Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái khắc phục khó khăn giảm nghèo bền vững

27/07/2015 14:53:01 Xem cỡ chữ

CTTĐT - Nghèo đói là vấn đề mang tính chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc, giải quyết vấn đề nghèo đói là nhiệm vụ lâu dài của toàn Đảng, toàn dân. Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan luôn tồn tại một bộ phận người có thu nhập thấp, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm hạn chế tốc độ gia tăng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo.

Các chính sách giảm nghèo nên tập trung vào các giải pháp lâu dài giúp người dân có ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã nỗ lực phấn đấu đẩy mạnh công tác giảm nghèo và đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác giảm nghèo đã có sự chuyển biến rõ rệt. Nhiều gia đình, thôn, xóm, xã, phường, thị trấn đã vươn lên thoát nghèo, những điển hình về xóa đói, giảm nghèo ngày càng được nhân rộng. Kết quả chương trình giảm nghèo đã góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều hộ nghèo có xu hướng tập trung rõ rệt vào vùng nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa có đông người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh, tập trung vào một số xã, huyện đặc biệt khó khăn, trong đó các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao như: Mù Cang Chải,Trạm Tấu,Văn Chấn... Vấn đề giảm nghèo trong thời gian tới là những thách thức đối với cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, cần tìm ra được những nguyên nhân, tồn tại, khó khăn, hạn chế trong vấn đề giải quyết đói nghèo, cần có những giải pháp tổng thể, tích cực, phù hợp mới giải quyết tốt mục tiêu giảm nghèo ở địa phương.

Xác định một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến thu nhập thấp thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái cụ thể như: Thiếu tư liệu sản xuất, Thiếu lao động, đông người ăn theo, không có việc làm, Thiếu phương pháp làm ăn, hay ốm đau, mắc tệ nạn xã hội...

Một số khó khăn hạn chế trong triển khai giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nêu ra trong đó Yên Bái là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, núi cao, bị chia cắt nhiều không thuận lợi cho phát triển sản xuất, xuất phát điểm về kinh tế thấp, năng lực và trình độ nhận thức, tập quán sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhanh nhưng chưa bền vững và nguy cơ tái nghèo cao, số hộ cận nghèo còn nhiều. Còn một bộ phận hộ nghèo chưa tích cực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, còn có tư tưởng ỷ nại trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Nguồn lực bố trí cho Chương trình xoá đói giảm nghèo chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu cần có của các chương trình giảm nghèo.

Việc tổ chức dạy nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn, gắn với tạo việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đạt được thấp do số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh không nhiều, việc giới thiệu lao động sau khi học nghề đi làm việc ngoài tỉnh gặp khó khăn do tâm lý người lao động (đặc biệt là người dân tộc thiểu số) ngại xa nhà và kém thích ứng với điều kiện sản xuất công nghiệp.

Công tác xuất khẩu lao động cơ bản đạt chỉ tiêu song chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu việc làm, thu nhập của người lao động, trong đó có lao động là người dân tộc thiểu số; thị trường lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, đặc biệt là nhu cầu được làm việc ở những thị trường có thu nhập cao; việc hỗ trợ kinh phí cho lao động theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg về hỗ trợ xuất khẩu lao động ở các huyện nghèo, trong đó có 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải của Yên Bái, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn phải qua nhiều ngành, nhiều cấp thẩm định phân bổ, gây chậm trễ, khó khăn trong công tác hỗ trợ và tuyên truyền.

Dự án vay vốn tạo việc làm đã góp phần thực hiện kế hoạch về lao động - việc làm giai đoạn 2012-2015, tạo nhiều việc làm ổn định, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người lao động, góp phần giảm nghèo, khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Song, các dự án cho vay giải quyết việc làm chủ yếu là dự án trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 62%), đối tượng vay là các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ chiếm tỷ lệ thấp (dưới 20%) nên nhìn chung chỉ tăng thời giờ làm việc, chưa tạo thêm nhiều việc làm mới; nguồn vốn vay chỉ đáp ứng 30-40% nhu cầu vay vốn của người dân. Giai đoạn 2013-2015, tỉnh Yên Bái không được cấp bổ sung vốn mới, chỉ thực hiện cho vay vốn quay vòng, ảnh hưởng đến kết quả tạo việc làm so với kế hoạch hàng năm.

Nguyên nhân do điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, năng lực và trình độ nhận thức, tập quán sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, xuất phát điểm về kinh tế thấp, các điều kiện tạo sinh kế cho người dân không thuận tiện. Mặc dù Nhà nước đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo, vùng dân tộc và miền núi, nhưng mức đầu tư còn thấp so với nhu cầu thực tế; có nhiều chính sách giảm nghèo nhưng chủ yếu mang tính hỗ trợ (chính sách y tế, hỗ trợ tiền điện, dạy nghề...), trong khi chính sách đầu tư tạo sinh kế cho người nghèo chưa nhiều, suất đầu tư thấp (vay vốn tín dụng ưu đãi, vay vốn giải quyết việc làm, đào tạo nghề); mặt khác, chậm ban hành các chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để bảo đảm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Trước những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đã được xác định rõ nét, trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái cũng đã rút ra được bài học kinh nghiệm cụ thể đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần thực hiện từ nhu cầu sử dụng lao động thực sự của các cơ sở sản xuất kinh doanh – dịch vụ trên địa bàn, từ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương đồng thời dựa trên nhu cầu thực tế về nghề nghiệp của người lao động, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề từ hướng cung chuyển sang cầu của thị trường lao động. Đào tạo gắn chặt với chuyển dịch cơ cầu kinh tế, cơ cấu lao động. Đặc biệt, dạy nghề cho lao động nông thôn phải gắn kết chặt chẽ với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ. Đối với những địa phương thực hiện thu hồi đất nông nghiệp để phát triển các khu công nghiệp, ngoài việc cam kết tạo việc làm cho lao động, các doanh nghiệp phải cam kết dạy nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, đảm bảo sau khi học nghề xong người lao động được nhận vào làm việc trong doanh nghiệp tại Khu công nghiệp.

Đẩy mạnh số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, xác định xuất khẩu lao động là một kênh đào tạo tay nghề cho người lao động. Nâng cao chất lượng kỹ năng nghề cho người lao động phấn đấu đạt tỷ lệ 45% lao động có nghề trước khi tham gia xuất khẩu lao động. Các chính sách giảm nghèo cần tập trung, tránh dàn trải, manh mún, phân tán để tạo sự đơn giản, thuận lợi cho việc triển khai thực hiện và đủ mạnh để giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.

Các chính sách giảm nghèo nên tập trung vào các giải pháp lâu dài giúp người dân có ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước; đối với những hộ còn chây lười lao động, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì có những biện pháp tuyên truyền, thuyết phục để dần giúp họ có cách suy nghĩ, cách sống tốt hơn. Đối với những hộ yếu thế không có khả năng thoát nghèo thì có những chính sách hướng về đảm bảo an sinh, mức sống tối thiểu cho người nghèo như trợ cấp xã hội…

                                                                                                         

Thu Hương