Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Người nghèo là đối tác của chính sách

05/08/2015 10:32:00 Xem cỡ chữ

Nâng mức cho vay và hạ lãi suất là một trong nhân tố thường xuyên được Chính phủ điều chỉnh để người nghèo và cận nghèo tiếp cận được với quỹ tín dụng. Cũng nhờ có chính sách này mà hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên do thiếu nguồn lực cũng như vẫn coi người nghèo là đối tượng thụ hưởng nên chính sách này vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong đợi.

Đưa vốn đến với hộ nghèo

Tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách gặp khó khăn là hoạt động quan trọng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Từ khi có chính sách này, các đối tượng nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và không ít hộ đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Đáng ghi nhận để người dân nghèo dễ tiếp cận được nguồn vốn này, Chính phủ đã có nhiều điều chỉnh về lãi suất cũng như nguồn vốn. Cụ thể mức cho vay tối đa với hộ nghèo, hộ cận nghèo từ ngày 6-4-2007 đến ngày 30-4-2014 là 30 triệu đồng/hộ; từ ngày 1-5-2014 đến nay là 50 triệu đồng/hộ. Lãi suất cho vay hộ nghèo 0,6%/tháng, hộ cận nghèo 0,72%/tháng. Thời hạn cho vay ngắn hạn tối đa 12 tháng, trung hạn tối đa 60 tháng. Phương thức cho vay, NHCSXH thực hiện theo phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội. Việc triển khai tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo thông qua công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, các chương trình tín dụng được triển khai, phổ biến đến cấp ủy, chính quyền, cộng đồng dân cư và các đối tượng được thụ hưởng.

Theo đánh giá của các địa phương tín dụng chính sách được xem là một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo căn cơ và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội có hiệu quả. Nhờ có nguồn vốn vay này mà hàng trăm, hàng nghìn hộ dân nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng cho thấy, sau 13 năm hoạt động, với mạng lưới trải rộng từ Trung ương tới cơ sở và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 điểm giao dịch xã, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã huy động được hơn 140.000 tỷ đồng để cho vay với tổng dư nợ đến hết tháng 5-2015 đạt gần 134.000 tỷ đồng, tăng gần 19 lần so với thời điểm thành lập (đầu năm 2003). Nhờ đó, đã có trên 25,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách với tổng doanh số cho vay trên 285.000 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 11 triệu lao động, trong đó có trên 104.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 3,3 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập…

Mức độ bao phủ vốn vay chưa toàn diện

Từ những con số trên có thể thấy chính sách cho vay vốn đã đem lại hiệu quả khá cao trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững. Đây là một thực tế không thể phủ nhận tuy nhiên bên cạnh đó thì vẫn còn tồn tại những bất cập. Và đây chính là nguyên nhân của câu chuyện tái nghèo có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Đánh giá về chính sách tín dụng cho người nghèo và cận nghèo, tại cuộc đối thoại chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo mới đây, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi thẳng thắn cho rằng, dù chính sách đã bao phủ với từng thôn, từng bản ở vùng sâu, vùng xa, nhưng do thiếu nguồn lực trong thực hiện tín dụng ưu đãi cho người nghèo nên mức độ bao phủ vẫn chưa thật sự toàn diện. “ Để các hộ thoát nghèo bền vững, giảm tỷ lệ các hộ tái nghèo, thì phải nuôi dưỡng và tiếp tục ưu đãi tín dụng cho các hộ cận nghèo, các hộ mới thoát nghèo. Khi các hộ thoát nghèo đã có động lực ban đầu mà chúng ta không tiếp tục duy trì và đẩy mạnh động lực đó thì các hộ dân rất dễ rơi vào tình cảnh tái nghèo”- ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Kết quả giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 – 2012 của Quốc hội cũng cho thấy, một trong những khó khăn trong công tác giảm nghèo là nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất từ Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho hộ cận nghèo mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu vay, hạn chế khả năng thoát nghèo bền vững.
“Mừng được vay, lo lãi suất” cũng là một trong những câu chuyện được các địa phương phản ánh trong quá trình đi tuyên truyền, vận động người nghèo vay vốn để sản xuất. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều hộ nghèo buộc phải thờ ơ với nguồn vốn mặc dù rất có nhu cầu vay. Bên cạnh đó theo phản ánh của nhiều địa phương do việc hỗ trợ mới chỉ dừng lại ở việc rót vốn mà chưa gắn kết tốt với chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách thức sản xuất kinh doanh, chưa kết nối sản xuất với thị trường hàng hóa…nên hiệu quả của việc sử dụng vốn không cao.

Theo Phó chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020, đến năm 2020 tỷ lệ nghèo bình quân trong cả nước giảm ít nhất 1,5%/năm, đối với các huyện nghèo là 4%/năm cần tập trung nguồn lực cho giảm nghèo vào các nhiệm vụ trọng tâm, tránh dàn trải, manh mún. Đồng thời cần điều chỉnh mức vay, lãi suất, thời hạn vay theo hướng linh hoạt hơn. Bên cạnh đó phải có sự gắn kết việc cho vay vốn với chuyển giao khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất để người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo. “ Để nguồn vốn vay thực sự đem lại hiệu quả cũng như tránh tâm lý ỷ lại của người nghèo thì chúng ta cần coi người nghèo là đối tác của chính sách giảm nghèo, chứ không phải là đối tượng hưởng chính sách một cách thụ động” – Phó chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

 

Theo Trang TT giảm nghèo Quốc gia