Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp ở Yên Bái: Nhiều địa phương nỗ lực

10/10/2019 16:00:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT- Nhiều địa phương trong tỉnh đã nỗ lực triển khai Đề án “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” và đã đạt được những kết quả khả quan.

Người lao động tại Công ty Cổ phần Yên Thành.

Những năm qua, tỷ trọng ngành nghề PNN đã tăng lên rõ rệt, đóng góp nhiều vào cải thiện, đa dạng hóa thu nhập của người dân. Và mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động ngành NN trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng trở nên cấp thiết. Là xã thuần nông thuộc huyện Trấn Yên, trong những năm qua bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã Việt Thành đã chú trọng đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Những năm qua, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Việt Thành đã tập trung, ưu tiên lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động và tạo điều kiện thuận lợi để lao động có thể chuyển đổi nghề từ làm nông nghiệp sang những nghề phi nông nghiệp. Nếu như năm 2010, xã Việt Thành có trên 74% số lao động làm các nghề nông nghiệp thì đến năm 2017 số lao động nông nghiệp đã giảm xuống còn 63,79%.

Nhiều lao động nông nghiệp chuyển sang nghề may để đi làm tại nhà máy, một số chuyển sang làm nghề cơ khí với mong muốn có việc làm ổn định, có thu nhập cao hơn làm nông nghiệp. Và thực tế, những lao động này đang có việc làm ổn định, thu nhập cao hơn trước.

Bên cạnh sự thay đổi cơ cấu ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa là sự thay đổi về cơ cấu ngành kinh tế, là sự biến đổi về cơ cấu của lực lượng lao động. Vì vậy, các ngành, địa phương trong tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao gắn với thực hiện quy hoạch, đề án, dự án, kế hoạch thuộc lĩnh vực ngành quản lý nhằm thu hút, tạo việc làm cho lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Năm 2018, đã có 40 dự án thuộc lĩnh vực công thương đầu tư trên địa bàn tỉnh, dự kiến thu hút, tạo việc làm cho 2.000 lao động sau khi đi vào hoạt động, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tạo việc làm cho 200 lao động. 

Đến nay toàn tỉnh có 146/157 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm, đạt 92% (tăng 58,45% so với năm 2012 và tăng 34,57% so với năm 2015). Về đào tạo nghề, năm 2018, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 16.600 người. Trong đó: nhóm nghề nông nghiệp chiếm khoảng 30%, nhóm nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 70%. 

Theo Báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong 9 tháng đầu năm 2019 kết quả chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp đã chuyển dịch được 4.773/5.300 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp (đạt 90,1% kế hoạch). Các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ về chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn, chủ động, tích cực tuyên truyền, tư vấn, giải quyết việc làm cho người lao động ở trong tỉnh, ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động, một số địa phương đã phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng lao động phi nông nghiệp, đặc biệt là lao động nghề may theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp như thành phố Yên Bái, huyện Yên Bình, huyện Trấn Yên, tuyển dụng lao động để cung ứng đi làm việc ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động như huyện Lục Yên, Văn Yên… 

Theo đồng chí Đặng Thanh Hải - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Bình, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại Yên Bình được quan tâm triển khai thực hiện góp phần hoàn thành mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu lao động của năm 2018. Huyện Yên Bình cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn sang PNN tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” nhằm tăng dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực sản xuất lao động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực NN, hình thành cơ cấu lao động hợp lý, bảo đảm đúng tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tạo việc làm bền vững cho người lao động. Phấn đấu đến năm 2020, mỗi năm huyện Yên Bình có 2% và đến năm 2025, mỗi năm chuyển dịch 2,2% lao động nông nghiệp chuyển dịch sang sang phi nông nghiệp. Với gần 200 lao động, trong đó phần lớn là lao động NN của huyện Yên Bình và thành phố Yên Bái, nhiều năm qua, Công ty cổ phần Yên Thành đã giúp nhiều lao động NN trên địa bàn có việc làm và thu nhập ổn định. 

Ông Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành cho biết: "Gần 100% lao động của Công ty đều xuất phát từ lao động NN. Họ đến từ các xã như: Tân Hương, Đại Đồng, Bảo Ái… Thu nhập bình quân của lao động trong Công ty đạt từ 5 - 5,5 triệu đồng/tháng”. Trong phân xưởng chế biến gỗ rừng trồng, chị Đỗ Thị Thủy, quê ở xã Tân Hương tâm sự: "Tôi làm việc ở đây đã được hơn 10 năm rồi. So với lao động ở nhà thì thu nhập ở đây cao hơn, ổn định hơn. Ngoài ra, tôi còn được Công ty hướng dẫn, dạy nghề, được tham gia các lớp tập huấn về an toàn lao động…”. 

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ về chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chuyển dịch cơ cấu lao động, tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo chỉ tiêu được giao, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm thu hút lao động NN vào làm việc, chú trọng đào tạo nghề PNN cho lao động nông thôn, quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động với nhiều hình thức phù hợp… 

Tuy nhiên, để đạt kết quả cao, bền vững trong chuyển dịch cơ cấu lao động NN sang PNN, Yên Bái cũng cần giải quyết triệt để một số khó khăn, hạn chế như: một số ngành chưa thực sự quan tâm; việc thu hút lao động, giải quyết việc làm theo từng lĩnh vực, ngành nghề gắn với định hướng phát triển của từng địa phương; xác định rõ quy mô sử dụng lao động theo từng giai đoạn của các dự án đầu tư, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền… 

 

Ban Biên tập