Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Trần Xuân Đức vượt khó làm giàu

02/11/2016 16:26:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Với sức trẻ và khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh Trần Xuân Đức, thôn Lâm Sinh, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn đã mạnh dạn thoát nghèo, phát triển kinh tế bằng mô hình tổng hợp chăn nuôi kết hợp trồng rừng và trồng cây ăn quả, cho thu nhập cao ngay chính tại mảnh đất quê hương.

Gia đình anh Đức đã sở hữu gần 10 ha rừng trồng kinh tế các loại, 6 con bò, đàn lợn hơn 20 chục con cả lợn nái và lợn thịt…. giá trị kinh tế thu về hằng trăm triệu đồng/năm.

Anh Trần Xuân Đức ở thôn Lâm Sinh, xã Cát Thịnh đã vượt qua bao thất bại để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Từng vào tận Tây Nguyên sinh sống làm kinh tế mới với mong một cuộc sống đầy đủ hơn. Nhưng những ngày tháng làm ăn xa quê, cuộc sống vẫn hoàn khốn khó, anh cứ trăn trở mãi về người mẹ già và những cánh rừng bạt ngàn ở quê. Anh và vợ lại quyết định trở về quê hương để lập nghiệp. Anh Trần Xuân Đức tâm sự: “Với suy nghĩ không cam chịu cái đói, cái nghèo, càng vấp ngã càng phải đứng lên để khẳng định bản thân mình. Từ đó bản thân mình và gia đình đã cần cù, chịu khó để phát triển kinh tế, đến nay cũng đã mang lại hiệu quả nhất định, giúp đời sống gia đình ổn định hơn”.

Trở về gần như tay trắng, vợ chồng anh chị bắt tay vào xây dựng mô hình kinh tế với số vốn ít ỏi hơn 20 triệu đồng vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Vừa nhận trồng rừng cho Lâm trường Ngòi Lao anh vừa mua thêm các diện tích rừng lân cận để trồng thêm bồ đề, keo, quế… Rồi xây ao nuôi ba ba, làm chuồng nuôi lợn thịt. Lấy ngắn nuôi dài, anh lại đầu tư mua thêm rừng để trồng cây lâm nghiệp. Khi vốn đã lớn hơn, anh mua thêm bò về chăn nuôi. Với sự chăm chỉ, cố gắng, nỗ lực của bản thân và được các ban, ngành đoàn thể hỗ trợ về khoa học kỹ thuật mà đến nay, gia đình anh Đức đã sở hữu gần 10 ha rừng trồng kinh tế các loại, 6 con bò, đàn lợn hơn 20 chục con cả lợn nái và lợn thịt…. giá trị kinh tế thu về hằng trăm triệu đồng/năm.

Ngoài phát triển kinh tế bằng chăn nuôi và trồng rừng. Nhận thấy đất đai, khí hậu địa phương phù hợp với cây ăn quả. Anh đã bàn bạc với gia đình rồi xuống Phú Thọ và về tận trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội để mua giống cây ăn quả về trồng. Anh trồng nhiều loại cây, cả cam, chanh, ổi, bưởi, táo… Để phát triển có hiệu quả diện tích cây ăn quả của gia đình, anh Đức đã sang các xã lân cận như Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm, Minh An, thị trấn Nông trường Trần Phú để học tập kinh nhiệm trồng, chăm sóc cho cây ăn quả, đồng thời anh cũng tích cực học hỏi khoa học kỹ thuật mới qua sách, báo, ti vi, internet. Nhờ đó, đến nay vườn nhà anh đã có trên 100 gốc chanh tứ thời, 50 gốc cam đường canh, 20 gốc bưởi Diễn, 30 gốc táo đỏ… Trời không phụ công người, đáp lại sự chăm chỉ, cố gắng của anh Đức và gia đình mà diện tích cây ăn quả của gia đình sinh trưởng và phát triển đồng đều, ít sâu bệnh, năng xuất, chất lượng được đảm bảo.

Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình anh Trần Xuân Đức đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế. Đây là một tấm gương sáng để đoàn viên, thanh niên trong và ngoài xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn học tập, làm theo. Tạo đà để nâng cao cuộc sống, xóa đói giảm nghèo và góp sức cùng nhau xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.

Thanh Hoa