Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái: Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%

15/08/2023 13:50:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Mục tiêu đến năm 2025, Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40% trở lên

Đó là mục tiêu tổng quát được đưa ra trong Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Yên Bái phấn đấu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông đạt 60%, vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 30%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 45%, vào học đại học đạt 27%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40% trở lên. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động qua đào tạo đạt 45%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo theo các lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp thủy sản 52%; công nghiệp - xây dựng 22%; thương mại - dịch vụ 26%.

Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50%. Thu hút 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp;  Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; Đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng nghề Yên Bái trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn tỉnh có khoảng trên 17 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 3-5 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh trong khu vực ASEAN và thế giới.

Phấn đấu đến năm 2045, một số ngành nghề đào tạo của các trường dạy nghề đạt trình độ của các nước trong khu vực và thế giới.

Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch đã đưa ra các nhiệm vụ giải pháp để thực hiện. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về tầm quan trọng của việc học nghề; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông thu hút vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động; đầu tư tăng cường cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đổi mới phương thức đào tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, nhà giáo và người dạy; gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động; nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, hướng nghiệp, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tăng cường nguồn lực đầu tư và nâng cao hiệu quả tài chính cho giáo dục nghề nghiệp; sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

 

Ban Biên tập