Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật

03/08/2019 23:06:00 Xem cỡ chữ
Hỗ trợ tạo việc làm, nhằm tìm cho người khuyết tật một công việc phù hợp không chỉ giúp nhóm lao động này tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội… mà còn khẳng định vai trò của họ, giúp họ tham gia đóng góp vào các hoạt động xã hội

Nhiều chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật

Dần làm chủ cuộc sống

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều đề án, chính sách về an sinh xã hội, tạo việc làm, dạy nghề cho người khuyết tật. Đặc biệt, ngày 20.6.2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg “Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020”. Trong “Hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật” là một nội dung quan trọng trong Dự án Phát triển thị trường lao động và việc làm thuộc chương trình này.

Thực hiện chính sách trên nhằm tạo việc làm cho người khuyết tật trong năm 2018, Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ký hợp đồng đặt hàng với 28 cơ quan, đơn vị với tổng kinh phí là 12,5 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động hỗ trợ lao động di cư, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động thanh niên, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn và người khuyết tật.

Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách trên hiện nay số cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật đã tăng lên cả về số lượng, quy mô và chất lượng đào tạo, công tác dạy nghề cho người khuyết tật từng bước được xã hội hóa với sự tham gia của khu vực tư nhân. Tính đến đầu quý III.2018, có 156 cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho người khuyết tật, trong đó có 55 cơ sở dạy nghề chuyên biệt, 200 cơ sở có tham gia dạy nghề cho người khuyết tật, nhiều trường hợp người khuyết tật được xem xét để được miễn giảm học phí.

Ngoài ra, các hội, đoàn thể cũng tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm cho hàng nghìn người khuyết tật. Đáng ghi nhận, nhiều người khuyết tật tìm kiếm được việc làm, dần dần làm chủ cuộc sống, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đặc biệt, nhiều người khuyết tật trở thành người đứng đầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ khác tại địa phương.

Cần có chính sách phù hợp

Mặc dù vậy, bên cạnh đó vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức trong việc giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Trong đó, nổi lên là tỷ lệ người khuyết tật sau đào tạo nghề tìm được việc làm còn thấp và chủ yếu là tự tạo việc làm. Nguyên nhân do 80% người khuyết tật sống ở nông thôn, trình độ văn hóa thấp, thiếu thông tin về việc làm. Bản thân người khuyết tật thường sống khép kín, thụ động, cộng thêm những rào cản xã hội như thái độ phân biệt, đối xử... nên không quan tâm đến việc tìm việc làm.

Để giải quyết bài toán việc làm cho người khuyết tật, phản ánh từ nhiều địa phương cho rằng, việc xây dựng chính sách cũng như hỗ trợ cho người khuyết tật cần phải nhìn nhận từ quan điểm coi người khuyết tật không chỉ là đối tượng cần được ưu tiên, mà họ còn cần được nhìn nhận là lực lượng lao động tiềm năng, có vai trò tích cực với xã hội. Vì vậy, giải quyết việc làm cho người khuyết tật không phải là giúp đỡ, là làm từ thiện... mà là đáp ứng nhu cầu chính đáng là được làm việc và được ghi nhận của họ.

Theo đó, Nhà nước ban hành các chính sách quan tâm đến người khuyết tật, có cơ chế chính sách về tài chính hỗ trợ người khuyết tật học nghề, hỗ trợ người sử dụng lao động nhận người khuyết tật vào làm việc, hỗ trợ những người khuyết tật có ý tưởng mở cơ sở sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tất cả mọi người trong xã hội, nhằm xóa bỏ cảm giác mặc cảm tự ty của gia đình và bản thân người khuyết tật, giúp họ hòa nhập cộng đồng, tìm được việc làm phù hợp, đóng góp sức mình vào việc xây dựng và phát triển đất nước…

Hỗ trợ tạo việc làm, nhằm tìm cho người khuyết tật một công việc phù hợp không chỉ giúp nhóm lao động này tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội… mà còn khẳng định vai trò của họ, giúp họ tham gia đóng góp vào các hoạt động xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Chính vì vậy, cần phát huy hơn nữa vai trò của các trung tâm đào tạo nghề. Cùng với đó các cơ quan chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu về người khuyết tật để có những phân tích, đánh giá nhu cầu học nghề, việc làm của từng nhóm đối tượng, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong số người khuyết tật, có 58% là phụ nữ, 42% là nam giới. Đa số người khuyết tật trong độ tuổi lao động sống ở nông thôn, công việc của họ chủ yếu là phụ giúp gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp, công việc không ổn định, thu nhập thấp. Có 40% người khuyết tật ở độ tuổi lao động và còn khả năng lao động, trong đó chỉ có 30% số người này là có việc làm, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội. Như vậy, nước ta còn khoảng 2 triệu người khuyết tật có khả năng lao động nhưng chưa tham gia lao động, chưa có việc làm.