Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Nghiên cứu trao đổi

* Ứng dụng quy trình dán - vá tài liệu bằng máy Leafcasting

10/05/2024 10:35:06 Xem cỡ chữ Google
Nhằm áp dụng hiệu quả công nghệ Leafcasting* trong dán - vá tài liệu lưu trữ, Trung tâm Khoa học kỹ thuật Văn thư - Lưu trữ ứng dụng quy trình dán - vá tài liệu lưu trữ bằng máy Leafcasting đối với bột giấy bồi nền dạng tờ và bột giấy dạng vụn (từ kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp ứng dụng hiệu quả công nghệ Leafcasating trong công tác tu bổ tài liệu lưu trữ” năm 2023 và 2024).

         Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu kết quả ứng dụng quy trình dán - vá tài liệu bằng máy Leafcasting để bồi nền tài liệu giấy.

         1. Giới thiệu về công nghệ leafcasting

         Dán - vá tài liệu bằng máy leafcasting là một quy trình công nghệ bán tự động với nhiều thao tác cần sự tác động của con người. Do vậy, dán - vá tài liệu bằng máy Leafcasting không phải là quy trình công nghệ khép kín hoàn toàn bằng máy mà là một quy trình với nhiều thao tác và nhiều thiết bị phụ trợ khác nhau so với dán - vá thủ công (hoàn toàn không có sự tác động của máy móc). Điểm khác biệt của công nghệ này là không cần phải bồi nền lại tài liệu.

         Dán - vá tài liệu bằng máy Leafcasting là phương pháp dán - vá tài liệu bị rách, thủng lỗ bằng cách sử dụng thiết bị lọc hút dung dịch bột giấy qua phẩn rách, thủng của tài liệu. Sử dụng công nghệ lọc tự động lấp đầy bột giấy vào các vết thủng. Trong quá trình dán - vá, máy leafcasting sử dụng lực hút chân không để nâng cao hiệu quả lọc, hút (rút ngắn thời gian thực hiện lọc). Sau khi lọc, hút, bột giấy mới sẽ kết dính với tài liệu gốc nhằm tạo ra trang giấy đồng nhất và chắc chắn.

         Dán - vá tài liệu bằng máy leafcasting sử dụng bột giấy có màu sắc tương đồng với tài liệu gốc để thực hiện dán - vá. Căn cứ vào tình trạng của tài liệu lưu trữ mà người làm công tác tu bổ sẽ quyết định dán - vá bằng phương pháp thủ công hay áp dụng công nghệ leafcasting. Dù dán - vá tài liệu bằng phương pháp nào thì cũng phải tuân thủ các nguyên tắc, yêu cầu của quy trình tu bổ tài liệu.

         Cùng với máy leafcating, chúng tôi còn sử dụng các máy móc, thiết bị hỗ trợ khác trong quá trình dán-vá tài liệu như:

       - Máy ép thủy lực.

       - Máy tính có cài phần mềm PageSizer để tính toán lượng bột giấy.

       - Máy ảnh kỹ thuật số để chụp ảnh tài liệu.

       - Máy đo độ dày dùng đo độ dày của tài liệu và độ dày của mẫu bột giấy.

       - Cân tiểu ly.

       - Đèn soi tia cực tím.

       - Máy xay bột giấy.

       - Các tấm lưới nhựa, giấy polyester, giấy thấm, hồ CMC, bột giấy…

         2. Quy trình dán - vá tài liệu lưu trữ bằng máy Leafcasting đối với bột giấy bồi nền

       Để thực hiện dán - vá tài liệu lưu trữ bằng máy Leafcating đối với bột giấy bồi nền, chúng tôi tiến hành các bước sau:

       Bước 1. Lựa chọn tài liệu cần dán - vá

         - Tài liệu được lựa chọn để thực hiện gồm: giấy công nghiệp pha pơluya, giấy công nghiệp, giấy dó, giấy pơluya.

         - Kiểm tra từng tờ tài liệu đã lựa chọn để dán - vá: Tài liệu có vết thủng, rách (côn trùng cắn, rách mép, vết ghim gỉ…); tình trạng vật lý của tài liệu còn tốt (không mủn, còn độ dai, có thể ngâm vào nước); tài liệu không bị phai mực, phai dấu; Chất liệu không phải là giấy can, giấy in phun mặt bóng…

          Bước 2. Xác định tình trạng ban đầu của tài liệu như: Độ dày; kích thước của tài liệu; kích thước các vết thủng, rách và xác định độ hoà tan của mực.

         - Đo độ pH của tài liệu.

          Bước 3. Vệ sinh, làm phẳng tài liệu

          Bước 4. Kiểm tra và chuẩn bị các thiết bị, vật tư: Kiểm tra phần mềm tính toán  lượng bột giấy; nguồn cung cấp nước; khả năng vận hành của máy bơm và các van; hồ để dán - vá, các loại mặt nạ dùng cho số lượng tài liệu cần làm một mẻ, giấy polyester, giấy thấm…

         Bước 5Tạo mẫu bột giấy

       - Cân 20gram bột giấy pha với 5l nước cất ngâm khoảng 08 - 12 tiếng tùy theo điều kiện nhiệt độ của thời tiết sau đó xay nhuyễn các sơ sợi. Lấy 100ml dung dịch đã xay đổ vào khung tạo mẫu bột.

 

         Bước 6Tính lượng bột giấy cần sử dụng

         a) Lựa chọn tài liệu cần dán - vá cho một mẻ là những tài liệu có cùng độ dày và cùng màu.

         b) Đo các thông số kỹ thuật của tài liệu và mẫu bột giấy

         - Đo độ dày của mẫu bột giấy (đo nhiều điểm để lấy giá trị trung bình);

         - Đo độ dày của tài liệu gốc.

         c) Chụp ảnh tài liệu

         - Lựa chọn tài liệu cần bồi trong một mẻ (từ 02 - 08 tờ tài liệu có cùng độ dày, màu sắc, khoảng rách cần vá);      

          - Sắp xếp tài liệu cần bồi trong một lần trên tấm thảm màu đen;

         - Chụp ảnh tài liệu vừa sắp xếp (máy ảnh đặt song song với bề mặt của tài liệu);

Hình 5: Đo độ dày của mẫu bột giấy

         - Nhập dữ liệu ảnh đã chụp vào máy tính, lưu file ảnh mới;

         - Xác định các thông số dài, rộng của tài liệu bằng Phần mềm photoshop theo các bước.

Hình 6: Kết quả số lượng bột giấy máy tính tính

         Bước 7. Dán - vá tài liệu bằng máy Leafcasting

         - Chuẩn bị nguyên vật liệu gồm: Hồ dán; lượng bột giấy theo kết quả tính toán; bàn gia cố đã trải sẵn các giấy thấm, giấy polyester để ép phẳng tài liệu; căn cứ kích thước của mặt nạ đã nhập vào phần mềm, tạo kích thước của khung máy như đã nhập vào máy tính.

         - Sắp xếp tài liệu vào máy.

         - Thực hiện dán - vá tài liệu.

Hình 7: Một số hình ảnh trong khi thực hiện dán - vá tài liệu

         Bước 8. Ép phẳng tài liệu

         - Xếp tài liệu theo thứ tự gồm các lớp: 02 lớp giấy thấm, giấy polyester, giấy có tài liệu, giấy polyester, 02 lớp giấy thấm;

         - Sau khi ép từ 24 - 48h, dỡ tài liệu.

         Bước 9. Phơi khô và cắt xén tài liệu

         - Phơi khô tài liệu;

         - Cắt xén tài liệu.

         Sau khi dán - vá các dạng tài liệu khác nhau bằng máy leafcasting đối với bột giấy bồi nền dạng vụn và dạng tờ, kết quả thu được như sau:

         - Tài liệu là chất liệu giấy công nghiệp pha pơluy, giấy pơluya, giấy dó đều kết dính tốt với bột giấy bồi nền.

         - Miếng vá phẳng, đẹp và không dày hơn so với tài liệu gốc.

         Một số hình ảnh tài liệu trước và sau khi dán - vá

Hình 8: Giấy công nghiệp pha pơluya trước dán vá và sau dán vá
Hình 9: Giấy công nghiệp trước dán vá và sau dán vá
Hình 10: Giấy pơluya trước dán vá và sau dán vá
Hình 11: Giấy dó trước dán vá và sau dán vá

               3. So sánh dán - vá tài liệu bằng máy Leafcasting với bồi nền tài liệu thủ công

STT

Dán - vá bằng máy leafcasting

Bồi nền tài liệu thủ công

1

Loại tài liệu

 

 

- Dán – vá tài liệu có tình  trạng vật lý tốt;

- Không thực hiện dán - vá đối với tài liệu bị mủn, nát, tài liệu mờ hoặc phai mực, tài liệu không phải là giấy can, giấy in phun mặt bóng.

Thực hiện bồi nền đối với tất cả các loại tài liệu

2

Chất lượng

 

 

- Tài liệu kết dính với bột giấy;

- Khả năng phồng, rộp tài liệu: Không;

- Tài liệu không bị mờ sau khi dán - vá nên có thể thực hiện số hoá tài liệu trước hoặc sau khi dán - vá;

- Độ pH của tài liệu có thể giữ nguyên hoặc giảm, vì quá trình dán - vá tài liệu được ngâm trong nước.

- Tài liệu kết dính với giấy dó;

- Khả năng phồng, rộp tài liệu: Có;

- Thực hiện số hoá tài liệu trước khi bồi nền, vì tài liệu sau khi bồi nền có hiện tượng bị bóng;

- Độ pH của tài liệu không thay đổi.

3

Thẩm mĩ

 

 

- Tài liệu phẳng, đẹp;

- Có thể lựa chọn hoặc pha màu bột giấy tương thích với tài liệu.

- Tài liệu phẳng, đẹp;

- Chỉ có 1 loại giấy và 1 màu.

4

Nguyên liệu (bột giấy)

 

 

Thực hiện dán – vá cả tài liệu 1 mặt và tài liệu 2 mặt.

- Chỉ dán – vá đối với tài liệu 01 mặt, còn tài liệu 2 mặt sử dụng giấy dó nhập khẩu từ Nhật Bản;

- Giấy dó 1 mặt sản xuất trong nước;

- Giấy dó 2 mặt nhập khẩu từ Nhật Bản.

5

Kinh phí

 

 

- 01 kg bột giấy bồi nền dạng vụn có thể dán - vá được khoảng 1.800 tờ tài liệu (giá thành dán - vá 01 tờ tài liệu khoảng 2.100đ)**;

- 01 kg bột giấy bồi nền dạng tờ dán - vá khoảng 1.800 tờ tài liệu (giá thành dán - vá 01 tờ  tài liệu khoảng 4.700đ).

01 tờ giấy dó 1 mặt khổ 40*60cm giá thành khoảng 12.500đ (giá thành bồi nền 01 tờ tài liệu khoảng 6.700đ).

6

Nhân lực

 

 

- Một số thao tác cần 02 người thực hiện;

-  Chưa có định mức cụ thể. Qua quá  trình thử nghiệm dán - vá 01 ngày 02 viên chức có thể thực hiện từ 60-100 tờ tài liệu khổ A4.

 

- Tất cả các bước 01 viên chức có thể thực hiện;

- Đã có định mức theo Thông tư 12/2014/TT-BNV ngày 28 tháng 10 năm 2014 của Bộ Nội vụ quy định định mức kinh tế - kỹ thuật bồi nền tài liệu giấy bằng phương pháp thủ công; 01 tờ tài liệu A4 mất 20p17s nên 01 ngày 01 người bồi nền khoảng 23 tờ tài liệu khổ A4.

7

Máy móc, trang thiết bị

 

 

Cần các loại máy móc như: máy tính, máy leafcasting, máy đo độ pH, đèn soi tia cực tím, máy ảnh, máy xay, thước đo độ dày của giấy.

Không cần máy móc hỗ trợ.

         4. Nhận xét, đánh giá

         Quá trình thực hiện quy trình dán - vá tài liệu bằng máy Leafcasting đối với bột giấy bồn nền dạng vụn và dạng tờ, chúng tôi có một số nhận xét như sau:

         4.1. Ưu điểm

         - Về chất lượng:

         + Vết thủng, rách của tài liệu kết dính tốt với bột giấy.

         + Tài liệu sau khi dán - vá bằng công nghệ Leafcasting khi số hóa không bị bóng, mờ như tài liệu dán - vá thủ công. Do đó, việc số hóa tài liệu có thể thực hiện trước hoặc sau khi dán - vá.

         + Dùng phần mềm PageSize để tính toán lượng bột giấy sử dụng bồi nền tài liệu. Phần mềm nạp hình ảnh từ nguồn dữ liệu hoặc từ file ảnh (có thông số như: độ dày của tài liệu, chiều dài và chiều rộng của tài liệu, độ dày của mẫu tài liệu) từ đó phần mềm đánh giá tự động, chính xác và nhanh chóng vùng giấy phải tạo ra trong quá trình bồi giấy và tính toán ra hỗn hợp thể tích bột giấy cần sử dụng cho mẻ tài liệu.

         - Về thẩm mĩ:

         + Sau khi dán - vá tài liệu bằng máy Leafcasting, bột giấy sẽ dính liền với các sợi giấy tại chỗ bị rách, thủng của tài liệu gốc nên tài liệu có tính thẩm mĩ cao.

         + Những vị trí rách, thủng của tài liệu không có chữ thì gần như không phân biệt được ranh giới giữa tài liệu gốc và bột giấy mới (nếu tài liệu và bột giấy cùng màu).

         - Về kinh phí:

         + Với 01 kg bột giấy bồi nền dạng vụn (khoảng 3.800.000đ) có thể thực hiện dán - vá khoảng 1.800 tờ tài liệu khổ A4; thấp hơn 2,5 lần so với bồi nền tài liệu thủ công bằng giấy dó được sản xuất tại Bắc Ninh với giá thành khoảng 12.500 đồng/1 tờ giấy dó khổ 40cm x 60 cm. Đối với tài liệu dán - vá thủ công, sẽ vá lên chỗ tài liệu bị rách chồng lên nhau khoảng từ 01 - 02mm (dán vá mặt không có chữ đối với tài liệu 01 mặt, còn tài liệu 02 mặt dán mặt có ít chữ). Để bảo đảm miếng vá được bền, người làm bồi nền thêm 01 lớp giấy dó lên tài liệu.  

         + Tài liệu sau khi dán - vá bột giấy chỉ lấp đầy lỗ thủng của tài liệu chứ không tác động lên toàn bộ tài liệu. Tài liệu không bị dày lên nên việc dán - vá sẽ tiết kiệm chi phí bảo quản hơn so với việc bồi nền tài liệu. Việc dán - vá tài liệu không làm tăng thêm bìa, hộp, giá bảo quản, không làm tăng diện tích kho lưu trữ…

         - Về nhân lực: Trong quá trình dán – vá, có một số thao tác cần 02 người mới thực hiện được như: bơm nước từ bể chứa lên mặt tài liệu phải giữ tấm chắn cho chắc tránh tài liệu bị bồng khi bơm nước và giữ tấm chắn cho đến khi đổ hỗn hợp bột giấy vào bể, nhấc tấm chắn lên khi bật van xả nước xuống bể chứa.

         Một mẻ có thể làm được từ 04 - 08 tờ tài liệu khổ A4. Một ngày 02 viên chức có thể dán - vá khoảng 60 - 100 tờ tài liệu khổ A4, trung bình 01 viên chức dán - vá khoảng 30 - 50 tờ tài liệu khổ A4, nhanh hơn từ 1,3 - 2,2 lần so với bồi nền thủ công.

         4.2. Hạn chế

         - Không thực hiện được việc dán - vá bằng máy Leafcasting đối với tài liệu lưu trữ: có hiện tượng mủn, giòn, mỏng, phai mực; là giấy can và giấy in phun mặt bóng.

         - Một số bước cần có 02 người mới thực hiện được.

         - Không chủ động được nguồn bột giấy vì bột giấy nhập khẩu từ nước ngoài.

         - Hiện chỉ có 02 màu bột giấy bột nền dạng vụn nên khó khăn trong việc lựa chọn màu giấy tương thích với tài liệu cần thực hiện dán - vá.

         5. Một số đề xuất

         - Ứng dụng rộng rãi việc dán - vá tài liệu lưu trữ bằng máy Leafcasting đối với tài liệu là: giấy dó, giấy công nghiệp, giấy pơluya, giấy giang… bị thủng, rách. Không sử dụng đối với tài liệu có tình trạng mủn, giòn, giấy can.

         - Nghiên cứu, pha chế để tạo ra các màu của bột giấy tương ứng về màu sắc với tài liệu lưu trữ./.

         Chú thích:

         * Công nghệ dán, vá tài liệu bằng máy.
         ** Mức giá thời điểm năm 2023.

Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước

https://luutru.gov.vn/tin-nghien-cuu-trao-doi/ung-dung-quy-trinh-dan-va-tai-lieu-bang-may-leafcasting.htm

 

 

0 lượt xem