quản lý, quản trị để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tổng hợp số liệu 5 năm qua cho thấy tỷ trọng số hộ có tổng thu nhập đã trừ chi phí thuộc nhóm dưới 100 triệu giảm rõ rệt, nhóm có thu nhập cao chiếm tỷ trọng tăng dần qua các năm.

Trong thời gian qua đã có xuất hiện nhiều hộ nông dân tiêu biểu có thu nhập cao trên các lĩnh vực. Tiêu biểu là hộ ông Nguyễn Đức Huệ - xã Giới Phiên, thành phố với mô hình trồng hoa thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm, hộ Bà Vũ Thị Thanh Lâm ở phường Nam Cường với mô hình liên doanh liên kết với Doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi lợn thương phẩm với quy mô từ 1.200 con đến 1.400 con/lứa, hàng năm trừ chi phí còn cho thu nhập từ 500 đến 700 triệu đồng ; hộ Ông Nguyễn Danh Trường ở xã Giới Phiên với mô hình sản xuất miến đao, ép gạch bê tông thủ công và dịch vụ vận chuyển hàng hóa có thu nhập 350 – 400 triệu đồng/năm.

Huyện Trấn Yên có hộ ông Vũ Huy Quang xã Lương Thịnh chăn nuôi thỏ thu nhập 300 triệu đồng/ năm, hộ Đoàn Minh Tuấn – HVND xã Y Can chăn nuôi gà, cá, sản xuất gỗ bóc cho thu nhập 500 triệu đồng/năm; hộ Trần Văn Đa, Lê Ngọc Châu – HVND xã Minh Quân sản xuất theo mô hình tổng hợp VACR cho thu nhập 300 - 500 triệu đồng/năm; hộ Triệu Phú Tiên – xã Kiên Thành trồng tre măng Bát độ và chế biến gỗ rừng trồng thu nhập 200-250 triệu đồng/năm…

 Huyện Văn Yên có hộ ông Ngô Thành Trung - xã Đông An mô hình kinh doanh dịch vụ vận tải; hộ bà Nguyễn Thị Sang - Thị Trấn Mậu A; hộ ông Đào Văn Hồng mô hình chế biến gỗ rừng trồng - xã Lâm Giang có thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng/năm…

 Huyện Văn Chấn có hộ ông Nguyễn Văn Thống – Thị trấn nông trường Trần Phú với mô hình trồng Cam của cho thu nhập 800 triệu đồng/năm; hộ ông Vũ Đăng Lư – Thị trấn nông trường Nghĩa Lộ với mô hình trồng trọt chăn nuôi cho thu nhập 250 triệu đồng /năm; hộ ông Bàn Kim Vượng – xã Nậm Mười với mô hình trồng thảo quả cho thu nhập 160 triệu đồng/năm…

 Với nhiều hình thức phong phú và cách làm sáng tạo, các cấp Hội Nông dân, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã vận động, trực tiếp giúp đỡ được 19.583 hộ hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo với số tiền 6.947 triệu đồng lãi xuất thấp, giúp đỡ 864 con giống các loại, hỗ trợ 75,883 tấn lương thực, hỗ trợ 46.721 ngày công lao động xây dựng nhà cửa, cải tạo ruộng vườn và chuồng trại chăn nuôi, giúp 16.770 hội viên nông dân có việc làm với thu nhập ổn định từ 2- 2,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2013 có 4.655 hộ hội viên nông dân được giúp đỡ thoát nghèo, tăng 813 hộ so với năm 2009 trong số đó có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Đây cũng là các hộ có mô hình tiêu biểu để bà con trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập kinh nghiệm, bản thân các hộ đều tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, phổ biến kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho các hội viên nông dân.

 

(Thanh Thủy)