Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Công bố - Giới thiệu

Vận động đồng bào dân tộc xóa bỏ trồng được cây thuốc phiện, xây dựng đời sống ấm no trên vùng đất vùng cao huyện Mù Cang Chải.

13/12/2023 08:06:47 Xem cỡ chữ Google
Vào những năm 80 của thế kỷ XX, Yên Bái là một trong 8 tỉnh phía Bắc có diện tích trồng cây thuốc phiện lớn, khoảng 1.000 ha được trồng hầu hết ở các xã thuộc các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một số xã vùng cao của huyện Văn Chấn, Trấn Yên, với mục đích lấy nhựa làm dược liệu và xuất khẩu.

Ảnh trên báo điện tử Công an nhân dân

            Huyện Mù Cang Chải có 13 xã và 1 thị trấn, trong đó người Mông chiếm khoảng 91%, còn lại là các dân tộc Thái, Kinh, Tày, Mường... Những năm chín mươi của thế kỷ trước, cuộc sống ở nơi đây vẫn còn mang nặng những phong tục, tập quán lạc hậu và cổ hủ như: đẻ dày, đẻ nhiều, ma chay, cưới xin thường để dài ngày, mổ nhiều trâu, bò gây tốn kém tiền bạc, của cải, mất vệ sinh. Ngoài ra, bà con còn chặt phá rừng để lấy đất trồng lúa nương, tam giác mạch, kê tím, ngô, khoai… Mỗi năm, bà con chỉ gieo cấy một vụ, việc chăm bón chưa được quan tâm nên năng suất cây trồng thường đạt rất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Vụ đông, bà con gieo trồng cây thuốc phiện để chích quả lấy nhựa dùng trao đổi tiền bạc, hàng hóa, lương thực, mắm muối và dùng làm thuốc chữa bệnh thông thường như nhức đầu, sổ mũi, giảm nhức mỏi. Vì thế nên cây thuốc phiện đã nở hoa khắp các bản người Mông.

            Những xã gieo trồng ít thì từ 30 đến 40 ha, còn những địa phương có đất thổ nhưỡng tốt thì gieo trồng tới 70 - 80 ha, thâm chí còn có những địa phương còn trồng lên đến gần 100 ha như các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Nậm Có... Hậu quả là nhiều gia đình có từ 1 đến 2 người nghiện, thậm chí có những gia đình có tới 3 - 4 người nghiện. Người nghiện thường làm việc kém hiệu quả, năng suất lao động thấp, thời gian chơi thì nhiều, làm việc thì ít, đói nghèo xảy ra triền miên, thiếu gạo ăn từ 3 đến 5 tháng/năm.

            Trước thực trạng đó, cấp uỷ, chính quyền huyện Mù Cang Chải đã đưa ra nhiều giải pháp về xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh, tăng vụ, tuyên truyền, vận động toàn dân thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc xóa bỏ hoàn toàn cây thuốc phiện trên địa bàn... Nhiều người dân đã phản đối vì rét ở đây thường kéo dài, bà con sợ cây lúa không lên nổi, uổng công làm. Nhưng với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, lãnh đạo huyện, lãnh đạo các xã đã đến tận thôn, bản họp dân, kiên trì tuyên truyền, vận động và phân tích cho dân hiểu về lợi ích lâu dài của việc thực hiện các giải pháp này.    

            Để giải quyết cơ bản và bền vững tình hình tái trồng cây thuốc phiện, trong những năm qua, Yên Bái đã ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế vùng cao và các xã đặc biệt khó khăn, tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng, định canh, định cư, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó, việc gieo trồng lúa nước vụ đông xuân được triển khai thực hiện sâu rộng đến tất cả các xã, thị trấn trong toàn huyện và việc gieo trồng cây thuốc phiện đã được xóa bỏ hoàn toàn.

 

   

            Trung tâm Lưu trữ Lịch sử tỉnh Yên Bái xin giới thiệu tới Qúy độc giả Kế hoạch số 07/KH-UB, ngày 14 tháng 9 năm 1993 của Uỷ ban nhân dân huyện Mù cang Chải về triển khai cuộc vận động bỏ trồng thuốc phiện vụ đông xuân 1993 -1994. Tài liệu thuộc Phông Uỷ ban nhân dân huyện Mù cang Chải, hiện đang được lưu trữ và bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ lịch tỉnh Yên Bái, trân trọng kính mời độc giả đến khai thác./.

                                                                                              

Vũ Thị Minh Ngọc

 

0 lượt xem