Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam
“Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” là Dự án do Bộ LĐ-TBXH thực hiện nhằm mục đích giảm nghèo bền vững. Dự án hỗ trợ việc hợp nhất thông tin và quy trình nhằm đơn giản hóa các thủ tục trong hệ thống trợ giúp xã hội của Việt Nam. Dự án hợp nhất cơ sở dữ liệu hiện hành thành một cơ sở dữ liệu quốc gia về các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và các đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội để đặt nền móng cho việc hợp nhất các chương trình và tăng tính hiệu quả của chi tiêu công trong lĩnh vực giảm nghèo và trợ giúp xã hội. Tại bốn tỉnh thí điểm, Dự án hợp nhất các chương trình chi trả bằng tiền mặt hiện hành và một số khoản hỗ trợ bổ sung của dự án cho các hộ gia đình nghèo có trẻ em, phụ nữ mang thai thành “Gói trợ cấp hộ gia đình” nhằm đảm bảo hiệu quả hỗ trợ cho các hộ nghèo và các đối tượng hưởng trợ giúp xã hội.
Tại các địa phương này, các hộ nghèo có trẻ em và phụ nữ mang thai sẽ nhận được một khoản trợ cấp từ các chính sách hiện hành và hỗ trợ bổ sung của dự án. Hơn nữa các đối tượng thụ hưởng dự án được tư vấn về kỹ năng nuôi dạy con từ các phương tiện truyền thông đại chúng và thông qua lực lượng cộng tác viên thôn bản. Hiệu quả làm việc của cán bộ làm công tác xã hội ở địa phương sẽ được cải thiện nhờ vào việc đơn giản hóa các quy trình và giảm bớt khối lượng công việc có liên quan. Cán bộ quản lý dự án ở cấp tỉnh và cấp trung ương tăng cường được khả năng giám sát thực hiện chương trình và hỗ trợ xây dựng chính sách.
Gói trợ cấp hộ gia đình
Gói trợ cấp Hộ gia đình sẽ có 2 phần: các khoản hỗ trợ hiện hành và các khoản hỗ trợ bổ sung. Trong đó: Các khoản hỗ trợ hiện hành gồm: Hỗ trợ tiền điện cho hộ gia đình theo quy định hiện hành, số tiền tương đương 30kWh/hộ/tháng; Hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em thuộc hộ nghèo hiện đang đi học 70.000 đồng/em/tháng (9 tháng/năm); Hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu/tháng và tiền ở bằng 10% mức lương tối thiểu/tháng tính trong 9 tháng/năm cho học sinh là người dân tộc thiểu số hoặc người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, đang học trung học phổ thông ở xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng.
Các khoản hỗ trợ bổ sung gồm: Hỗ trợ phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo: 70.000đ/người/tháng (tối đa 9 tháng); Hỗ trợ trẻ từ 0 đến dưới 3 tuổi thuộc hộ nghèo: 70.000đ/em/tháng; Hỗ trợ trẻ từ 3 đến dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo đang không đi học: 70.000đ/em/tháng (9 tháng/năm).
Các đối tượng thuộc 3 nhóm bổ sung của dự án sẽ đến UBND xã để làm thủ tục đăng ký. Sau khi được phê duyệt, khoản trợ cấp của 3 nhóm đối tượng này, cùng với các khoản trợ cấp theo các chính sách hiện hành được tích hợp của tất cả các thành viên trong hộ gia đình (nếu có), sẽ được chi trả tại bưu điện xã/phường nơi cư trú từ ngày 05 đến 18 hàng tháng.
Từ ngày 1/7/2015, gói trợ cấp xã hội dành cho các hộ gia đình được hợp nhất chi trả tại Bưu điện văn hóa xã hoặc tại nhà đối với các đối tượng đặc biệt khó khăn.
Khuyến khích người dân sử dụng hiệu quả các khoản trợ cấp
Dự án khuyến khích người dân sử dụng hiệu quả các khoản trợ cấp của nhà nước để chi cho sức khỏe, dinh dưỡng và giáo dục.
Về sức khoẻ, phụ nữ mang thai cần được đến cơ sở y tế để được kiểm tra, chăm sóc sức khoẻ định kỳ như khám thai tối thiểu 3 lần, trẻ em dưới 6 tuổi được uống viên sắt, tiêm chủng đầy đủ.
Về dinh dưỡng, cha mẹ nên tham gia các buổi tư vấn kỹ năng dạy và chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ như bổ sung đa vi chất, tẩy giun.
Về giáo dục, người dân cần động viên, tạo điều kiện cho con, em đi học để vươn lên thoát nghèo.
Các thắc mắc của người dân sẽ được cộng tác viên thôn/bản, cán bộ LĐTBXH xã trực tiếp giải quyết hoặc tư vấn qua đường dây tư vấn miễn phí: 18001567.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, nhiều kinh nghiệm hay, có hiệu quả trong lĩnh vực trợ giúp xã hội và giảm nghèo đã được Việt Nam nghiên cứu, học hỏi và áp dụng. Việc thống nhất các khoản trợ giúp xã hội thành một “gói trợ cấp hộ gia đình” và cải tiến phương pháp chi trả là một trong những điển hình, như vậy: “Đây là bước tiến lớn trong công tác chi trả trợ giúp xã hội, giúp tăng cường hiệu quả của công tác này và mang lại sự thuận tiện cho người dân. Dự án thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương trong việc mang lại quyền lợi tối đa cho người được nhận trợ giúp xã hội. Đặc biệt, nỗ lực của mạng lưới cộng tác viên thôn bản, cán bộ ngành LĐ-TBXH các cấp là rất lớn, góp phần vào thành công và hiệu quả của Dự án” (Ông Đặng Kim Chung, Vụ trưởng, Giám đốc Ban quản lý dự án cấp Trung ương).