Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động

28/10/2019 08:44:00 Xem cỡ chữ
Giai đoạn 2013 - 2018, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo được 90.758 người, bình quân 15.126 người/năm; mỗi năm toàn tỉnh đã hỗ trợ dạy nghề cho từ 5.000 - 6.000 lao động nông thôn theo Đề án 1956; giải quyết việc làm cho 110.204 lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, tăng cường đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp

Nhằm phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là nguồn nhân lực có tay nghề cao góp phần phát triển kinh tế tại tỉnh, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2020; phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch đào tạo nghề tỉnh Yên Bái đến năm 2020; ban hành một số chính sách phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái, giai đoạn 206 - 2020; phê duyệt đề án số 11 của Tỉnh ủy về xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ nhằm định hướng phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao và tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng của tỉnh.

Trong giai đoạn 2013 - 2018, mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được củng cố, sắp xếp lại nhằm thống nhất về đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đến cuối năm 2018, tỉnh Yên Bái có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 4 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 6 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (trong đó có 11 cơ sở công lập, 2 cơ sở ngoài công lập).

Hàng năm, các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức rà soát, xác định nhu cầu đào tạo nghề từ các xã, phường, thị trấn; căn cứ quy hoạch phát triển ngành, nghề và nhu cầu sử dụng lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động ở từng địa phương.

Giai đoạn 2013 - 2018, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo được 90.758 người, bình quân 15.126 người/năm; mỗi năm toàn tỉnh đã hỗ trợ dạy nghề cho từ 5.000 - 6.000 lao động nông thôn theo Đề án 1956.

Cũng trong giai đoạn 2013 - 2018, với việc thực hiện hiệu quả lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội gắn với giải quyết việc làm, tỉnh Yên Bái đã có 110.204 lao động được giải quyết việc làm, qua đó góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động …cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và cán bộ, công chức, nhân dân đối với công tác đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực có tay nghề cao, đưa chỉ tiêu, nhiệm vụ về đào tạo nhân lực có tay nghề cao vào Nghị quyết Đại hội Đảng và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm của tỉnh.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động trên các phương tiện thông tin truyền thông của tỉnh; tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực, quy hoạch phát triển đào tạo nghề của tỉnh đã được phê duyệt, chính sách thu hút nhân lực có trình độ cao trên địa bàn tỉnh.

Gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, tăng cường đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp. Đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh với các trường ngoài tỉnh, đặc biệt là liên kết đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tay nghề cao.

Nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho các trường; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động, chú trọng đào tạo nghề cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, đào tạo nghề cho lao động đi xuất khẩu.