Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Thú chơi quay của người Mông Trạm Tấu trong dịp Tết

26/08/2016 05:41:00 Xem cỡ chữ

Khi hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng là lúc người Mông ở xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu chuẩn bị đón Tết. Tết của người Mông thường kéo dài đến hết tháng Chạp. Từ mùng một đến mùng ba, người Mông tổ chức thăm hỏi, chúc Tết họ hàng, người thân và bạn bè. Sau đó, họ tổ chức vui chơi Tết. Lễ hội của người Mông thường kéo dài với các hoạt động vui chơi như: ném pao, ném còn, leo cột mỡ, múa khèn, đẩy gậy.... Tuy nhiên, trò chơi thu hút được sự chú ý và tham gia của nhiều người là trò chơi đánh quay.

Trẻ em thích chơi quay không kém gì người lớn.

Khi nắng trên núi vàng như mật ong, nhưng không gắt, từ sớm già trẻ, trai gái đã tụ tập từng tốp trên khu đất trống, đàn ông thì đánh quay, lũ con gái thì ném còn.

Theo tiếng Mông, đánh quay được gọi là Tầu tù lu. Tù lu (con quay) được làm từ sừng súc vật hoặc từ những loại gỗ cứng như : sồi, lim, nghiến hay gốc sơn tra ... có đường kính từ 7 - 10 cm. Nếu đẽo bằng gỗ không tốt, thì con quay của người ta chọi vào thì con quay của mình sẽ bị vỡ toác. Thân con quay được chế tác theo hai hình dạng chính: hình quả chuông và hình nón cụt, có hai đầu, đầu nhọn có tác dụng là điểm chạm của con quay, đầu kia gọt bằng, khi chơi là điểm đánh của những người chơi khác. Để làm được một con quay đạt yêu cầu phải mất từ 40 - 60 phút. Dây đánh quay được se bằng lanh thường được gọi là Cua, được nối với một đoạn Pảng - gọi là gậy làm bằng một đoạn trúc rừng nhỏ cỡ ngón tay cái. Chiều dài và kích thước của dây phù hợp với sải tay của người chơi cũng như kích thước con quay. Để chơi quay, người chơi thường chọn những bãi đất rộng, phía đối diện có ta luy cao nhằm tránh cho con quay khi chơi văng xuống núi và đảm bảo không gây thương tích cho người chơi.

Kỹ thuật chủ yếu của trò đánh quay gọi là bổ, cách thực hiện khá đơn giản, chỉ cần quấn chặt dây quay vào con quay bắt đầu từ điểm mấu quấn dây tiếp xúc với thân quay theo vòng rộng dần. Người chơi hơi cúi xuống và khuỵu chân, để con quay ở khoảng ngang bụng giữ chặt đầu dây còn lại (hoặc quấn vào ngón tay) để bổ con quay, nghĩa là lăng cho con quay văng ra và thường kết hợp với lực giật đầu dây đang giữ để con quay quay được nhiều vòng hơn. Còn có cách bổ quay khác là người chơi đứng thẳng, tay cầm quay cao ngang gáy rồi ném quay xuống theo phương thẳng đứng, tay giật dây di chuyển từ dưới lên trên, gọi là bổ thượng hoặc theo đường chéo gọi là bổ vát .

Đánh quay có 2 hình thức chủ yếu: thi quay tít và chọi quay. Đầu tiên các bạn trẻ thường thi quay tít. Một vòng tròn được vạch trên đất bằng cách vạch người đứng thi từ 5 -7m, mọi người đứng dàn hàng ngang ở vạch thi đấu, khoảng cách vừa phải để khi vung tay khỏi va chạm vào nhau. Thường người chơi quấn quay theo chiều tay thuận của mình. Khi có tiếng hô “Tầu Lâu” (đánh đi) của chủ trò thì lần lượt từng người chơi xuống quay để so tài. Những con quay lao vút vào vòng quay phát ra những tiếng kêu vo vo, vù vù quay tít, con quay nào quay lâu nhất sẽ được mọi người trầm trồ khen ngợi. Con nào nhảy chồm chồm vượt ra khỏi vòng tròn rồi đổ lăn chiêng ra là chưa đạt, chủ nhân của nó tiu nghỉu, có khi phải đẽo lại chiếc khác. Có nơi người chủ quay còn dùng dây quất vào cạnh tròn của con quay, tạo ra một lực tiếp tuyến để nuôi quay quay được tít lâu hơn. Loại quay tròn có núm, người ta có thể hất lên cho quay trong lòng bàn tay. Cuối cùng, ai có quay sống lâu hơn thì được quyền chơi tiếp, người kia xuống quay để những người còn lại đánh vào con quay của mình.

Thi chọi quay bao giờ cũng thu hút được nhiều người chơi, nhiều khán giả hâm mộ. Người thua cuộc lúc trước phải thả quay ra khoảng trống trước mặt để làm mồi. Khi con quay mồi đang nhảy nhót, quay vù vù thì một người khác vung tay lên bổ xuống một con quay khác giáng mạnh vào con quay mồi. Có con quay mồi bị giáng mạnh còn vỡ toác ra. Tiếng xuýt xoa khen ngợi nổi lên. Nếu chọi không trúng, thì con quay chọi lại phải thay thế con mồi. Cứ thế đến lúc tìm ra được con quay khỏe nhất, tít nhất và người chủ quay chơi điêu luyện nhất.

 

Vào những ngày tết hay các dịp hội hè, ở xã Bản Mù thường tổ chức chơi quay giữa các thôn với nhau chọn ra người những chơi giỏi nhất để tham gia thi đấu với các xã khác trong huyện. Đây cũng là dịp để mọi người giao lưu, gặp gỡ, chúc Tết nhau nhau nhân đầu xuân năm mới.

Thú chơi quay của người Mông giúp người chơi tạo cho cánh tay thêm rắn chắc, rèn luyện sức khoẻ, độ khéo léo, tinh nhanh và phán đoán tốt. Thêm vào đó, người chơi nhận được sự cổ vũ rất nhiệt tình của mọi người, đặc biệt là các thiếu nữ Mông đứng xem bên ngoài. Không ít thiếu nữ đã chọn được bạn tình cho mình là những người chiến thắng, trong số ấy đã nhiều đôi thành vợ, thành chồng sống hạnh phúc bên nhau trên các triền núi cao của miền sơn cước.