Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái: Những người mẹ "viết trang đời mới" cho trẻ mồ côi

24/10/2023 10:38:00 Xem cỡ chữ
Những đứa trẻ mồ côi lắm nỗi thiệt thòi và những người phụ nữ ăm ắp tình thương yêu đã được kết nối với nhau bởi lòng nhân ái. Có những côi cút trẻ thơ được khỏa lấp, có những khốn khó cuộc đời được gạt bớt đi, có cả những trang đời mới được mở ra. Và những người phụ nữ ấy, cứ lặng lẽ, bình dị tô thắm vẻ đẹp của người phụ nữ Yên Bái - vẻ đẹp tỏa sáng từ lòng nhân ái.

Triệu Thị Trang (thứ 2, bên trái) có một gia đình luôn yêu thương em.

"VIẾT TRANG MỚI" CHO MỘT CUỘC ĐỜI

Là "viết trang mới” cho cuộc đời cô bé Triệu Thị Trang, nay đã là nữ sinh lớp 11 mà cô giáo Hà Thị Huyền - Trường THCS Cát Thịnh (Văn Chấn) nuôi dưỡng hơn mười năm qua. Nói vậy, cô giáo Huyền sẽ chẳng chịu nhận nói về mình như những điều lớn lao. Ngay cả chuyện là điển hình được tuyên dương tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Huyện ủy Văn Chấn tổ chức vừa qua, ban đầu cô giáo Huyền cũng vô cùng ngần ngại, bởi với chị thì: "Thấy đó là việc làm bình dị như bao người khác”. 

Phải bằng cả sự động viên, mong muốn quá đỗi chân thành của Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Chấn Trịnh Xuân Thành - người cũng từng gắn bó với việc dạy học ở vùng cao nhiều năm, rằng "Cô giáo nên chia sẻ để những việc làm nhân văn, bình dị và cao quý được lan toả trong cộng đồng, để xã hội ta, dân tộc ta là một rừng hoa đẹp như Bác Hồ căn dặn”, cô Huyền mới nhận lời chia sẻ câu chuyện, việc làm của mình.

Giây phút sẻ chia về mối lương duyên trở thành "mẹ - con” của chị và bé Trang trong mười mấy năm qua, có những giọt nước mắt không ngăn nổi lặng lẽ chảy từ khóe mắt của người phụ nữ mà vẻ hiền hậu cũng rõ nét từ ánh mắt, nụ cười khi chị nhắc lại buổi đầu bắt gặp hình ảnh của bé Trang. 

Lời nói nhỏ nhẹ của cô giáo vóc dáng nhỏ nhắn mà trái tim nhân hậu không hề nhỏ bé hẳn đã chạm đến lòng trắc ẩn của không ít người, để rồi có những chùng lặng có thật giữa hội trường hơn 200 người trong buổi lễ tuyên dương. 

14 năm trước - năm 2009, chị Huyền ra trường, là giáo viên mới của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã An Lương (Văn Chấn). An Lương ngày ấy chưa có điện lưới, là nơi từng được biết đến với ngày ngày nhiều trẻ em phải kéo mảng tre vượt suối Thia, vượt núi băng rừng để đến lớp. 

Nơi đây, con em đồng bào Tày, Dao, Mông ở các bản xa được nhà trường nuôi dạy bán trú, bố mẹ thường đón con chiều thứ Sáu, đưa đến trường sáng sớm thứ Hai hoặc chiều Chủ nhật. Những ngày nghỉ cuối tuần, đường núi rất khó đi, nhất là khi mưa lũ, cô Huyền thường ở lại trường dạy hát, dạy múa cho học sinh. Nghe tiếng nhạc, tiếng hát, các cháu nhỏ ở gần trường thường tìm đến xem. 

"Năm 2013, trong số các cháu nhỏ thường xuyên đến tập múa, hát, có một bé gái thân hình bé nhỏ, gầy gò, tiếng phổ thông cũng không nói sõi nhưng đôi mắt rất sáng luôn đến sớm và về sau cùng, không có ai đưa đón. Cô bé khiến tôi có sự quan tâm đặc biệt” - hình ảnh của bé Trang những buổi đầu gặp gỡ năm xưa mãi là điều cô Huyền không bao giờ quên được. 

Năm ấy, bé Trang 7 tuổi mà vóc dáng quá bé nhỏ so với cái tuổi lên 7; đâu đó nét tội nghiệp cứ hiện hữu nơi cô bé như những điều thôi thúc cô giáo Huyền muốn hiểu hơn những khó khăn của đứa trẻ người Dao này. 

Không biết mặt bố từ khi lọt lòng, Trang chỉ có người mẹ đau yếu, trí nhớ giảm sút, không được nhanh nhẹn. Hai mẹ con sống trong căn nhà dựng tạm liêu xiêu ven con suối Thia ở bản Tặng Chan. Ngần đó khốn khó của đứa trẻ lên 7 khiến cô giáo vốn sẵn lòng trắc ẩn không thể không làm gì đó. 

Nấu những bữa ăn, mua những tấm áo, chiếc quần ấm - bắt đầu từ những việc làm giản đơn như thế, để rồi ngày qua ngày, tháng qua tháng, càng làm cho sự gắn bó giữa hai cô cháu ngày một khăng khít. Bữa cơm thường ngày của cô Huyền cùng cô con gái ruột nơi khu tập thể giáo viên của nhà trường có thêm bé Trang, như một thành viên của gia đình. 

Ngay chính trong những năm tháng làm cô giáo vùng cao đó, cuộc sống của cô Huyền cũng nhiều lắm những vất vả, lo toan khi con còn nhỏ, chồng dạy học tận xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tới năm 2012 mới được chuyển công tác về Cát Thịnh. Nhưng chẳng vì những vất vả của bản thân mà cô Huyền "làm ngơ” trước một đứa trẻ nhiều nỗi thiệt thòi như bé Trang. 

Cô Huyền bảo rằng: "Tình cảm ấy với mình như một mối lương duyên nơi vùng sâu, vùng xa. Khi chia sẻ về hoàn cảnh của Trang, mình có ngay sự đồng cảm của chồng. Con nhỏ, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng hai vợ chồng cùng đồng lòng quyết định nhận Trang về làm con. Được sự đồng ý của mẹ đẻ cháu Trang cũng như chính quyền địa phương, năm 2014, gia đình mình chính thức nhận làm cha mẹ nuôi cháu Trang. Cũng năm đó, mình sinh cháu thứ 2 và cho cháu lớn về ở với chồng tại xã Cát Thịnh.

Ở An Lương lúc này mình có cháu Trang và cháu bé thứ hai”. 

Cuộc sống nơi vùng cao An Lương, bé Trang có mẹ Huyền bao bọc cho đến hết năm tiểu học. Mong muốn cho Trang có điều kiện học hành tốt hơn, vợ chồng chị Huyền đưa Trang ra học tại Trường THCS Cát Thịnh, ở cùng bố và em gái. Hai năm sau, chị được chuyển về dạy học tại Trường THCS Cát Thịnh, thuận tiện hơn trong việc chăm sóc, dạy dỗ cho 3 con. 

Cô bé Trang 7 tuổi còm cõi, tội nghiệp ngày gặp mẹ Huyền năm nào nay đã ra dáng thiếu nữ luôn được sống trọn vẹn trong tình thương yêu của gia đình. Hơn 10 năm qua từ ngày trở thành con của mẹ Huyền, bố Vượng, Trang đã có một gia đình thực sự, có bố mẹ, có các em, có sự ấm áp của yêu thương che chở, nuôi dưỡng lớn khôn. 

Nhà cách trường hơn cây số, mẹ Huyền mua xe đạp để Trang đi đến trường, những ngày mưa gió thì được bố mẹ đưa đón như bao đứa trẻ khác. Bố mẹ cũng là thầy cô kèm cặp bù đắp kiến thức, kỹ năng còn thiếu, nhất là sự tự tin để Trang vươn lên trong học tập.

"Trong gia đình, mình luôn đối xử công bằng với các con, nếu mua cho các con cái gì từ quần áo, đồ ăn, đồ chơi đến cái dây buộc tóc đều phải mua đủ cho cả 3 đứa, chưa bao giờ có ý nghĩ phân biệt con nuôi hay con đẻ. Hai vợ chồng dạy các con: "Chị Trang lớn nhất có nhiệm vụ bảo ban các em, các em thì phải nghe lời chị”.

Vợ chồng mình cũng luôn nhắc Trang phải nhớ về cội nguồn của mình, đưa con về thăm họ hàng. Bây giờ và sau này, dù có khó khăn thì cũng sẽ nuôi Trang khôn lớn, con học được đại học, cao đẳng thì sẽ cho con học tiếp. Mong muốn lớn nhất của vợ chồng mình là tất cả các con có cuộc sống tốt đẹp” - chị Huyền chia sẻ.

Bây giờ, trong căn nhà nhỏ giản đơn lắm ở thôn Khe Ba, xã Cát Thịnh, Trang luôn có một gia đình ăm ắp yêu thương ở bên để có thể ước mơ về một cuộc đời với tương lai tươi sáng. Anh Hoàng Anh Vượng - chồng chị Huyền bảo rằng: "Con lớn của gia đình đã gần đến tuổi học chuyên nghiệp, gia đình cứ gác lại việc làm nhà đã để có thể lo được chuyện học hành, tương lai của các con”. 

Đó có thể là cho ước mơ làm cô giáo giống như mẹ Huyền của Trang để Trang trở về quê hương dạy các em học sinh có thêm kiến thức trở thành người có ích cho xã hội. Bởi chính em cũng đã được nuôi dưỡng, dạy dỗ trưởng thành bởi cô giáo, người mẹ mà lòng biết ơn của em chẳng bao giờ nói hết được bằng lời. 

NHƯ MỘT NGƯỜI MẸ

Không gọi bằng mẹ nhưng với bé Đoàn Bảo Uyên, cô bé 6 tuổi, mồ côi ở thôn Tho, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn thì người Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Tâm - chị Đỗ Thị Chình chẳng khác gì người mẹ thứ 2.

Vắng bàn tay chăm sóc của mẹ từ lúc mới 9 tháng tuổi, cho đến nay, bé Uyên vẫn chưa một lần gặp mẹ khi mẹ em mất thông tin liên lạc với gia đình từ độ đó đến giờ. Năm Uyên 3 tuổi, bố lại bỏ em lại mà đi sau lần ngã suối trong lúc đi bắt cá mưu sinh. Bé Uyên ở cùng bà nội và cô từ độ đó. Cô của Uyên không có việc làm ổn định, bà nội ốm đau bệnh tật triền miên, gia đình thuộc diện hộ nghèo. 

Cuộc sống thiếu thốn từ vật chất tới tình cảm sớm hiện hữu trong cuộc đời bé. Thế nên những khát khao được yêu thương dường như lúc nào cũng thường trực trong lòng bé Uyên. Chị Chình còn nhớ mãi, có dịp trung thu, bé Uyên đứng xem người lớn bày cỗ, cứ đứng đó, tần ngần, khiến người ta tưởng bé muốn có kẹo, có bánh. Nhưng không, bé bảo với người lớn rằng: "Bác ơi, bác bế con một chút được không? Con không xin quà đâu”. 

Chị Đỗ Thị Chình và bé Đoàn Bảo Uyên. 


Câu nói từ đứa trẻ mới vài tuổi đầu khiến ai nấy đứng đó đều nuốt nước mắt vào trong. Ở quanh khu chợ Tho này, ai cũng biết hoàn cảnh của bé.

Vài năm trước, từ ngày bé Uyên lên 3, cái năm bố Uyên còn chưa mất, chị Chình gặp cô bé hay lang thang giữa trưa khu gần nhà chị. Thấy bé gái cứ tồi tội, chị Chình gọi hỏi thăm, rồi rõ hơn về hoàn cảnh của bé, chị quan tâm tới bé nhiều hơn từ bữa đó. Đến khi biết bé là trẻ mồ côi, chị Chình tự thấy càng chẳng thể nào không quan tâm tới bé gái đáng thương ấy. Không chỉ là những đôi giày dép, tấm áo cho Uyên, chị Chình lo cho bé mọi khoản chi phí học hành từ ngày bé đến trường mẫu giáo. 

Và suốt mấy năm qua, từ lớp mẫu giáo cho đến bây giờ, bé Uyên đã vào lớp 1, những chi phí học tập của bé Uyên vẫn là tự tay chị Chình đóng góp. Mỗi đầu năm học, chị Chình đều sắm sửa cho bé sách vở, quần áo để bé không bị thiệt thòi so với các bạn. "Cũng mong sao mình có thể giúp cuộc sống của bé bớt khó khăn phần nào để bé Uyên bớt thiệt thòi đôi chút” - chị Chình mong vậy. 

Để phần nào hỗ trợ bà và cô của bé chăm bé được tốt hơn, chị Chình giúp cô của Uyên học nghề may vá, sửa chữa quần áo, rồi cũng chính chị kết nối, giúp cô của Uyên có được chiếc máy khâu, nhận sửa quần áo, kiếm thu nhập. 

Chị Đỗ Thị Chình chia sẻ: "Sự quan tâm của mình tới bé Uyên trong suốt thời gian qua đều được chồng ủng hộ, động viên. Chẳng những vậy, cũng chính anh là người đã chia sẻ với vợ về hoàn cảnh của một bé gái khác, là Sùng Thị Sia - thôn Khe Nhao, năm nay đang học lớp 1 và mong muốn mình bảo trợ cho bé khi anh bắt gặp gia cảnh nghèo khó của gia đình bé”. 

Cũng từ năm nay, chị Chình còn quyết định bảo trợ thêm cháu Vũ Thị Lan, năm nay học lớp 4 cũng ở thôn Tính Luất. Hai bé Sia và Lan đều đã được chị tặng quà dịp đầu năm học vừa rồi. Chị tính, tới đây sẽ sắm cho bé Lan chiếc xe đạp để bé đến trường.

Không chỉ bảo trợ những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều năm qua, chị Chình trực tiếp có nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo và kết nối với các nhà hảo tâm thực hiện nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo trong cộng đồng, đặc biệt là quan tâm tới trẻ em. Với chị, "Nếu có thể giúp được người, giúp đời thì là việc nên làm. Ấy cũng là để dạy cho con mình về lòng nhân ái trong cuộc sống”.

LAN TỎA YÊU THƯƠNG

"Đã là trẻ mồ côi thì trẻ nào cũng có thiệt thòi. Bởi vậy, làm sao để tất cả 32 trẻ mồ côi trên địa bàn xã đều được nhận đỡ đầu từ Chương trình "Mẹ đỡ đầu” là điều mà Hội Phụ nữ xã đã và đang nỗ lực thực hiện” - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Văn Phú (thành phố Yên Bái) Bùi Thị Phượng chia sẻ.

Dịp 20/10 này, trong nhiều hoạt động kỷ niệm 93 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN xã Văn Phú có một phần việc rất ý nghĩa được thực hiện đó là trao hỗ trợ cho 8 trẻ mồ côi mà Hội tiếp tục nhận đỡ đầu. 


Chị Bùi Thị Phượng - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Văn Phú, thành phố Yên Bái thăm hỏi, động viên trẻ Hội Phụ nữ xã đỡ đầu. 

Vậy là từ tháng 5/2022 - khi Hội LHPN xã bắt đầu phát động triển khai Chương trình "Mẹ đỡ đầu” (hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động), 22 trẻ mồ côi ở Văn Phú đã được Hội LHPN xã vận động, kết nối đỡ đầu trong giai đoạn 5 năm liên tục, trong đó 7 chi hội phụ nữ thôn nhận đỡ đầu 7 trẻ từ nguồn hội viên trong chi hội đóng góp; Hội LHPN xã Văn Phú vận động được các nhà tài trợ hỗ trợ để đỡ đầu 14 trẻ; cá nhân Chủ tịch Hội LHPN xã nhận đỡ đầu 1 trẻ. 

Cùng với 2 trẻ được Hội Nữ doanh nhân tỉnh đỡ đầu, đến nay đã có 24 trẻ mồ côi ở xã được đỡ đầu với tổng nguồn lực vận động được khoảng 120 triệu. Hội LHPN xã đặt mục tiêu hết năm 2024, toàn bộ trẻ em mồ côi trên địa bàn đều được đỡ đầu. Đó hẳn là những kết quả và mục tiêu minh chứng cho sự nỗ lực hết mình của Hội LHPN xã Văn Phú cho một chương trình đầy ý nghĩa nhân văn.

Cũng bởi thấy rõ sự nhân văn ấy của Chương trình "Mẹ đỡ đầu” mà Chủ tịch Hội LHPN xã Bùi Thị Phượng luôn trăn trở làm thế nào để Hội có thể triển khai chương trình được hiệu quả với từng bước chắc chắn. 

Vận dụng sáng tạo những hướng dẫn từ Hội LHPN cấp trên và tham khảo từ các đơn vị trong hệ thống Hội, chị Phượng cùng Hội LHPN xã triển khai vận động các "mạnh thường quân”, các tổ chức đỡ đầu cho trẻ, trước mắt là trong giai đoạn 5 năm. 

Tháng 5/2022, Hội chính thức triển khai chương trình mẹ đỡ đầu tới toàn thể cán bộ hội viên trong xã, cam kết số trẻ do Hội LHPN xã đỡ đầu sẽ bằng số trẻ do các chi hội cấp thôn đỡ đầu. Xây dựng thư ngỏ kêu gọi sự đồng hành cùng Chương trình rồi trực tiếp chị Bùi Thị Phượng gặp gỡ các "Mạnh Thường Quân”, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đóng trên địa bàn để vận động đồng hành cùng Chương trình. Kết quả có được đến ngày hôm nay trong Chương trình "Mẹ đỡ đầu” của Hội LHPN xã Văn Phú, ngoài sự nỗ lực của cán bộ, hội viên nói chung có cả rất nhiều tâm huyết của Chủ tịch Hội "Để phần nào đó hỗ trợ, động viên những đứa trẻ nhiều thiệt thòi, trong những gia cảnh nhiều khó khăn” như chị chia sẻ.

Cô bé lớp 5 Nguyễn Anh Thư, nhà ở thôn Tuy Lộc là bé mà chị Bùi Thị Phượng trực tiếp nhận đỡ đầu. Thư là em gái trong nhà có 2 anh em, bố mất sớm, mình mẹ Thư bươn chải làm thuê làm mướn mưu sinh nuôi gia đình. Đỡ đầu Anh Thư, chị Phượng cũng có cả sự mong muốn mẹ Thư có thêm nguồn động viên, khích lệ để vươn lên thoát nghèo. 

Trong những phận trẻ mồ côi, chị Phượng bảo rằng: "Tội hơn có lẽ là những bé mồ côi mẹ. Như cô bé lớp 6 Nguyễn Trà My ở thôn Lưỡng Sơn còn có người chị tật nguyền nên bé My phải thêm cả việc chăm sóc chị. Bé Lê Khôi Nguyên nhà thôn Ngòi Sen, năm nay mới 3 tuổi bố đi làm xa, ở với bà hay bé Nguyễn Mai Anh ở thôn Văn Quỳ. Những bé đó, mình vẫn nói với chị em ở chi hội là cần có sự quan tâm nhiều hơn”.

"Các con phải tự tin với chính mình, vì trong những năm tới có mẹ đồng hành cùng các con” - chị Phượng từng nói với những em nhỏ được Hội đỡ đầu như vậy bởi với chị có thể bằng sự yêu thương, sẻ chia mà mang đến sự ấm áp làm vơi bớt những thiếu thốn, thiệt thòi về tinh thần, tình cảm cho những đứa trẻ mồ côi là điều vô cùng cần thiết và quan trọng bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất trong Chương trình "Mẹ đỡ đầu”. 

Có lẽ cũng bởi tình cảm đó mà nhiều em nhỏ đã gọi chị bằng tiếng "mẹ” thân thương. Đó thực sự là niềm hạnh phúc, là động lực để chị cùng Hội Phụ nữ xã tiếp tục nỗ lực để có thể làm được nhiều điều mong muốn trong hành trình lan tỏa yêu thương này. 

 

Theo Báo Yên Bái