Tỉnh Yên Bái tập trung nguồn lực, thực hiện các giải pháp đồng bộ trong xây dựng nông thôn mới

07/07/2017 10:43:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Toàn tỉnh phấn đấu có 64 xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Trấn Yên đạt huyện nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020, đây là mục tiêu mà tỉnh Yên Bái đã đặt ra và đang tập trung nguồn lực, thực hiện các giải pháp đồng bộ để thực hiện thành công.

Yên Bái phấn đấu có 64 xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Trấn Yên đạt huyện nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020

Toàn tỉnh có 157 xã/tổng số 180 xã, phường, thị trấn tham gia thực hiện chương trình Xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã có 18 xã được công nhận đạt chuẩn. 06 xã được công nhận đạt chuẩn trong năm 2014, 2015 (Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành - huyện Trấn Yên; Tuy Lộc - thành phố Yên Bái; Liễu Đô - huyện Lục Yên; Đại Phác - huyện Văn Yên); và 12 xã được công nhận năm 2016 (Nga Quán, Đào Thịnh, Bảo Hưng - huyện Trấn Yên; Phù Nham, Thượng Bằng La, Đại Lịch - huyện Văn Chấn; Yên Hưng, Đông Cuông, Xuân Ái - huyện Văn Yên; Minh Bảo - thành phố Yên Bái; Đại Minh, Hán Đà - huyện Yên Bình).

Căn cứ Nghị quyết số 44/2016/NQ-HĐND ngày 23/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, và Quyết định số 3632/QĐ-UBND ngày 21/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020. Năm 2017, có 12 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới (Huyện Trấn Yên 02 xã (Hưng Khánh, Vân Hội); huyện Văn Chấn 02 xã (Thanh Lương, Tân Thịnh); huyện Văn Yên 02 xã (Yên Phú, Yên Hợp); thành phố Yên Bái 01 xã (Âu Lâu); thị xã Nghĩa Lộ 02 xã (Nghĩa An, Nghĩa Lợi); huyện Lục Yên 02 xã (Trúc Lâu, Mai Sơn); huyện Yên Bình 01 xã (Mông Sơn)). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có thêm 08 xã đăng ký bổ sung, nâng tổng số xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 là 20 xã (Huyện Trấn Yên 02 xã (Hưng Thịnh, Minh Quân); huyện Yên Bình 04 xã (Phú Thịnh, Bạch Hà, Vĩnh Kiên, Thịnh Hưng); huyện Văn Chấn 01 xã (Nghĩa Tâm); huyện Văn Yên 01 xã (An Thịnh)).

Với quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn công tác chỉ đạo, điều hành được triển khai quyết liệt, đồng bộ, cụ thể thông qua các văn bản tham mưu như kế hoạch, quyết định công văn chỉ đạo. Công tác tổng hợp, hướng dẫn kịp thời, tích cực, đáp ứng được yêu cầu. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương để ban hành kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch của tỉnh. Công tác tuyên truyền được các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị xã hội triển khai mạnh mẽ bằng nhiều hình thức. Thông qua các hình thức tuyên truyền, một số địa phương đã vận động được bà con nhân dân trong xã tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, góp phần nâng cao chất lượng đạt chuẩn tiêu chí môi trường được bền vững.

Sau một thời gian thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến rõ nét về chất lượng, ngày càng đi vào chiều sâu, có tính lan tỏa; công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp được thường xuyên, liên tục, đi vào kết quả thực chất; nhận thức của người dân, của cộng đồng đang có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, đã nhận thức rõ được lợi ích và tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, quê hương mình. Tập trung đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Xác định được rõ phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn.

Các ngành, các địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng nông thôn mới; trong phát triển sản xuất đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế hộ. Trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đã chủ động huy động, bố trí lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi; chủ động triển khai các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà không cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như: Tiêu chí Môi trường, tiêu chí về xóa đói giảm nghèo, tiêu chí về hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, tiêu chí về xây dựng thôn, bản văn hóa...

Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện một bước đáng kể; nhiều hình thức văn hóa, văn nghệ dân gian được khôi phục; những lễ hội văn hóa truyền thống được duy trì và phát triển, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần thúc đẩy các mô hình xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Qua rà soát, đánh giá và hỗ trợ thực hiện các tiêu chí đối với 20 xã đăng ký đạt chuẩn, đã xác định cơ bản các xã đều có khả năng đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017. Huyện Trấn Yên 04 xã: Xã Vân Hội đạt 14/19 tiêu chí; Xã Hưng Khánh đạt 14/19 tiêu chí; Xã Hưng Thịnh đạt 12/19 tiêu chí; Xã Minh Quân đạt 11/19 tiêu chí. Huyện Văn Chấn 03 xã: Xã Thanh Lương đạt 17/19 tiêu chí; Xã Tân Thịnh đạt 16/19 tiêu chí; Xã Nghĩa Tâm đạt 17/19 tiêu chí; Huyện Yên Bình 05 xã: Xã Phú Thịnh đạt 15/19 tiêu chí; Xã Bạch Hà đạt 15/19 tiêu chí; Xã Vĩnh Kiên đạt 14/19 tiêu chí; Xã Thịnh Hưng đạt 15/19 tiêu chí; Xã Mông Sơn đạt 17/19 tiêu chí. Huyện Văn Yên 03 xã: Xã Yên Hợp đạt 15/19 tiêu chí; Xã Yên Phú đạt 19/19 tiêu chí (hiện tại đang tiến hành làm hồ sơ đề nghị xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới); Xã An Thịnh đạt 14/19 tiêu chí. Huyện Lục Yên 02 xã: Xã Mai Sơn đạt 14/19 tiêu chí; Xã Trúc Lâu đạt 14/19 tiêu chí. Thị xã Nghĩa Lộ 02 xã:  Xã Nghĩa An đạt 16/19 tiêu chí;  Xã Nghĩa Lợi đạt 16/19 tiêu chí. Thành phố Yên Bái 01 xã: Xã Âu Lâu đạt 18/19 tiêu chí.

Tính đến 30/6/2017, số tiêu chí đạt bình quân của các xã trên địa bàn tỉnh là 9,6 tiêu chí. Đạt 19 tiêu chí (hoàn thành chuẩn nông thôn mới) là 18 xã, chiếm 11,5%. Đạt từ 16 đến 19 tiêu chí là 08 xã, chiếm 5,1%. Đạt từ 10 đến 15 tiêu chí là 43 xã, chiếm 27,4%. Đạt từ 5 đến 9 tiêu chí là 79 xã, chiếm 50,3%. Đạt dưới 5 tiêu chí là 9 xã, chiếm 5,7%.

Về kết quả thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 01 huyện (huyện Trấn Yên) đạt huyện nông thôn mới, với yêu cầu 100% số xã đạt chuẩn và tất cả 9 tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định 585/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay huyện Trấn Yên đã có 6 xã/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 28,6% số xã đạt chuẩn, gồm các xã Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành, Nga Quán, Đào Thịnh, Bảo Hưng.

Bên cạnh các kết quả đạt được nhận thức tư tưởng về xây dựng nông thôn mới vẫn còn có những mặt tồn tại hạn chế, một số bộ phận kể cả cán bộ lãnh đạo và nhân dân vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Chưa thực sự phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư. Vấn đề phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân đã có nhiều bước chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều khó khăn; các mô hình phát triển sản xuất mới giải quyết được bước đầu về việc gia tăng về sản lượng và năng suất, chưa khẳng định được tính bền vững trong chuỗi giá trị sản phẩm. Trong lĩnh vực văn hóa xã hội còn những vấn đề tồn tại như: Công tác xóa đói giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; đào tạo nghề và chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn vẫn còn bất cập. Việc xác định tiêu chí trường chuẩn quốc gia đối với các xã nông thôn mới vướng mắc do Bộ Giáo dục và Đào tạo không có hướng dẫn việc xác định tiêu chí trường chuẩn với các trường liên cấp Mầm non - Tiểu học, Mầm non - Tiểu học - Trung học cơ sở.

Trong năm 2017, toàn tỉnh phấn đấu có từ 16 - 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 36 - 38 xã, số tiêu chí đạt bình quân trên địa bàn tỉnh là 11,5 tiêu chí/xã, tăng bình quân khoảng 2 tiêu chí/xã so với năm 2016.

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ trên tỉnh Yên Bái tập trung xây dựng kế hoạch chỉ đạo, thực hiện, kiểm tra, đôn đốc kịp thời; nhân rộng các điển hình, mô hình tốt, những cách làm hay trên địa bàn tỉnh. Đối với các xã về đích nông thôn mới trong giai đoạn 2016 trở về trước thì tiếp tục đầu tư, nâng cấp để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về chương trình Xây dựng nông thôn mới với nhiều hình thức thiết thực và tạo khí thế thi đua để xây dựng nông thôn mới. Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền gắn liền với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới” ở tất cả các xã.

Tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu áp dụng trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2017-2020; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020, tỉnh Yên Bái; Tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Trấn Yên xây dựng hoàn thành Đề án huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2017 - 2020. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa; triển khai thực hiện hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp thông qua các mô hình kinh tế như Hợp tác xã, Tổ hợp tác, kinh tế trang trại. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất (cây ăn quả có múi, tre măng Bát Độ, Sơn tra...)

Củng cố nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với xã đã được công nhận nông thôn mới; đối với các xã đăng ký thực hiện năm 2017 tiếp tục chủ động thực hiện các chỉ tiêu không cần có sự hỗ trợ của nhà nước như chỉ tiêu về xóa đói giảm nghèo, chỉ tiêu về hỗ trợ nhà ở (kết hợp với thực hiện Đề án 167 giai đoạn 2 của tỉnh) để hỗ trợ gắn với các xã đăng ký hoàn thành nông thôn mới năm 2017; tiếp tục thực hiện Đề án về sắp xếp quy mô trường lớp, bổ sung hoàn chỉnh để đảm bảo chuẩn hóa trường lớp để được công nhận là chuẩn nông thôn mới; vận động người dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế.

Phối hợp với các ngành, các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh triển khai tổ chức thẩm định các xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 (từ 16 - 20 xã). Hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017.

Thanh Bình