Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hội ném pao của người Mông

26/08/2016 06:02:00 Xem cỡ chữ

Người Mông ở Yên Bái cũng như người Mông ở các tỉnh Tây Bắc có rất nhiều trò chơi đặc sắc nhưng phổ biến nhất là trò ném pao. Trò chơi ném pao thường được tổ chức trong các ngày Tết, các lễ hội truyền thống của người Mông như Lễ hội Gầu Tào, Lễ hội Nào Sồng, ngày mừng nhà mới hay Lễ cúng bản.

Quả pao hay còn được gọi là pa pao được những bàn tay khéo léo của các thiếu nữ Mông khâu nối các miếng vải lanh thành trái tròn, to bằng quả cam, bên trong nhồi hạt lanh hoặc bông vải. Ngày nay, để tạo sắc màu cho quả pao, các thiếu nữ Mông còn dùng thổ cẩm của người Thái, hay những lụa tơ tằm để tạo sự mềm mại cho quả pao. Pao của các thiếu nữ màu sắc bắt mắt và sặc sỡ hơn, còn pao của các cô bé mới lớn đơn giản hơn và có màu đen.

Trò chơi ném pao được diễn ra ở những khu đất rộng tương đối bằng phẳng, người chơi được chia làm hai bên nam – nữ. Khoảng cách hai đội cách nhau khoảng 5 – 7mét. Tài khéo léo của người ném pao là không để cho pao rơi xuống đất và được giao ước với nhau bằng về số lần ném, số lần bắt được pao, nếu bên nào thua thì phải hát một bài hoặc làm một điều gì đó do đôi thắng quy định.

Những quả pao đủ màu sắc

Ban đầu họ chỉ chơi cho vui với nhau theo từng nhóm, sau đó đôi nam nữ nào thích nhau họ sẽ ném quả pao cho nhau và cứ ném qua, ném lại hàng giờ, hàng ngày mà không biết chán. Trong cuộc vui, nếu cô gái ưng chàng trai nào thường là họ khéo léo giấu tình cảm qua ánh mắt, nụ cười, còn các chàng trai ưng cô gái nào thì giữ luôn quả pao. Tài khéo léo của người ném pao là không để cho pao rơi xuống đất. Họ ném đến khi nào thấy nhắm mắt lại cũng có thể bắt được quả pao của người kia ném sang.

Người già trong bản Mông kể rằng: “Chẳng biết quả pao và trò chơi ném pao có từ khi nào nữa, nó có từ lâu lắm rồi. Chỉ biết rằng, người đàn ông Mông đi tìm vợ, đi hội đều mang theo khèn và biểu diễn những điệu múa khèn mạnh mẽ thể hiện sự trai tráng của người đàn ông thì người phụ nữ phải mang theo quả pao để đối xứng. Quả pao thể hiện sự mềm mại, vừa là trò chơi, vừa là vật trang sức của phụ nữ Mông trong các cuộc vui”.

Người đàn ông Mông đi tìm vợ thì việc đầu tiên họ xem là khả năng dệt vải, thêu thùa và làm quả pao. Một quả pao tốt thì các đường khâu phải kín, khi cầm quả pao không được cứng hoặc mềm quá. Một người phụ nữ Mông giỏi giang, đảm đang thì phải biết làm quả pao tốt.

Ngày nay, những cô gái chàng trai đã mang theo trò chơi ném pao của dân tộc mình khi họ đi học, hoặc đi công tác xa nhà. Những quả pao được tung lên trong những buổi liên hoan gặp gỡ góp phần vào việc gìn giữ một trò chơi truyền thống của người Mông. Họ chơi ném pao trong ngày Lễ Độc lập của dân tộc hay rủ nhau chơi ném pao trong những phiên chợ tình…

Gặp gỡ nhau trong những buổi ném pao bao cô gái, chàng trai Mông đã thành vợ, thành chồng, sinh con đẻ cái mang lại sức sống mới của cộng đồng dân tộc Mông nơi núi rừng Mù Cang Chải.

Bao chàng trai, cô gái người Mông nên vợ nên chồng nhờ những trái pao.