Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái hướng tới mục tiêu giảm 4% hộ nghèo năm 2022

14/02/2022 08:27:00 Xem cỡ chữ
Năm 2021, toàn tỉnh hiện có 39.721 hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới, tương ứng với tỷ lệ 18,07% và có 17.243 hộ cận nghèo, tương đương với tỷ lệ 7,85%.Từ kết quả này, tỉnh xác định chỉ tiêu giảm nghèo năm 2022 là 4%.

Hộ nghèo được vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Trong 3 năm trở lại đây, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến cuộc sống của mọi người dân, nhất là người nghèo, họ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề. Do vậy, thời gian qua tỉnh Yên Bái xác định công tác giảm nghèo, hạn chế tái nghèo là nhiệm vụ quan trọng. 

Việc xác định nguyên nhân nghèo để có biện pháp hỗ trợ kịp thời được coi là giải pháp căn cơ, hiệu quả nhất. Ngành lao động -thương binh và xã hội cùng các địa phương tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo để phân loại từng nhóm hộ nghèo, cận nghèo theo các tiêu chí như: thiếu vốn sản xuất, thiếu việc làm… Trên cơ sở đó để lập kế hoạch và đề ra giải pháp hỗ trợ cụ thể.

Đơn cử, hộ gia đình chị Hoàng Thị Hạnh ở xã Đại Đồng, huyện Yên Bình là hộ nghèo thiếu vốn sản xuất. Năm 2020, Hội Phụ nữ xã đã nhận ủy thác để giúp chị tiếp cận nguồn vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và chị Hạnh đã vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo cùng sự giúp đỡ của người thân để bắt tay vào xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt. Đến nay, gia đình chị Hạnh đã thoát nghèo, kinh tế được cải thiện, có điều kiện nuôi con ăn học, mua sắm xe máy, đồ dùng sinh hoạt...

Không chỉ được vay vốn, nhiều hộ nghèo đã được đào tạo nghề phù hợp giúp thoát nghèo. Anh Hoàng Trung Dũng ở xã Y Can, huyện Trấn Yên được tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ vốn kiến thức nắm bắt được qua lớp tập huấn, lại có đất vườn rộng, anh Dũng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư 30 triệu đồng để mua gà giống về nuôi. Mỗi lứa, anh Dũng nuôi 400 con, mỗi năm bán 2 lứa gà, trừ chi phí gia đình thu lãi trên 50 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định, năm 2021, gia đình anh Dũng đã thoát nghèo. 

Việc hỗ trợ hộ nghèo theo nhóm nguyên nhân đã thực sự mang lại kết quả rõ rệt. Từ đó các chính sách đối với hộ nghèo được triển khai hiệu quả, tạo đà để hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, bứt phá vươn lên thoát nghèo.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2021, toàn tỉnh hiện có 39.721 hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới, tương ứng với tỷ lệ 18,07% và có 17.243 hộ cận nghèo, tương đương với tỷ lệ 7,85%. Từ kết quả rà soát đó, tỉnh đã xác định chỉ tiêu giảm nghèo năm 2022 là 4%. 

Đây là mức chỉ tiêu bằng với chỉ tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, so với các năm của giai đoạn trước, việc hoàn thành chỉ tiêu 4% của năm 2022 sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi năm 2022 là năm đầu thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo trong giai đoạn mới; việc ban hành các văn bản chính sách và bố trí nguồn lực thực hiện của các bộ, ngành trung ương sẽ không thể kịp thời, đồng bộ ngay từ đầu năm, vì vậy, việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo trong năm tới sẽ gặp những hạn chế, vướng mắc nhất định. 

Cùng với đó, chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 có tính toàn diện hơn so với chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Bởi vậy, để giúp các hộ thoát nghèo theo chuẩn mới, đòi hỏi phải có sự tác động về nhiều mặt để giúp họ vừa nâng cao thu nhập, vừa xóa được các chiều thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có một số thiếu hụt khó giải quyết như: thiếu hụt về dinh dưỡng; thiếu hụt về nhà ở…

Để có thể thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra trong lĩnh vực giảm nghèo năm 2022, thời gian tới, ngành lao động - thương binh và xã hội tập trung vào việc xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn lực, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ giảm nghèo và kiểm tra, giám sát công tác giảm nghèo trên phạm vi toàn tỉnh. 

Đối với các huyện, thị xã, thành phố, để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao về công tác giảm nghèo của mỗi địa phương, các phòng lao động - thương binh và xã hội tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức các giải pháp. 

Trong đó, căn cứ Nghị quyết số 61-NQ/TU về tiếp tục lãnh đạo hiệu quả công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 61-NQ/TU của UBND tỉnh để thực hiện. 

Hiện, các huyện, thị xã, thành phố cũng đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn mới trên địa bàn; phân tích các số liệu rà soát hộ nghèo, từ đó lựa chọn danh sách các hộ có điều kiện thuận lợi để đưa vào danh sách dự kiến thoát nghèo trong năm 2022; đồng thời xác định nguyên nhân nghèo và các tiêu chí thiếu hụt để có phương án, kế hoạch trợ giúp cụ thể. 

Căn cứ chỉ tiêu về tỷ lệ giảm nghèo năm 2022 đã được tỉnh giao, các huyện, thị, thành phố cần cụ thể hóa thành chỉ tiêu để giao cho từng xã, phường, thị trấn, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch giảm nghèo của từng cấp tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, quan tâm huy động, lồng ghép các nguồn lực của địa phương và nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cho các hoạt động giảm nghèo... 

 

Theo quy định của Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 về chính sách trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, có 5 nhóm đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Theo đó, để các hộ nghèo có thêm nguồn lực ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, ngành chức năng cần hướng dẫn các đối tượng có đủ điều kiện làm các thủ tục thụ hưởng chính sách…

 

 

Theo Báo Yên Bái