Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Đào tạo nghề cho lao động: bước chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp

14/10/2019 09:49:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT- Qua kết quả khảo sát việc làm sau đào tạo của học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp do các trường báo cáo thì có đến 80% học sinh, sinh viên có việc làm sau đào tạo, đối với học sinh, sinh viên học các nghề kỹ thuật có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%.

Công nhân có tay nghề cao được tuyển dụng làm việc tại Công ty cổ phần sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái).

Hết năm 2018, tỉnh Yên Bái có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (11 cơ sở công lập, 02 cơ sở ngoài công lập), gồm: 4 trường cao đẳng; 3 trường trung cấp; 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Trường Cao đẳng nghề Yên Bái, Trường Cao đẳng Y tế, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch, Trường Cao đẳng Y dược Pasteur, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ, Trường Trung cấp Lục Yên, Trường Trung cấp Bách Khoa, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên tại các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, Văn Ghấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Ngoài ra, còn có một số trung tâm thuộc các ngành, đoàn thể có tham gia hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh; các trường trung cấp, cao đẳng ngoài tỉnh tham gia liên kết tổ chức các lớp đào tạo trình độ trung cấp trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, tỉnh Yên Bái đã xây dựng được 1 trường được đầu tư theo mục tiêu trở thành trường chất lượng cao (Trường Cao đẳng nghề Yên Bái, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư phê duyệt trở thành một trong 40 trường chất lượng cao của cả nước đến năm 2020); 5 trường cao đẳng và trung cấp công lập đã xây dựng được 17 nghề trọng điểm được phê duyệt đầu tư đạt trọng điểm cấp quốc tế, Asean, quốc gia, về đảm bảo chất lượng đào tạo: Trường Cao đẳng nghề Yên Bái đã được kiểm định chất lượng và được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xếp hạng 3 (xếp hạng cao nhất về chất lượng đào tạo), các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hàng năm đều rà soát các tiêu chí và báo cáo đánh giá tình hình tự đảm bảo chất lượng theo quy định của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Trong những năm gần đây, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực luôn được tỉnh quan tâm, xác định là một trong 3 đột phá chiến lược và là một trong sáu chương trình kinh tế trọng điểm giai đoạn 2016-2020 của tỉnh, với mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng được củng cố, phát triển, quy mô và chất lượng đào tạo ngày một nâng cao, đào tạo đã từng bước gắn kết và theo nhu cầu của doanh nghiệp. Các hoạt động liên kết đào tạo, đào tạo theo địa chỉ từng bước đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng nhân lực của các doanh nghiệp, địa phương, nhu cầu thị trường lao động theo từng ngành nghề, trình độ đào tạo.

Trong 3 năm 2016-2018, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 50.407 người, trong đó trình độ cao đẳng 4.045 người (chiếm 8%), trung cấp 7.376 người (chiếm 14,7%), sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 38.986 người (chiếm 77,3%); số lao động khu vực nông thôn tham gia học nghề trên địa bàn tỉnh là 43.431 người (chiếm 86%); trong 3 năm 2016-2018 đã có 15.395 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án 1956 (chiếm 35,4% so với tổng số lao động nông thôn được đào tạo.

Qua kết quả khảo sát việc làm sau đào tạo của học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp do các trường báo cáo thì có đến 80% học sinh, sinh viên có việc làm sau đào tạo, đối với học sinh, sinh viên học các nghề kỹ thuật có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%.

Giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ tạo việc làm mới cho 54.650 lao động, trong đó: Từ phát triển kin tế xã hội: 31.594 lao động; từ hỗ trợ cho vay tạo việc làm: 4.773 lao động; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng: 3.279 lao động, cung ứng lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài: 15.004 lao động.

Qua đánh giá cho thấy công tác đào tạo nghề cho lao động hàng năm đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng lao động cũng như chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh hàng năm (năm 2018 đạt 54%). Đào tạo nghề đã có đóng góp quan trọng trong việc tạo việc làm cho trên 18.000 lao động mỗi năm của tỉnh, góp phần chung vào công tác giảm nghèo tại tỉnh Yên Bái. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao năng suất, tạo việc làm, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở từng địa phương và của tỉnh theo hướng hiệu quả, bền vững.

Công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng trong việc cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề trong đó có nguồn nhân lực có tay nghề cao cho các địa phương, doanh nghiệp và thị trường lao động. Mỗi năm, đã có hàng nghìn lao động sau khi học nghề được các doanh nghiệp trong tỉnh tuyên dụng như nghề may công nghiệp, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, hàn... nhiều lao động sau khi học nghề đã tham gia xuất khẩu lao động tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có những tác động rõ rệt, nhiều lao động sau khi được học nghề đã có năng suất lao động cao hơn, có việc làm mới, cải thiện thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Nhiều mô hình tạo việc làm hiệu quả với sự hỗ trợ thiết thực từ Quỹ quốc gia về việc làm như mô hình kinh tế trang trại, trồng cây công nghiệp, tạo điều kiện cho những người lao động chưa có việc làm, người lao động bị thất nghiệp, người thiếu việc làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề, trang trại có việc làm và thu nhập. Dự án hỗ trợ phát triển thị trường lao động đã góp phần xây dựng và từng bước hoàn thiện, hệ thống thông tin thị trường lao động, đảm bảo cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời những diễn biến của thị trường lao động, làm cơ sở hoạch định và điều chỉnh kế hoạch chính sách việc làm và thị trường lao động.

 

Ban Biên tập