Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Công bố - Giới thiệu

Tăng cường công tác lãnh đạo và quản lý bảo vệ Quế xuất khẩu của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái

17/06/2024 19:07:17 Xem cỡ chữ Google
Huyện Văn Yên là một huyện vùng núi phía Bắc của tỉnh Yên Bái, được thành lập từ tháng 3 năm 1965. Có tọa độ địa lý 104º23' đến 104º23' độ kinh đông và từ 21º50'30'' đến 22º12' vĩ độ bắc. Phía Đông giáp huyện Lục Yên, Yên Bình, phía Tây giáp huyện Văn Chấn, phía Nam giáp huyện Trấn Yên, phía Bắc giáp huyện Văn Bàn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lao Cai. Tổng diện tích đất tự nhiên 1.391,54 Km¬¬2. Huyện Văn Yên cách trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái 40 km về phía Bắc. Toàn huyện có 24 xã và 1 thị trấn, với 172 thôn, tổ dân phố.

Niềm vui thu hoạch vỏ quế của người Dao huyện Văn Yên (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái)

          Địa hình huyện Văn Yên tương đối phức tạp, đồi núi liên tiếp và cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc thuộc thung lũng sông Hồng kẹp giữa dãy núi cao là Con Voi và Púng Luông; Hệ thống sông ngòi dày đặc với các kiểu địa hình khác nhau: vùng núi cao hiểm trở, vùng đồi bát úp lượn sang nhấp nhô xen kẽ với các thung lũng và các cánh đồng phù sa nhỏ hẹp ven sông. Sự chênh lệch địa hình giữa các vùng trong huyện rất lớn, có đỉnh cao nhất 1.952 m, nơi thấp nhất là 20 m so với mặt nước biển.

          Cùng với vận động nhân dân tích cực đầu tư, mở rộng diện tích, khai thác phù hợp, huyện Văn Yên đã vận động nhân dân trồng quế theo vùng tập trung với các giống quế chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Huyện đặc biệt chú trọng xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu quế bằng việc xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế, tập trung vào các xã vùng cao nhằm bảo tồn nguồn gen quý của địa phương; đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ rừng trồng sản xuất; tổ chức tập huấn cho người dân cách trồng, chăm sóc, khai thác, bảo vệ quế đúng quy trình kỹ thuật; thành lập hội sản xuất và kinh doanh quế Văn Yên, Hiệp hội chế biến, kinh doanh tinh dầu quế để liên doanh, liên kết từ khâu trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm quếCấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở chế biến, thu mua và tiêu thụ sản phẩm từ vỏ, gỗ và cành, lá quế hoạt động. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn huyện có hàng trăm cơ sở thu mua, sơ chế sản phẩm vỏ quế với các sản phẩm quế được chế biến từ vỏ quế: Quế kẹp số 3, quế khâu, quế chẻ, quế bào ống điếu, quế khúc, quế thuốc lá, quế bột, các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế; Có 38 cơ sở sản xuất chưng cất tinh dầu quế (trong đó có 11 nhà máy với 12 dây chuyền sản xuất). Bên cạnh đó còn có 212 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giống quế, hàng năm gieo ươm từ 40 đến 50 triệu cây giống quế, cung ứng cho các địa phương trong và ngoài huyện.

          Được xác định là cây chủ lực trong phát triển kinh tế, hàng năm, huyện Văn Yên trồng mới và trồng vào diện tích đã khai thác từ 1.800 đến 2.000 ha quế. Nhờ đó, diện tích trồng quế trên địa bàn huyện không ngừng tăng qua các năm. Đến nay, cây quế đã phủ xanh ở cả 27 xã, thị trấn trên địa bàn huyện với tổng diện tích trên 40.000 ha, trong đó diện tích quế tập trung là 25.357 ha. Với diện tích đó, Văn Yên đã trở thành vùng chuyên canh quế hàng hóa lớn nhất cả nước. Trung bình mỗi năm, Văn Yên xuất ra thị trường trên 6.500 tấn vỏ quế khô, trên 65.000 tấn cành, lá quế, 300 tấn tinh dầu quế và 55.000 m3 gỗ quế, mang lại nguồn thu cho người dân trên địa bàn huyện mỗi năm khoảng trên 500 tỷ đồng. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây quế và hàng nghìn hộ đã xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, trên thực tế cây quế vẫn chưa phát huy hết giá trị, tiềm năng do các sản phẩm đưa ra thị trường mới ở dạng thô, giá trị thấp.

 

         

          Để nâng cao vị thế, giá trị cây quế, bên cạnh việc thu hút các cơ sở, doanh nghiệp chế biến tinh dầu, chế biến vỏ quế thành nhiều sản phẩm để xuất khẩu, huyện Văn Yên đang tiến tới phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ từ cây quế bằng những giải pháp, bước đi cụ thể như: Đào tạo nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế cho lao động các xã vùng trọng điểm quế; quảng bá, giới thiệu về cây quế và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế tại các hội chợ trong và ngoài huyện với hàng trăm sản phẩm được làm từ quế… Qua lớp đào tạo nghề, người dân có thể tiếp thu và chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế trở thành những vật dụng gắn với đời sống hàng ngày như: hộp đựng trà, đựng tăm, bộ ấm chén hoặc là các sản phẩm mô hình dùng để trưng bày, trang trí. So với các vật dụng khác, các sản phẩm  này  có mùi hương đặc trưng nên khách hàng rất ưa chuộng cuộc sống ổn định hay trở nên giàu có nhờ cây quế.

          Vượt qua những thăng trầm, biến động của cơ chế thị trường, cây quế Văn Yên vững vàng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện môi trường sinh thái. Quế đã trở thành cây kinh tế chủ lực của riêng Văn Yên và là một trong số những cây kinh tế chính tham gia vào thị trường nông - lâm sản xuất khẩu của tỉnh Yên Bái. Từ chỗ duy nhất chỉ là mặt hàng vỏ thô trước đây, đến nay, các sản phẩm từ quế đã được chế biến đa dạng và phong phú hơn với hàng chục mặt hàng. Thị trường tiêu thụ cũng vì thế mà không còn giới hạn ở trong tỉnh, trong nước, mà các sản phẩm của cây quế Văn Yên đã xuất khẩu ra thị trường thế giới: Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Băng La Đét, Ai Cập, Singapore, Mỹ, Anh, Hà Lan, được các khách hàng quốc tế ưa chuộng..

          Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Yên Bái xin giới thiệu tới Quý độc giả Chỉ thị số 06/CT-UB ngày 24 tháng 4 năm 1991 của Ủy ban nhân dân huyện Văn Yên về việc tăng cường công tác lãnh đạo và quản lý bảo vệ - quế xuất khẩu. Tài liệu thuộc Phông Ủy ban nhân dân huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái./.

Vũ Thị Minh Ngọc

0 lượt xem