Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Công bố - Giới thiệu

Sự ra đời của Trung tâm giúp tư vấn pháp luật miễn phí tại tỉnh Yên Bái

07/03/2023 10:00:15 Xem cỡ chữ Google
            Để thực hiện nguyên tắc Hiến định “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” và mục tiêu “thực hiện tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân”, “vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Tại văn bản số 485/CV-VPTW ngày 31/5/1995 của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo: “... Cần phải mở rộng loại hình tư vấn pháp luật phổ thông, đáp ứng nhu cầu rộng rãi, đa dạng của các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần nâng cao ý thức pháp luật và ứng xử pháp luật của công dân trong quan hệ đời sống hàng ngày...; cần nghiên cứu lập hệ thống dịch vụ tư vấn pháp luật không lấy tiền để hướng dẫn nhân dân sống và làm việc theo pháp luật”. Chỉ đạo này đã đặt dấu ấn quan trọng cho quá trình chuyển biến sâu sắc, mạnh mẽ và toàn diện trong nhận thức và hoạt động của đời sống pháp luật, tạo tiền đề chính trị và nhận thức cho sự ra đời và phát triển của công tác trợ giúp pháp lý.

            Trợ giúp pháp lý là việc giúp đỡ pháp lý (tư vấn pháp luật, hòa giải, đại diện, bào chữa, kiến nghị) miễn phí của Nhà nước và xã hội cho người nghèo và người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật nhằm giải toả vướng mắc pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật để họ tự mình biết cách ứng xử phù hợp với pháp luật, thực hiện pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công bằng xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

            Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) đã chủ động nghiên cứu, triển khai thí điểm thành lập các Trung tâm Trợ giúp pháp lý của nhà nước tại Cần Thơ (7/1996) và Hà Tây (01/1997). Việc thí điểm triển khai trợ giúp pháp lý ở 02 địa phương cho thấy, nhân dân địa phương đón nhận hoạt động này như một chính sách xã hội rộng lớn của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở kết quả thí điểm, nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý của các nước trên thế giới, Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức Chính phủ đã hoàn thiện Đề án về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý và báo cáo xin ý kiến Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc đối với việc thành lập hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý ở Việt Nam. Hoạt động trợ gúp pháp lý không chỉ dừng lại trong lĩnh vực tư vấn pháp luật như nghiên cứu ban đầu mà bao gồm cả tư vấn pháp luật, đại diện, bào chữa và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự trước cơ quan tiến hành tố tụng.

            Tại kỳ họp lần thứ 3 (1997), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tiếp tục khẳng định cần “tổ chức hình thức tư vấn pháp luật cho các cơ quan, tổ chức và nhân dân, tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí…”   

            Ngày 06/9/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 734/TTg về việc thành lập hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách, thành lập Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp. Cục Trợ giúp pháp lý vừa có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, vừa trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý trong trường hợp cần thiết. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm Trợ giúp pháp lý trực thuộc Sở Tư pháp được thành lập.

            Ngày 08/6/1998, Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 312/1998/QĐ.UB về việc thành lập Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tại tỉnh Yên Bái để trợ giúp pháp lý miễn phí cho cho các đối tượng người nghèo; người có công với cách mạng; người dân tộc; trẻ em…

 

Quyết định số 312/1998/QĐ.UB về việc thành lập Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh Yên Bái

           

            Sau gần 30 năm thực hiện Quyết định số 734/TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác trợ giúp pháp lý trên cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng do ngày càng được kiện toàn về tổ chức đến tận cơ sở và năng lực được tăng cường. Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Yên Bái đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong việc giúp đỡ pháp lý cho đông đảo người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng khác, làm tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước./.

 

BT - Đặng Hương

 

 

0 lượt xem