Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ

28/10/2019 09:23:00 Xem cỡ chữ
Trong những năm qua, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ ở nước ta đã từng bước diễn ra theo hướng tích cực, phù hợp với xu hướng vận động phát triển của cơ cấu kinh tế.

Tăng cường công tác tuyên truyền đến người lao động nông thôn, nông nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về học nghề, lựa chọn nghề phù hợp để có cơ hội tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm sau đào tạo

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số vấn đề tồn tại như: chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ còn chậm; trình độ chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ lao động nói chung, lao động trong nông thôn, nông nghiệp nói riêng còn thấp; chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ chưa đưa đến năng suất lao động cao...

Vì vậy trong thời gian tới, để khắc phục những vấn đề trên cần phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trước hết, nâng cao trình độ học vấn phổ thông và trình độ chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ lao động, nhất là lao động nông thôn, nông nghiệp. Trong đó cần xây dựng chiến lược giáo dục đào tạo thống nhất trong cả nước với mục tiêu chất lượng làm đầu; thực hiện cải cách hệ thống các bậc học, như giáo dục đại học, đào tạo nghề, giáo dục phổ thông... Đối với bậc phổ thông, cần trang bị kiến thức cơ bản của tất cả các lĩnh vực để các em học sinh sau khi tốt nghiệp có hành trang bước vào cuộc sống. Đối với bậc đào tạo nghề, cao đẳng, đại học cần đi sâu vào chuyên môn nghiệp vụ; nội dung, chương trình đào tạo phải gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp và của nền kinh tế; chất lượng đào tạo ra phải phù hợp với nhu cầu sử dụng của xã hội; tăng cường công tác dự báo nhu cầu nhân lực. Thường xuyên điều tra, khảo sát thực trạng nguồn nhân lực ở tất cả các ngành, các cấp, địa phương trên cả nước; trên cơ sở đó, tính toán số lượng, cơ cấu ngành nghề nhằm đưa ra dự báo định hướng và hỗ trợ đào tạo, bảo đảm cân đối cung - cầu nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ lao động hiện có về cả chuyên môn, nghiệp vụ lẫn ngoại ngữ cũng như ý thức lao động. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực đào tạo, đưa doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác, trao đổi, liên doanh với nước ngoài trong giáo dục đào tạo.

Đối với lao động nông thôn, nông nghiệp, cần tăng cường công tác tuyên truyền đến người lao động nông thôn, nông nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về học nghề, lựa chọn nghề phù hợp để có cơ hội tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm sau đào tạo. Các cơ sở dạy nghề cần gắn đào tạo nghề với tạo việc làm và định hướng nghề nghiệ; tích cực liên kết với các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu lao động của họ, từ đó, định hướng nghề nghiệp cho người tham gia đào tạo; cấp chứng chỉ nghề nghiệp cho người học, tạo cơ sở pháp lý để lao động nông thôn, nông nghiệp có thêm cơ hội tìm việc làm sau khi học nghề; tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nghề phù hợp, linh hoạt, chủ yếu dạy thực hành và thực hiện tại nơi sản xuất. Ưu tiên đào tạo những ngành nghề có điều kiện tiếp cận công nghệ trên địa bàn khu vực nông thôn. Đào tạo nghề gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời làm tốt công tác khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động ở khu vực nông thôn, nông nghiệp.  

Triển khai nhóm giải pháp giảm việc làm nông nghiệp, gia tăng việc làm trong công nghiệp, dịch vụ. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, giải phóng lao động, tạo động lực để chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; tăng đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, từ đó làm thay đổi cơ cấu lao động toàn bộ nền kinh tế theo hướng tăng nhu cầu lao động phi nông nghiệp; phát triển mạnh khu vực công nghiệp, dịch vụ ở cả nông thôn và thành thị; tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ hướng về xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động phổ thông như: dệt may, giày da, chế biến, lắp ráp, chế biến nông, lâm, thủy sản, du lịch... Đây là những ngành vừa kéo lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, vừa giải quyết lao động dư thừa ở nông thôn hiện nay.

Đồng thời thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn, phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất; Khuyến khích, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn; Phát triển các hoạt động phi nông nghiệp ở nông thôn như: xây dựng, thương mại, dịch vụ sản xuất kinh doanh, du lịch... Đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đầu tư trực tiếp nước ngoài không chỉ đóng góp vào ngân sách, GDP mà còn thúc đẩy phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực như điện tử - viễn thông, dầu khí, công nghệ thông tin... làm gia tăng việc làm trong khu vực công nghiệp.

Tạo điều kiện để chuyển dịch bền vững lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ cũng là một trong những giải cần quan tâm. Trong đó tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động và các chính sách có liên quan đến thị trường lao động; hoàn thiện hệ thống thông tin về thị trường lao động theo hướng đầy đủ, đồng bộ, cập nhật và phù hợp với thông lệ quốc tế; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về lao động các cấp; thực hiện an sinh xã hội và bảo vệ lợi ích cho người lao động khi chuyển dịch sang lĩnh vực phi nông nghiệp, như: Khuyến khích và hỗ trợ người lao động tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện, linh hoạt trong mức đóng, phương thức đóng; bổ sung các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động...; có chính sách đóng hưởng hợp lý đối với những lao động trung niên không đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định...