Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tiếp sức cho hộ cận nghèo

30/08/2013 14:44:30 Xem cỡ chữ

Giúp các hộ cận nghèo có cơ hội phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững, ngày 16/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2003/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ cận nghèo.

Được vay vốn ưu đãi, nhiều hộ cận nghèo đã đầu tư phát triển lâm nghiệp ổn định cuộc sống.

Đây là một quyết định có ý nghĩa lớn đối với trên 10.000 hộ cận nghèo trong toàn tỉnh Yên Bái cũng như các hộ cận nghèo trong cả nước. Được vay vốn ưu đãi, các hộ này sẽ có vốn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế.

Chính sách hợp lòng dân

Vừa được vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 30 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo, anh Lê Ngọc Phương ở thôn 3, xã Văn Lãng (Yên Bình) rất vui mừng, phấn khởi. Trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống của hai vợ chồng và hai đứa con rất bấp bênh, bữa no, bữa đói. Nhà không có ruộng, thu nhập chủ yếu từ công việc đi làm thuê nay đây mai đó, không ổn định. Bằng nỗ lực và sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, đặc biệt là được vay nguồn vốn hộ nghèo nên gia đình anh đã thoát nghèo vào năm 2012.

Xét theo tiêu chí thì gia đình đã thoát nghèo nhưng cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn. Để thoát nghèo bền vững, gia đình anh muốn tiếp tục được vay thêm nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế nhưng lại không thuộc đối tượng nào, trong khi vay vốn ngân hàng thương mại thì phải có thế chấp, lãi suất cao. Đúng lúc đó, tháng 4 năm 2013, Nhà nước có chính sách cho các hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi.

Được xã tuyên truyền các hộ cận nghèo sẽ được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, đây thực sự là niềm vui đối với các hộ gia đình như chúng tôi. Gia đình đã làm các thủ tục và được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 30 triệu đồng. Với số vốn vay này, tôi đầu tư nuôi lợn và làm xưởng mộc, hy vọng cuộc sống sẽ đỡ vất vả - anh Lê Ngọc Phương chia sẻ. Cũng như anh Phương, gia đình ông Hà Văn Bình và bà Hoàng Thị Kim ở thôn Hà Thịnh, xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) trước đây là hộ nghèo.

Sau khi đã được công nhận thoát nghèo nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn, nhà có 4 khẩu, hai vợ chồng không có việc làm, nuôi hai con học chuyên nghiệp. Sau khi có chính sách cho hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi, ông đã được vay 25 triệu đồng. Với số vốn đó, gia đình đầu tư trồng 0,5ha chè, mua thức ăn chăn nuôi cho hơn chục con lợn thịt và đầu tư nuôi 100 con gà thả vườn.

Thực tế, hộ cận nghèo là những hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng/người/tháng trở lên (chênh lệch mức sống giữa hộ nghèo và cận nghèo chỉ cách nhau 1.000 đồng). Những đối tượng này không có tiềm lực về kinh tế, thiếu vốn và tư liệu sản xuất nên họ mới chỉ đủ điều kiện thoát nghèo, nếu có những biến động nhỏ về kinh tế hay gia đình có người đau ốm là lại ngay lập tức tái nghèo. Đó cũng chính là lý do mà tỷ lệ hộ cận nghèo bị tái nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái luôn khá cao.

Bởi vậy, chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo đã đáp ứng kịp thời nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo người dân, tiếp thêm động lực mới để họ vươn lên phát triển kinh tế, thoát khỏi nguy cơ tái nghèo.

Với 25 triệu đồng được vay, gia đình bà Hoàng Thị Kim đầu tư trồng chè, nuôi lợn và nuôi gà.

Cơ hội thoát nghèo bền vững

Ông Hoàng Đình Dũng - Chủ tịch UBND xã Văn Lãng (Yên Bình) cho hay: “Những năm qua, nhờ đồng vốn ưu đãi của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của địa phương nên tỷ lệ hộ nghèo của xã từ năm 2011 đến nay đã giảm từ 26,25% xuống còn 21%. Văn Lãng hiện có 46 hộ cận nghèo, đây là những hộ vừa mới vượt ra khỏi ngưỡng hộ nghèo nên cuộc sống còn vô vàn những khó khăn.

Tuy nhiên, những hộ thoát nghèo này chưa thực sự bền vững do ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo rất nhỏ. Khi được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, các hộ cận nghèo rất phấn khởi bởi chính sách này đã đáp ứng được nguyện vọng và đồng hành cùng họ trong việc ổn định cuộc sống, tạo cơ hội thoát nghèo bền vững”. Để nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, chính quyền các địa phương luôn chú trọng kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng nguồn vốn ở từng hộ gia đình. Điều đó không những giúp các hộ được vay vốn có phương án làm ăn hiệu quả mà địa phương còn có điều kiện đánh giá hiệu quả sử dụng đồng vốn vay.
Huyện Văn Chấn hiện có 2.530 hộ cận nghèo, trong đó 1.800 hộ có nhu cầu vay vốn. Tuy mới cho vay nhưng Văn Chấn đã có 493 hộ cận nghèo vay với số tiền 10 tỷ đồng. Qua kiểm tra, nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, các hộ đã đầu tư trồng 56ha rừng kinh tế, 35ha cây ăn quả, mua 180 con trâu và bò, 25 máy sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi hộ gia đình, đầu tư làm dịch vụ, bước đầu tạo việc làm cho một bộ phận lao động nông thôn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái có trên 17.000 hộ cận nghèo, trong đó trên 80% số hộ có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất. Đã hơn 4 tháng thực hiện Quyết định số 15/2003/QĐ-TTg, Yên Bái mới được phân bổ 50 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/8/2013, toàn tỉnh đã cho 1.749 hộ vay vốn với tổng số 40,096 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ được vay 23 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết: Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ cận nghèo sớm tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của cấp trên, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã rà soát danh sách hộ cận nghèo, đảm bảo chính sách ưu đãi sớm đến tay hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.Trong quá trình cho vay Ngân hàng phối hợp với các địa phương cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Còn những băn khoăn…

Đây là lần đầu tiên, các hộ cận nghèo được vay vốn với lãi suất ưu đãi - một cơ hội thuận lợi, tiếp sức cho các hộ vươn lên phát triển kinh tế bền vững. Hạn mức cho vay tối đa 30 triệu đồng/hộ, lãi suất 0,845%/tháng, tức 10,14%/năm, lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Hạn mức cho vay như vậy là thấp bởi với mức 30 triệu đồng, để các hộ chọn một hạng mục đầu tư thật sự hiệu quả trong nền kinh tế khó khăn như hiện nay quả rất khó khăn. Muốn đầu tư nuôi chục con lợn, tiền mua giống cũng mất hơn chục triệu đồng, chưa nói đến xây dựng chuồng trại, mua thức ăn.

Bên cạnh đó, lãi suất 0,845%/tháng, tương đương 10,14%/năm quá cao để đầu tư trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong chăn nuôi. Qua tìm hiểu, hầu hết các hộ cận nghèo đều mong muốn Chính phủ hạ mức lãi suất cho vay hộ cận nghèo xuống bằng lãi suất cho vay hộ nghèo hiện tại và hạn mức cho vay nâng lên 50 đến 70 triệu đồng/hộ. Có như thế, họ mới đủ điều kiện đầu tư sản xuất, cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Một thực tế nữa là khá nhiều hộ có nhu cầu vay vốn nhưng hiện tại, các hộ vẫn còn dư nợ từ các nguồn ưu đãi khác hoặc vay vốn hộ nghèo mà vẫn chưa trả hết nên không nằm trong diện được vay tiếp.

Để đồng vốn cho vay hộ cận nghèo phát huy hiệu quả, công tác định hướng việc làm, lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn cách thức làm kinh tế cho các hộ vay vốn rất quan trọng bởi nhiều hộ vay nhưng không biết đầu tư làm gì hoặc đầu tư tràn lan, theo kiểu phong trào, khó đạt hiệu quả.

Do đó, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương trong việc định hướng cách làm kinh tế phù hợp; tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, phát triển các mô hình kinh tế cho các hộ cận nghèo học tập và làm theo vô cùng ý nghĩa. Có như vậy, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ mới trở thành “cú hích”, giúp những hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống bền vững.

(Theo Báo Yên Bái)