Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Nghiên cứu trao đổi

Một số kết quả Tọa đàm khoa học “Hoạt động khoa học và công nghệ về lĩnh vực văn thư, lưu trữ - Định hướng và giải pháp”

05/09/2023 14:06:47 Xem cỡ chữ Google
Trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Lưu trữ Việt Nam, hoạt động khoa học và công nghệ luôn được Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và các cơ quan, tổ chức quan tâm, chú trọng. Hoạt động khoa học và công nghệ đã góp phần cung cấp cơ sở khoa học để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ; giải quyết các vấn đề thực tiễn trong quá trình thực hiện nghiệp vụ; đồng thời ứng dụng, chuyển giao thành tựu khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin nhằm đổi mới hoạt động nghiệp vụ văn thư, lưu trữ. Hoạt động khoa học và công nghệ về lĩnh vực văn thư, lưu trữ được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, từ các dự án, đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở cho đến các hội thảo, tọa đàm khoa học.

Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Nguyễn Thị Nga phát biểu tại Tọa đàm.

       Để đánh giá hoạt động khoa học và công nghệ về lĩnh vực văn thư, lưu trữ trong thời gian qua, cũng như trao đổi, thảo luận về định hướng đến năm 2030, Trung tâm Khoa học kỹ thuật Văn thư - Lưu trữ tổ chức Tọa đàm khoa học “Hoạt động khoa học và công nghệ về lĩnh vực văn thư, lưu trữ - Định hướng và giải pháp” nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2013 - 18/5/2023). Bài viết xin tổng hợp các nội dung kết quả Tọa đàm khoa học trên.

       1. Kết quả hoạt động khoa học và công nghệ về lĩnh vực văn thư, lưu trữ

       Trong thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ đã được nhiều cơ quan quan tâm, chú trọng; góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và phát triển của ngành Lưu trữ Việt Nam. Hoạt động này luôn được thực hiện nghiêm túc, chất lượng, thiết thực với nhiều đề tài khoa học, dự án cấp Bộ; đề tài khoa học cấp cơ sở; hội thảo, tọa đàm khoa học trong nước và quốc tế; các chuyên đề... Các kết quả nghiên cứu là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về công tác văn thư, lưu trữ và thực hiện thống nhất nghiệp vụ văn thư, lưu trữ. Tại Tọa đàm, có 08 báo cáo tham luận, trong đó 06 báo cáo tham luận đã tổng kết các kết quả hoạt động khoa học và công nghệ về lĩnh vực văn thư, lưu trữ thời gian qua. Có thể kể đến một số kết quả, đó là:

       - Báo cáo tham luận của Trung tâm Khoa học kỹ thuật Văn thư - Lưu trữ đã điểm lại các kết quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trong thời gian qua1-2: Hiện nay, Cục đã có 100 công trình nghiên cứu khoa học được thực hiện qua nhiều hình thức: chương trình, dự án, đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở ở các lĩnh vực về quản lý nhà nước; các nội dung cơ bản của công tác văn thư đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế; các vấn đề nghiệp vụ lưu trữ (thu thập, bảo quản, xác định giá trị tài liệu...). Gần 50 chuyên đề nghiên cứu tập trung vào các nội dung: lập và quản lý hồ sơ điện tử; số hóa tài liệu, tạo lập và sử dụng văn bản điện tử; quản lý và truy cập tài liệu điện tử, chứng thực tài liệu lưu trữ số; quản lý tài liệu lưu trữ chuyên ngành; hoạt động dịch vụ lưu trữ; giải mật tài liệu lưu trữ tại cơ quan, tổ chức và Lưu trữ lịch sử... Và gần 50 hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học trong nước và hơn 10 hội thảo khoa học quốc tế đã được tổ chức. Đây là diễn đàn khoa học để cán bộ quản lý, các bộ nghiệp vụ, các nhà khoa học, các cơ sở đào tạo về lưu trữ, các đơn vị và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ lưu trữ... trao đổi thông tin, thảo luận và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, thực hiện nghiệp vụ văn thư, lưu trữ.

       Các kết quả nghiên cứu đã được Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước triển khai ứng dụng trong công tác quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ; ứng dụng công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ lưu trữ; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn thư, lưu trữ.

       - Báo cáo tham luận của TS. Cam Anh Tuấn 3, đại diện cho đơn vị đào tạo về lưu trữ đã tổng hợp trong 10 năm qua, Khoa đã đạt được một số thành tựu nhất định trong nghiên cứu khoa học về lĩnh vực văn thư, lưu trữ như:

       (1) Bài viết công bố có 143 bài viết trên các tạp chí chuyên ngành trong nước; 09 bài đăng trên tạp chí quốc tế; 112 bài viết tham gia các hội thảo trong nước; 23 bài tham gia hội thảo quốc tế.

       (2) Về sách chuyên khảo đã hoàn thành xuất bản 10 sách chuyên khảo, trong đó có 01 sách công bố quốc tế bằng tiếng Nhật (chuyên khảo tựa đề “Sự hình thành và phát triển của lưu trữ Việt Nam: Từ thời Nguyễn, Pháp thuộc, thời kỳ 1945 đến nay”).

       (3) Về đề tài nghiên cứu khoa học đã chủ trì thực hiện 20 đề tài khoa học liên quan đến lĩnh vực văn thư, lưu trữ và quản trị văn phòng, trong đó: 07 đề tài cấp đại học quốc gia, 13 đề tài cấp cơ sở.

       (4) Về hội thảo và tọa đàm khoa học đã tổ chức 03 hội thảo quốc tế; 02 hội thảo trong nước và 04 tọa đàm khoa học.

 

PGD.TS Vũ Thị Phụng phát biểu tại Tọa đàm.

 

       Các kết quả nghiên cứu khoa học về lĩnh vực văn thư, lưu trữ của Khoa đã bám sát các định hướng quan trọng của Nhà trường xác định cho giai đoạn 2010 - 2020, cụ thể là không ngừng nâng cao tính hàn lâm, học thuật, giữ vị trí tiên phong trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn; phục vụ tốt cho hoạt động đào tạo của Khoa và định hướng mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu.

       - Báo cáo tham luận của Cục Lưu trữ Văn phòng Trung Đảng đánh giá kết quả hoạt động khoa học và công nghệ4: Từ khi thành lập đến nay, cục đã chủ trì 53 đề tài, đề án nghiên cứu khoa học, trong đó có 18 đề tài, đề án cấp Ban Đảng và 35 đề tài, đề án khoa học cấp Văn phòng Trung ương Đảng. Cả 53 đề tài, đề án đều được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt yêu cầu trở lên, nhiều đề tài, đề án đạt loại khá, trong đó: có 08 đề án, đề án đạt loại xuất sắc. Các kết quả nghiên cứu này đã đạt được những kết quả quan trọng, giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn công tác văn thư, lưu trữ của Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội, từng bước góp phần vào việc hoàn chỉnh hệ thống lý luận, hệ thống pháp lý về công tác văn thư, lưu trữ ở Việt Nam.

       Ngoài ra, có một số báo cáo tham luận cũng tổng hợp kết quả và định hướng nghiên cứu về lĩnh vực văn thư, lưu trữ tại các cơ quan: Văn phòng Bộ Nội vụ, Học viện Hành chính Quốc gia...

       2. Một số vấn đề cần đẩy mạnh và định hướng nghiên cứu

       Để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành văn thư, lưu trữ đã được xác định trong “Quy hoạch ngành văn thư, lưu trữ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và phù hợp với bối cảnh xây dựng Chính phủ số và hội nhập quốc tế, báo cáo của PGS.TS. Vũ Thị Phụng (Hội Văn thư - Lưu trữ Việt Nam)có đưa ra một số vấn đề cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu:

       (i) Đẩy mạnh và cân bằng việc nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng: Để một ngành, một lĩnh vực có thể phát triển bền vững, cần có những nghiên cứu cơ bản (các vấn đề lý luận, lý thuyết) và nghiên cứu ứng dụng (áp dụng lý luận, lý thuyết để giải quyết vấn đề thực tiễn). Do đó, các cơ sở đào tạo về lĩnh vực văn thư, lưu trữ cần đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu cơ bản; các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ cần tập trung vào nghiên cứu ứng dụng.

       (ii) Đẩy mạnh nghiên cứu trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ:

       - Nghiên cứu, làm rõ và ban hành Bộ Từ điển giải thích các từ và thuật ngữ đã, đang và sẽ được sử dụng trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ. Đây là vấn đề hết sức cơ bản và quan trọng.

       - Nghiên cứu, làm rõ cơ sở khoa học để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ; hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân sự văn thư, lưu trữ từ trung ương đến địa phương để đáp ứng yêu cầu của công cuộc chuyển đổi số.

       - Nghiên cứu làm rõ lý luận, lý thuyết và phương pháp, quy trình nghiệp vụ về văn thư - lưu trữ điện tử; văn thư - lưu trữ số; lưu trữ cơ sở dữ liệu... để đáp ứng yêu cầu phát triển quốc gia số, chính phủ số.

       - Tiếp tục nghiên cứu lý thuyết và các biện pháp để vừa bảo quản an toàn, tổ chức khoa học, quảng bá, giới thiệu và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, vừa quản trị và hạn chế đến mức tối đa các rủi ro có thể xảy ra trong lĩnh vực lưu trữ.

       - Nghiên cứu bổ sung các vấn đề lý luận và thực tiễn cho vấn đề lưu trữ đối với các dạng tài liệu như: tài liệu khấu vấn, hồi ức, ký ức, nhật ký, ghi chép cá nhân... phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

       - Nghiên cứu các giải pháp để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực lưu trữ.

       - Nghiên cứu những thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ.

       (iii) Đẩy mạnh việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học về văn thư, lưu trữ vào thực tế: Các cơ quan chức năng cần tiến hành tổng kết, tổng luận các công trình nghiên cứu về văn thư, lưu trữ để tổng hợp, đánh giá và khẳng định những vấn đề nào đã được vận dụng vào thực tế; vấn đề nào đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn; vấn đề nào qua vận dụng vào thực tiễn cho thấy chưa phù hợp, cần tiếp tục nghiên cứu...

       Bên cạnh đó, hiện nay viện thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số càng đòi hỏi ngành Văn thư - Lưu trữ cần phải nỗ lực đổi mới, sáng tạo đi đầu trong công tác văn thư và bảo quản, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, các báo cáo đã tổng hợp, đề xuất một số định hướng nghiên cứu trong thời gian tới, đó là:

       (1)  Chuẩn hóa các thuật ngữ văn thư, lưu trữ.

       (2) Nghiên cứu, chuẩn hóa loại giấy cho một số hình thức văn bản quản lý nhà nước được bảo quản vĩnh viễn.

       (3) Nghiên cứu, chuẩn hóa quy trình quản lý hồ sơ điện tử (Lập hồ sơ điện tử và nộp lưu hồ sơ điện tử vào Lưu trữ cơ quan; sao, chứng thực tài liệu lưu trữ điện tử...).

       (4) Chuẩn hóa tiêu chuẩn nghiệp vụ lưu trữ tài liệu lưu trữ điện tử (thu thập tài liệu điện tử vào Lưu trữ lịch sử; hủy tài liệu điện tử; xác thực và bảo quản lâu dài tài liệu lưu trữ điện tử...).

       (5) Quản lý tài liệu lưu trữ tư; tài liệu lưu trữ quý, hiếm.

       (6) Nghiên cứu các vấn đề về nghiệp vụ lưu trữ: giải mật tài liệu lưu trữ; số hóa, bảo hiểm tài liệu lưu trữ; khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ...

       (7) Quản trị rủi ro trong công tác văn thư, lưu trữ điện tử; Lưu trữ dự phòng tài liệu lưu trữ.

        (8) Nghiên cứu các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực văn thư, lưu trữ trong bối cảnh Chuyển đổi số.

       (9) Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như: công nghiệp điện toán đám mây, IoT, AI, Big Data để làm nòng cốt thúc đẩy chuyển đổi số và tạo ra các sản phẩm, thiết bị thông minh ứng dụng trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ.

       (10) Đổi mới hoạt động thông tin khoa học và công nghệ, thông tin tư liệu thông qua việc bổ sung tư liệu điện tử; số hóa tư liệu; xây dựng cơ sở dữ liệu để hướng tới xây dựng thư viện điện tử...

       3. Một số giải pháp

       Để đảm bảo hiệu quả hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ về lĩnh vực văn thư, lưu trữ trong thời gian tới, các báo cáo đề xuất một số giải pháp, cụ thể là:

       (1) Giải pháp về phát triển khoa học và công nghệ: 

       - Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ để góp phần giải quyết các vấn đề về lý luận và đáp ứng yêu cầu thực tiễn cấp bách trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ tại các cơ quan theo hướng tập trung nghiên cứu các đề tài, đề án phục vụ xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ; vận dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

       - Xây dựng kế hoạch tổng thể về hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với từng giai đoạn, trong đó cần chú trọng nghiên cứu các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.

       (2) Giải pháp về tài chính

       - Căn cứ vào nhu cầu đăng ký nghiên cứu khoa học của các đơn vị; căn cứ số lượng, nội dung, yêu cầu các đề tài, đề án nghiên cứu khoa học, chuyên đề được các đơn vị đăng ký nghiên cứu, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bố trí kinh phí hàng năm để bảo đảm cho công tác nghiên cứu khoa học.

       - Các cơ quan, tổ chức cần tăng cường nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và huy động nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Đối với các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ then chốt, liên quan đến kỹ thuật, công nghệ và liên ngành cần được quan tâm, đầu tư kinh phí.

       (3) Giải pháp về nguồn nhân lực

       - Xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức làm nghiên cứu khoa học. Cần có một chiến lược dài hạn, quy mô và có tính toàn diện nhằm từng bước nâng cao chất lượng nghiên cứu. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm nghiên cứu khoa học và công nghệ cần được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghiên cứu hàng năm.

       - Cần huy động và tranh thủ các nguồn lực xã hội hóa, các nguồn lực khoa học công nghệ trong và ngoài nước... để triển khai các nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn của ngành. Cần triển khai biện pháp tích cực hợp tác trong nghiên cứu khoa học với các cơ quan quản lý nhà nước về lưu trữ như: Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, các cơ sở đào tạo về lưu trữ... Từ đó, các công trình nghiên cứu sẽ bám sát vào thực tiễn quản lý./.

 

Nguồn: Cục văn thư Lưu trữ Nhà nước

https://luutru.gov.vn/tin-nghien-cuu-trao-doi/mot-so-ket-qua-toa-dam-khoa-hoc-%E2%80%9Choat-dong-khoa-hoc-va-cong-nghe-ve-linh-vuc-van-thu-luu-tru-dinh-huong-va-giai-phap%E2%80%9D.htm

 

0 lượt xem