Những kinh nghiệm hay trong công tác lãnh đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Đồng

11/05/2018 09:02:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Trong những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Tân Đồng luôn cố gắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, xóa đói giảm nghèom, nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn.

Diện tích trồng dâu tằm của xã đạt 105,3 ha

Năm 2011, xã Tân Đồng được UBND tỉnh chọn làm điểm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên với những khó khăn của xã 135, đời sống của người dân còn khó khăn, trình độ nhận thức của nhân dân không đồng đều, một số bộ phận nhân dân còn mang tư tưởng trông chờ ỷ lại, tỷ lệ hộ nghèo chiếm cao (40,2%), thu nhập bình quân đầu người thấp (11 triệu đồng/người/năm), có 17/19 tiêu chí chưa đạt thì việc xây dựng nông thôn mới ở Tân Đồng tưởng chừng không thể thực hiện được. Xác định được tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, để thực hiện đạt chuẩn theo 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền địa phương xã Tân Đồng đã lựa chọn những giải pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, biến khó khăn, thách thức trở thành thuận lợi, đồng thời xác định lấy người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ xã xác định giao thông là huyết mạch cho sự phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy xã lấy phát triển giao thông nông thôn là khâu đột phá để đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa của người dân. Do đó, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc đóng góp công sức, tiền của, đất đai, cây cối hoa màu để làm đường giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng. Sau 7 năm triển khai thực hiện, xã đã làm được 25 km đường bê tông xi măng, tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt với các thôn, bản; các công trình hạ tầng như: Chợ, điện, trường, trạm, …được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu của nhân dân và yêu cầu của tiêu chí nông thôn mới.

Cùng với đó, xã xác định phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân là tiêu chí đặc biệt quan trọng trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, vì vậy trong những năm qua, Tân Đồng đã triển khai hiệu quả các giải pháp đồng bộ, khuyến khích người dân xây dựng các mô hình kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với khí hậu, tổ nhưỡng và trình độ canh tác của người dân và nhu cầu thị trường, thực hiện liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động, áp dụng công nghệ tiên tiến để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Trên địa bàn xã đã tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa thế mạnh của địa phương: như vùng sản xuất dâu tằm (nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi diện tích ruộng trằm chua kém hiệu quả và tận dụng ven suối, ven đồi để trồng dâu nuôi tằm, nâng tổng diện tích dâu của xã lên 105,3 ha); phát triển 1.800 ha quế đem lại thu nhập cao cho người dân; hình thành các trang trại, gia trại chăn nuôi với quy mô tập trung; các cơ sở chế biến nông, lâm sản, các cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển mạnh góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho người dân. Từ những mô hình phát triển sản xuất đã giúp xã Tân Đồng từ một xã nghèo trở thành một xã phát triển toàn diện, bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm thấp, thu nhập bình quân đạt 29,5 triệu đồng/người/năm.

Để thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường, Ban Chỉ đạo xã đã giao cho Hội Phụ nữ vận động hội viên thực hiện chương trình “5 không, 3 sạch”, mô hình “các tuyến đường tự quản, trồng hoa ven đường”. Vì vậy, công tác vệ sinh môi trường của xã đã chuyển biến rõ rệt, người dân đã chủ động vệ sinh khu dân cư, khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại, hàng tuần tổ chức quét dọn đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, đào hố rác, thu gom, xử lý rác thải tại các hộ gia đình và xây dựng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đúng tiêu chuẩn, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt theo quy chuẩn quốc gia đạt 98%...

Đạt được những kết quả trên, xã đã có những kinh nghiệm, cách làm phù hợp với điều kiện của địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó đã phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân hiểu được lợi ích, vai trò trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự gần dân, vì dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân để có những quyết sách chỉ đạo đúng đắn trong xây dựng nông thôn mới nhằm tạo sức lan tỏa, sự đồng thuận trong nhân dân.

Để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới khâu cốt lõi bắt đầu từ công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên từ xã đến thôn phải nắm chắc nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, phải có quyết tâm gương mẫu đi đầu trong thực hiện, nói đi đôi với làm đề quần chúng noi theo. Ban Chỉ đạo xã xây dựng quy chế  hoạt động, phân công rõ nhiệm vụ cho từng bộ phận, từng thành viên; tổ chức họp cán bộ chủ chốt từ xã đến thôn, xóm để quán triệt, học tập nội dung 19 tiêu chí, thống nhất lộ trình thực hiện, thứ tự ưu tiên các phần việc, các hạng mục đầu tư xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau”, không nóng vội chạy theo thành tích và không để mất cơ hội.

Cùng với đó, với mục tiêu cuối cùng của chương trình là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân khu vực nông thôn, xã luôn quan tâm đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; tạo điều kiện cho nhân dân tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp nhằm tăng gia sản xuất. Đồng thời thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, khai thác các nguồn thu tại địa phương “Lấy sức dân để lo cho dân”, tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng các công trình phúc lợi công cộng.

Phát huy tốt quy chế dân chế công khai minh bạch, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời  chấn chỉnh, uốn nắn những lệch lạc, tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân; đồng thời kịp thời biểu dương khen thưởng những tấm gương tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới để động viên tạo sức lan tỏa cho phong trào.

Với cách làm phù hợp, xã Tân Đồng tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí để duy trì bền vững và có hiệu quả, xứng đáng là một xã chuẩn nông thôn mới, góp phần xây dựng huyện Trấn Yên thành huyện nông thôn mới vào năm 2020.

Nguyễn Hiên