Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp - Bảo vệ quyền lợi của người lao động

18/08/2023 16:08:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) là một trong những quyền lợi cơ bản của người lao động nhằm chia sẻ gánh nặng, bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi không may bị TNLĐ, BNN.

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP sứ Kỹ thuật Hoàng Liên Sơn.

Anh Hà Văn Thu (SN 1986), công nhân một đơn vị khai thác đá ở Yên Bái. Cách đây 3 năm, anh thấy có biểu hiện khó thở, viêm họng kéo dài nên đi khám. Các bác sĩ kết luận anh bị bệnh bụi phổi và yêu cầu nằm viện điều trị. Hơn một năm anh phải nghỉ việc, mất đi nguồn thu nhập cho gia đình, mọi chi phí sinh hoạt, lo tiền ăn học cho hai con đều dựa vào đồng lương công nhân của vợ. Rất may sau khi có kết quả giám định BNN, hoàn thiện hồ sơ, anh được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN. Dù số tiền không lớn nhưng cũng giúp gia đình anh vơi bớt khó khăn trước mắt, điều trị bệnh và trở lại làm việc tại công ty.

Anh Thu cho biết: 100% người lao động của công ty anh đều tham gia đầy đủ các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tham gia đóng 1% Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN theo Luật An toàn vệ sinh lao động. Đối với những lao động bị tai nạn, doanh nghiệp làm hồ sơ đề nghị BHXH giải quyết hưởng trợ cấp 1 lần, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Căn cứ theo quy định tại Điều 43, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi đáp ứng điều kiện sau: Người lao động bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; ngoài nơi làm việc hoặc giờ làm việc nhưng đang thực hiện công việc theo yêu cầu hoặc người lao động tai nạn trên quãng đường di chuyển từ nơi làm việc đến nhà và ngược lại với tuyến đường hợp lý; người lao động bị suy giảm khả năng lao động tối thiểu 5% sau tai nạn.

Khi tham gia Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người lao động được hưởng nhiều chế độ hỗ trợ nếu chẳng may bị TNLĐ và BNN như: trợ cấp 1 lần với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% - 30%; trợ cấp hằng tháng với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên. Ngoài mức trợ cấp này, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Những năm qua, việc triển khai thực hiện chính sách về bảo hiểm TNLĐ, BNN và đóng Quỹ bảo hiểm TNLĐ - BNN đã được các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm phối hợp thực hiện theo quy định Luật An toàn vệ sinh lao động. Việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN luôn được cơ quan BHXH tỉnh thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, không để hồ sơ tồn đọng và tránh mọi phiền hà cho người lao động.

Thời gian qua, công tác chi trả trợ cấp TNLĐ, BNN được cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định, góp phần chia sẻ gánh nặng, bảo vệ quyền lợi đối với người lao động. Theo Báo cáo của Cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh, thực hiện Bảo hiểm xã hội về TNLĐ, BNN (bao gồm hưởng hàng tháng, hưởng 1 lần, người bị tai nạn giao thông được hưởng chế độ TNLĐ) năm 2021 là 757 người, với số tiền là 8.450,27 triệu đồng; năm 2022 là 765 người, với số tiền là 9.069,89 triệu đồng; năm 2023 (số liệu đến ngày 31/5/2023) là 723 người, với số tiền là 8.322,66 triệu đồng.

Tại buổi lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh cho biết: hiện công tác an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều thách thức và nguy cơ như: số doanh nghiệp và lao động tham gia thị trường lao động ngày càng nhiều, xuất hiện các ngành nghề mới, yếu tố nguy hiểm có hại do công nghệ, thiết bị, vật liệu, hoá chất mới, trong khi nhiều lao động chưa được đào tạo, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, trình độ công nghệ sản xuất ở một số doanh nghiệp còn thấp dẫn tới nguy cơ mất an toàn lao động vẫn xảy ra.

Thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức, kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động với nhiều hình thức phù hợp, đa dạng; tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, quan tâm đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá các nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc, tích cực đối thoại với người lao động; tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn vệ sinh lao động; phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc.

Ban Biên tập