Thị xã Nghĩa Lộ có 3 xã triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là Nghĩa An, Nghĩa Phúc và Nghĩa Lợi. Đây là 3 xã thuần nông được sáp nhập về thị xã Nghĩa Lộ từ năm 2004, có đến 80 - 90% là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, trình độ văn hóa, nhận thức, đời sống kinh tế của người dân còn thấp. Do đó tỷ lệ hộ nghèo tính đến đầu năm 2013 của xã Nghĩa Lợi chiếm 60,68%, Nghĩa An 44,33%, Nghĩa Phúc 29,85%. Trong khi đó theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới về giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 10% thì đây là một tiêu chí thực hiện hết sức khó khăn. Hiện nay thị xã Nghĩa Lộ đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo gắn với các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. Các xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể theo từng năm và phát huy thế mạnh kinh tế của từng địa phương. Tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thoát nghèo bằng nội lực và tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước
Gia đình anh Hoàng Văn Nghĩa - ở thôn Đêu I xã Nghĩa An trước đây là một hộ nghèo do mới tách ra ở riêng. Nhà có 4 nhân khẩu lại chỉ có hơn 500m2 ruộng. Vì vậy gia đình anh được hưởng đầy đủ chế độ chính sách đối với hộ nghèo như: Hỗ trợ tiền điện, cấp thẻ khám chữa bệnh, vay vốn theo chương trình nước sạch vệ sinh môi trường.... Đây thực sự là những chính sách giúp đỡ gia đình anh từng bước đẩy lùi khó khăn và động viên gia đình vươn lên thoát nghèo. Anh Nghĩa tâm sự: “Trước sự hỗ trợ của nhà nước, vợ chồng anh cũng nhận thức rằng 2 vợ chồng còn trẻ sức dài vai rộng, không thể trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước mãi được. Do đó anh chị phấn đấu làm ăn, anh Nghĩa làm thêm nghề phụ xây mỗi ngày cũng được trả công 100.000đ. Năm 2012 gia đình anh được hưởng dự án chăn nuôi lợn nái, vợ chồng anh tích cực chăn nuôi nhân rộng đàn lợn của gia đình và sản xuất lúa, làm vụ ba hết 100% diện tích. Nhờ đó cuối năm 2012 gia đình anh đã thoát nghèo.”
Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có nhận thức và biết tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước để thoát nghèo như gia đình anh Nghĩa. Bởi còn có nhiều nguyên nhân, hoàn cảnh dẫn đến đói nghèo khác nhau. Gia đình ông Lường Văn Hiêm - ở bản Phán Thượng, xã Nghĩa Lợi, Thị xã Nghĩa Lộ có những 7 khẩu, tất cả dồn nặng lên vai 2 vợ chồng người con út, 2 vợ chồng ông thì già yếu cùng 1 người con tàn tật và 2 cháu nhỏ. Ông Hiêm than thở: “Vì đẻ nhiều, con cái chẳng được học hành đến nơi đến chốn nên chẳng đứa nào có ngành nghề gì. Khi các con lớn lên lại gả vợ, lấy chồng. Mỗi lần cưới hỏi là vợ chồng ông lại một lần thêm gánh nợ cho gia đình. Nợ này trả chưa hết đã đến nợ mới. Cứ thế đời ông nghèo đến đời các con cũng nghèo.” Cho nên mặc dù đã được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách đối với hộ nghèo xong gia đình ông Hiêm vẫn chưa thể thoát nghèo.
Không những nghèo do đông con, ốm đau bệnh tật, mà còn nhiều hộ nghèo do mù chữ, thiếu đất sản xuất. Vợ chồng anh Đinh Văn Phương ở bản Bay - xã Nghĩa Phúc có 2 người con, tổng cộng có 4 khẩu mà chỉ có 350m2 ruộng. Vụ chiêm vừa rồi được hơn 1 tạ thóc ăn không đủ 1 tháng. Anh Phương tâm sự: “Đấy là chưa kể những lúc đói giáp hạt đã phải bán thóc non để ăn đến mùa trả nợ còn chẳng đủ lấy đâu ra thóc mà ăn. Gia đình anh đong gạo ăn từng bữa.”
Với nhiều nguyên nhân dẫn đến đói nghèo kể trên, tính đến đầu năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo của xã Nghĩa Lợi chiếm 60,68%, Nghĩa An 44,33%, Nghĩa Phúc 29,85%. Trong khi đó thực hiện tiêu chí số 11 trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới về giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 10%. Như vậy tỷ lệ hộ nghèo ở các xã là cao so với tiêu chí đề ra, việc đạt được tiêu chí số 11về giảm tỷ lệ hộ nghèo là hết sức khó khăn.
Gia đình anh Lò Văn Hóa - hộ nghèo ở bản Pá Làng - xã Nghĩa Phúc - Thị xã Nghĩa Lộ thực hiện dự án hỗ trợ lợn nái sinh sản
Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo kết hợp với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới
Trên cơ sở đánh giá thực tế về nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách giảm nghèo. Năm 2013 Thị xã Nghĩa Lộ phấn đấu giảm khoảng 238 hộ nghèo tương đương với 3,55%. Trong đó xã Nghĩa Lợi phấn đấu giảm 6,5%, xã Nghĩa An giảm 5,5%, phường Pú Trạng 3,5%...6 tháng đầu năm 2013 thị xã đã triển khai thực hiện chính sách về y tế cấp thẻ BHYT cho 1.988 người nghèo. Hỗ trợ tiền điện, tiền dầu hỏa thắp sáng cho 1.677 hộ nghèo, đào tạo nghề cho 123 lao động nông thôn. Giải quyết việc làm cho 696 lao động, tiếp tục duy trì mô hình lợn nái sinh sản tại xã Nghĩa An và xã Nghĩa Phúc đảm bảo duy trì số lợn nái sinh sản trong dự án với tổng số 46 con....Với các giải pháp này dự kiến 6 tháng đầu năm 2013 thị xã giảm 112 hộ nghèo đạt hơn 47% kế hoạch năm.
Kết hợp với các chương trình, chính sách giảm nghèo, BCĐ xây dựng nông thôn mới Thị xã Nghĩa Lộ cũng đã triển khai nhiều giải pháp giúp các xã thực hiện tiêu chí giảm nghèo hiệu quả. Ông Chu Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thị xã, Phó BCĐ xây dựng nông thôn mới Thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “ Thị xã tập trung vào tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nghề; triển khai các đề án hỗ trợ phát triển sản xuất. Năm 2013 tập trung vào triển khai 3 đề án: Hoa chất lượng cao, chăn nuôi phát triển thủy sản, trồng rau chất lượng cao vụ đông”.
Các xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới cũng có giải pháp giảm nghèo phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của xã mình. Ông Hà Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: “Xã Nghĩa An tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, áp dụng phương pháp cầm tay chỉ việc, phát triển thế mạnh của xã là hiệu quả mô hình chế biến nông lâm sản trên địa bàn như: Chế biến gỗ rừng trồng, làm thảm hạt, chế biến dược thảo...ưu tiên tạo việc làm cho người nghèo trên địa bàn xã.”
Đối với xã Nghĩa Lợi để thực hiện hiệu quả tiêu chí giảm nghèo, xã đã phát huy thế mạnh của mình là sản xuất lúa nước với diện tích hơn 136 ha, tập trung chỉ đạo, vận động bà con sản xuất lúa hàng hóa đạt trên 80% diện tích với các giống lúa năng suất chất lượng cao như: Chiêm hương, Séng cù, HT1....đưa năng suất lúa bình quân của xã đạt 12 tấn/ha/ năm. Từng bước xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nâng cao giá trị thu nhập trên ha canh tác giúp người dân thoát nghèo trên chính đồng đất quê hương mình.
Để giảm nghèo hiệu quả và bền vững, phấn đấu sớm đạt tiêu chí số 11 trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đưa 2 xã Nghĩa An và Nghĩa Phúc đạt tiêu chí số 11 trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2015 và xã Nghĩa Lợi vào năm 2020. Thị xã Nghĩa Lộ cũng như các xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã và đang triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo đồng bộ, thiết thực, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng, tiềm lực của các hộ dân và từng địa phương. Khơi sâu tinh thần phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của chính các hộ nghèo./.